Các quan chức cấp cao Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 30-9 đã đề nghị Tổng thống Donald Trump điều tra xem liệu chính phủ Nga có đầu độc nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny bằng chất độc thần kinh hóa học hay không.
Theo đó, nếu chính quyền Moscow thật sự đã đầu độc ông Navalny, Washington sẽ xem xét tiến hành các biện pháp trừng phạt phù hợp đối với Nga.
“Chúng tôi rất lo ngại trước kết quả giám định cho thấy ông Alexei Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok hồi tháng 8 vừa qua” - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ - Thượng nghị sĩ Jim Risch và thành viên đảng Dân chủ - Thượng nghị sĩ Bob Menendez bày tỏ trong bức thư gửi lên Tổng thống Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS
Được biết, các thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 8-9 cũng đã có những đề xuất tương tự, gia tăng thêm sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế với chính phủ Nga, yêu cầu các bên liên quan điều tra kĩ càng vụ đầu độc này.
Hiện phía Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về bức thư của hai thành viên Thượng viện Mỹ.
Trước đó vào đầu tháng 9, Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Cherith Norman Chalet nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng Mỹ sẽ làm việc với các nước đồng minh để có thể tìm ra người chịu trách nhiệm cho đầu độc ông Navalny.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Berlin sẽ thảo luận với những quốc gia châu Âu khác về các biện pháp để giải quyết vụ việc này, hãng tin Reuters cho hay.
Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny đang được điều trị tại Đức, sau khi ông bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Ảnh: REUTERS
Nhân vật đối lập Nga đã được cho xuất viện sau 32 ngày điều trị tại bệnh viện Charite khi ông được chuyển tới Đức sau khi phát bệnh trên một chuyến bay nội địa ở Nga hồi tháng 8.
Người phát ngôn của ông Navalny - bà Kira Yarmysh cho rằng ông Navalny bị trúng độc từ tách trà mà ông uống vào buổi sáng trước đó tại quán cà phê sân bay. Sau đó trên chuyến bay, ông Navalny vào phòng tắm và bất tỉnh.
Giới chức ở Berlin đầu tháng 9 tiết lộ toàn bộ các xét nghiệm thực hiện ở Đức, Thụy Điển và Pháp đều khẳng định ông Navalny đã bị ám hại bằng chất độc thần kinh Novichok. Tuy nhiên phía Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc, theo Reuters.
Ông Navalny được xem là đối thủ chính trị "cứng cựa" của Tổng thống Vladimir Putin. Năm 2018, ông đã lập một mạng lưới các văn phòng tranh cử trên khắp nước Nga và kể từ đó đã đưa ra các ứng cử viên đối lập trong các cuộc bầu cử khu vực, thách thức các thành viên của đảng cầm quyền Nga.