Chiều 30-9, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp khu vực phía Nam năm 2019.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, năm 2019 đánh dấu nhiều chuyển biến của ngành bán hàng đa cấp, từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) đến việc xây dựng và thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực.
Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Amway Việt Nam
Tính đến hết tháng 8-2020, cả nước chỉ còn 21 DN bán hàng đa cấp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, giảm 30% so với năm 2018. Trong năm 2019, cả nước có 3 DN bán hàng đa cấp được cấp giấy chứng nhận hoạt động, 12 DN chấm dứt hoạt động. Cả nước có 1.105.003 người tham gia bán hàng đa cấp, giảm khoảng 12% so với năm 2018. Tuy vậy, tổng doanh thu bán hàng lại tăng hơn 16%, là 12.575 tỉ đồng. Các DN đã nộp hơn 1.661 tỉ đồng tiền thuế.
Cũng trong năm 2019, Bộ Công Thương đã tiếp nhận khoảng 100 lượt đơn khiếu nại, kiến nghị, tố cáo… liên quan đến những người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cho hay đến nay hoạt động bán hàng đa cấp về cơ bản đã được chấn chỉnh, số lượng vụ việc vi phạm và những vấn đề phát sinh từ bán hàng đa cấp đã giảm, không còn nhiều trường hợp nghiêm trọng như những năm trước. Trong năm 2019, sau thanh tra, Bộ Công Thương đã xử phạt 4 DN vi phạm với tổng số tiền phạt là 1,81 tỉ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 1 DN do vi phạm nghiêm trọng.
Đại diện Sở Công Thương một số tỉnh như Sóc Trăng, Bến Tre, Tây Ninh… cũng đánh giá nhiều DN bán hàng đa cấp đã hoạt động nghiêm túc hơn so với trước. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng vài "con sâu làm rầu nồi canh". Chẳng hạn, người đại diện công ty bán hàng đa cấp tại địa phương không nắm thông tin DN, một số công ty không thực hiện báo cáo hoạt động định kỳ cho cơ quan quản lý địa phương theo quy định. "Các công ty đa cấp phải hợp tác với hiệp hội bán hàng đa cấp trong công tác tuyên truyền, giáo dục các công ty thành viên làm ăn tử tế, xây dựng văn hóa kinh doanh để xây dựng thương hiệu bán hàng đa cấp và lấy lại lòng tin người tiêu dùng lẫn những người làm công tác quản lý" - đại diện Sở Công Thương tỉnh Bến Tre góp ý.
Hợp tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trong khuôn khổ hội nghị, Amway Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để thực hiện một số hoạt động tuyên truyền, phổ biến trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2020 - 2021.
Ông Huỳnh Thiên Triều, Tổng Giám đốc Amway Việt Nam, cho biết chuỗi hoạt động này sẽ là giải pháp hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của người tiêu dùng nhằm giúp người tiêu dùng chủ động và ý thức tự bảo vệ bản thân khi tiêu dùng. Đồng thời, cũng thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong kinh doanh, từ đó góp phần tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy tiêu dùng một cách bền vững hơn.
Xem thêm: mth.8423741203900202-pac-ad-gnah-nab-iougn-ueirt-ac-oc-coun-ac/et-hnik/nv.moc.dln