Sáng 30-9, gần 200 doanh nghiệp (DN) logistics, xuất nhập khẩu… đã có mặt tại hội thảo "Ngành logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số: quản trị rủi ro nhằm chuyển đổi đúng cách và hiệu quả" do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế tại TP HCM (CIIS) phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức.
Không thể đi ngược xu thế
Nêu thực tế giao hàng trong thương mại điện tử đang được tính bằng giờ chứ không còn theo ngày như trước, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng không cần liệt kê ra những lợi ích của DN khi ứng dụng chuyển đổi số bởi nếu không chuyển đổi nghĩa là tự chọn rút lui khỏi thị trường. DN ngành logistics cũng không ngoại lệ, nếu không chuyển đổi số, DN sẽ thụt lùi và không thể cạnh tranh khi DN khác đều đã ứng dụng chuyển đổi số, đưa chuyển đổi số vào danh mục phải đầu tư.
"Các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng phải tính toán đến các giải pháp giao hàng. Đơn cử, một sàn thương mại điện tử lớn có thể phải giao đến 200.000 đơn hàng mỗi ngày. Với số lượng như vậy, họ phải có kho lớn, hệ thống công nghệ thông tin "khủng" và đội ngũ giao hàng mạnh. Công ty quản lý dữ liệu khách hàng, dùng big data (dữ liệu lớn) để phân tích và dùng trí tuệ nhân tạo để tính toán, điều phối việc giao nhận cho thuận tiện. Một số công ty có mô hình nhưng chưa làm hoặc làm chưa hiệu quả" - ông Dũng nhìn nhận.
Ngành logistics cần được hỗ trợ chuyển đổi số để tồn tại và phát triển .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo ông Dũng, trong quá trình chuyển đổi số, DN logistics phải kết nối với rất nhiều đối tác trong chuỗi cung ứng thì việc chuyển đổi số mới thành công, phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Tiến trình chuyển đổi số của các DN Việt đã có bước tiến triển rất mạnh vì yêu cầu thực tế. Riêng ngành logistics chịu tác động bởi đa ngành liên quan. DN logistics không thể tự mình hoạt động mà phải kết nối với hải quan, hãng tàu cùng rất nhiều khách hàng và loại hình dịch vụ. Đó cũng là cái khó cho DN logistics trong việc chuyển đổi số.
Khảo sát năm 2018 của VLA cho thấy mức độ ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam chưa cao, đa phần là các giải pháp đơn lẻ. Khoảng 40% các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đang được sử dụng tại các DN logistics là ứng dụng cơ bản, như quản lý giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng, quản lý vận tải, trao đổi dữ liệu điện tử và khai báo hải quan. Chưa có nhiều DN ứng dụng các giải pháp có tính tích hợp cao.
Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký VLA, cho hay đại dịch Covid-19 đã làm chuỗi cung ứng, trong đó có các hoạt động logistics - xương sống của chuỗi cung ứng, bị đứt gãy và đảo lộn. Trước áp lực của dịch bệnh cùng một số thay đổi của thị trường, ngành logistics đã có những nỗ lực đáng kể trong hoạt động chuyển đổi số khi các mảng dịch vụ đều bước đầu sử dụng các công cụ điện tử, thiết bị công nghệ vào quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Hiện một số DN lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Chẳng hạn, cảng điện tử (ePort) và lệnh giao hàng điện tử (eDO) tại Tân Cảng Sài Gòn; ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics tại Công ty T&M Forwarding.
Nhiều khó khăn
Các DN logistics đang gặp nhiều trở ngại trong quá trình số hóa. VLA chỉ ra 3 khó khăn lớn là tài chính, con người và lựa chọn công nghệ thích hợp. "Thứ nhất, chi phí đầu tư cho chuyển đổi số rất lớn, từ 200 triệu đồng đến hàng chục tỉ đồng trong khi hơn 80% hội viên VLA là DN nhỏ và vừa; khoảng 97% nhà cung cấp dịch vụ logistics nói chung cũng là DN nhỏ và vừa nên thiếu vốn đầu tư. Thứ hai, các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế chưa ứng dụng được nhiều tại Việt Nam và các DN khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của mình. Thứ ba, tâm lý DN chưa thật sự tin tưởng vào độ bảo mật, an toàn về khả năng thanh toán… trong số hóa. Cùng với đó là thói quen ngại thay đổi của lãnh đạo DN và nhân viên" - ông Nguyễn Tương liệt kê.
Nhìn nhận ở góc độ pháp lý liên quan đến logistics, luật sư Ngô Khắc Lễ - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, chuyên gia tư vấn pháp lý liên quan đến logistics và vận tải - nhìn nhận một số DN logistics lớn, hoạt động xuyên quốc gia đã áp dụng chuyển đổi số ở mức khá cao; DN nhỏ và vừa có thể học kinh nghiệm để từng bước thay đổi, áp dụng. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều DN cảm thấy chưa cần thay đổi vì vẫn "sống được" hoặc cho rằng phải chuyển đổi số toàn bộ mới có hiệu quả; DN thiếu lao động kỹ thuật số, khó khăn về tài chính. Một hạn chế khác là chưa có nhiều liên kết DN có công việc tương tự để cùng thuê một công ty khảo sát, chuyển đổi số hiệu quả hơn. Nhiều DN đang áp dụng phần mềm riêng cho từng dịch vụ dẫn đến không thể kết nối để đạt hiệu quả tối ưu, trong khi phải chịu chi phí cao, lãng phí thời gian và đứt gãy nguồn cung/cầu dịch vụ do không được kết nối mạng rộng vì chưa chuyển đổi số.
Theo các chuyên gia, DN vừa và nhỏ bị hạn chế về vốn nhưng đó không phải là quá khó khăn trong quá trình chuyển đổi số bởi hiện có nhiều phần mềm chi phí không quá lớn. Tới đây, VLA và Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) sẽ thành lập một công ty cộng đồng để phát triển một nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics nhằm phục vụ cho các DN cung cấp dịch vụ logistics và các DN sản xuất, xuất nhập khẩu của VIDA trong kinh doanh hằng ngày.
"Mặc dù vậy, ngoài nội lực của DN, nhà nước cần hỗ trợ DN trong việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính liên quan, hỗ trợ nguồn vốn trong điều kiện có thể, nhất là những DN đi đầu trong chuyển đổi số. Bên cạnh đó, phải triển khai có kết quả Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030" - Tổng Thư ký VLA nêu ý kiến.
Xem thêm: mth.16574001203900202-os-iod-neyuhc-taogn-coub-court-scitsigol-hnagn/et-hnik/nv.moc.dln