vĐồng tin tức tài chính 365

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội

2020-10-01 10:01

Theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì, thay mặt Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ trình bày trước Quốc hội Báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; và Báo cáo thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, đồng chí Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 sẽ là tiền đề, cơ sở xây dựng kế hoạch 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt bối cảnh năm 2020 với sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 đã làm tình hình thay đổi hoàn toàn so với những tín hiệu lạc quan và kết quả tích cực đạt được của năm 2019 và các năm trước.

image

Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội phát biểu khai mạc

Để chuẩn bị xây dựng 03 báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế ngoài các công văn đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đã gửi công văn đề nghị VCCI và một số hiệp hội, tổ chức, các trường đại học, các chuyên gia có báo cáo, ý kiến, nhận định về các nội dung trên. Sau phiên họp toàn thể Ủy ban, Thường trực Ủy ban Kinh tế dự kiến sẽ tổ chức một số buổi tọa đàm, làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học và một số cơ quan, tổ chức có liên quan để trao đổi, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đã và sẽ chủ trì, phối hợp với một số cơ quan tổ chức hội thảo để có thêm nhiều thông tin đa chiều phục vụ công tác thẩm tra các báo cáo kinh tế - xã hội.

Đồng chí Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt lãnh đạo Bộ, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2020. Theo đó, ngay trong những ngày đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế thế giới và trong nước. Bên cạnh đó, kinh tế nước ta còn đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức do tác động từ cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và địa chính trị trên thế giới… Mặc dù những khó khăn đó nằm ngoài kịch bản điều hành của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng nhưng nền kinh tế của chúng ta đã là điểm sáng vượt qua đại dịch. Kết quả tích cực đó khẳng định sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong đó có sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, hành động kịp thời của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự chủ động tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng ta đã phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao niềm tin của nhân dân. Đối với lĩnh vực kinh tế, nước ta đã có sự phản ứng kịp thời, đúng và trúng để đạt được kết quả quan trọng đối với việc ổn định kinh tế - xã hội và hạn chế tới mức thấp nhất tác động tiêu cực lên nền kinh tế, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Mặc dù dịch bệnh không bùng phát mạnh như một số nước trên thế giới nhưng mức độ ảnh hưởng của dịch đến nền kinh tế trong nước cũng là hết sức nghiêm trọng. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự kiến năm 2020 chỉ tăng 1,8 - 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đây vẫn là mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trên thế giới, nhưng so với các năm trước, đây là mức thấp nhất trong nhiều năm. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch bệnh; lĩnh vực nông – lâm – thủy sản gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu phụ trợ nông nghiệp; các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh; ngành du lịch, hàng không, vận tải kho bãi cũng chịu ảnh hưởng lớn do tổng cầu giảm mạnh; thị trường tài chính – tiện tệ diễn biến tiêu cực. Một số lĩnh vực khác cũng chịu tác động lớn từ đại dịch là giáo dục - đào tạo, y tế, giao thông - vận tải, kinh doanh bất động sản...

image

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp mà Chính phủ đang triển khai để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, một số địa phương vẫn gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục dẫn tới việc chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng còn chậm; trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị để giải quyết các vướng mắc, hạn chế của nền kinh tế hiện nay, từ đó có những dự báo về tình hình kinh tế xã hội năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.

Các đại biểu đã đánh giá cao sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong việc phòng chống dịch bệnh và phục phồi, phát triển kinh tế. Cũng trong phiên họp các đại biểu đã đánh giá về tác động kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 và thảo luận đóng góp ý kiến cho Báo cáo với tổng số 14 đại biểu phát biểu.

Nhiều đại biểu tiếp tục thảo luận về việc cần đánh giá thực chất về hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; báo cáo về khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của doanh nghiệp. Đồng thời nguy cơ bùng nổ nợ xấu trong thời gian tới khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thị trường bất động sản nhiều nơi chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng được nhiều đại biểu đề cập.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN thông tin để làm rõ những vấn đề được nêu lên. Phó Thống đốc cho biết, những cuộc thẩm tra báo cáo đối với các bộ ngành đặc biệt quan trọng, NHNN lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế để có thêm nhiều thông tin về kinh tế xã hội nhằm tham mưu xây dựng chính sách và điều hành chính sách tiền tệ được tốt hơn.

Theo Phó thống đốc, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, NHNN đã vào cuộc rất sớm, chủ động nắm bắt, dự báo, xây dựng kịch bản, chương trình hành động triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khách hàng vay vốn thông qua các giải pháp hỗ trợ rất cụ thể. NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN hiệu lực từ ngày 13/3/2020, tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp giảm áp lực về nguồn tiền trả nợ đến hạn để doanh nghiệp tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện miễn giảm phí trong thanh toán và đã hỗ trợ được số lượng lớn khách hàng và người dân. Phó Thống đốc cho biết thêm, thời gian vừa qua giá vàng trên thế giới có những biến động khó lường và có những thời điểm tăng cao kỷ lục, tuy nhiên thị trường trong nước ổn định, không có những cơn sốt vàng, khẳng định những giải pháp quản lý vàng theo Nghị định 24 vủa Chính phủ vẫn có tác dụng tốt…

NHNN vẫn luôn kiên định điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, nâng cao vị thế của đồng tiền Việt Nam, tạo niềm tin cho người dân. Còn về những giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đợt 2 của dịch Covid-19, quan điểm của NHNN là tìm các giải pháp là cần thiết nhưng cũng cần phải khả thi và triển khai nhanh. Ngành ngân hàng luôn đảm bảo nguồn vốn, sẵn sàng tái cấp vốn, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hợp lý, điều hành lãi suất linh hoạt, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống.

Quỳnh Mai

Xem thêm: 332414VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools