TOPICA là một startup nổi bật ở thị trường Việt Nam. Năm 2018, doanh nghiệp 7 năm tuổi này đã khiến cả giới khởi nghiệp Việt Nam và cả Đông Nam Á phải nể trọng khi thành công gọi vốn tới 50 triệu USD từ Northstar Group. Tại thời điểm đó, đây là khoản rót vốn lớn nhất từ các quỹ đầu tư cho một startup giáo dục trực tuyến tại khu vực này.
Cái khó của việc có quá nhiều tiền: Phát triển nóng, chi tiêu hào phóng, nhìn đâu cũng thấy cơ hội
Bà Jenny Đặng - Giám đốc điều hành của TOPICA khu vực Singapore - Philippines và Thái Lan kiêm Thành viên Ban cố vấn SIHUB, chia sẻ trong Tọa đàm ‘Startup – Sống sót và tìm vốn’ rằng, TOPICA đã gặp rất nhiều thách thức sau khi thành công gọi được số vốn ‘khủng’ đó.
"Chúng tôi đã ký hợp đồng sơ bộ với đối tác trước đó 1 năm, song không vì vậy mà mọi chuyện dễ dàng hơn. Lúc đó, TOPICA có khoảng 1.600 nhân sự, trong đó có team khoảng 100 người. Trong suốt 1 năm trước khi chúng tôi chính thức ký kết hợp đồng nhận vốn, chỉ làm việc với nhà đầu tư.
Bà Jenny Đặng - Giám đốc điều hành của TOPICA khu vực Singapore - Philippines và Thái Lan
Ví dụ như lúc đó tôi đang quản lý thị trường Thái Lan, tôi luôn phải để dữ liệu – data về hành chính – tài chính quanh mình, để khi nhà đầu tư hỏi có thể trả lời được ngay. Kể cả nếu đang ngủ, mà nhà đầu tư gọi điện hỏi, vẫn có thể bật dậy trả lời ngay lập tức. Nhà đầu tư có thể hỏi về 1 vấn đề bằng nhiều cách khác nhau, nếu mình trả lời bằng các con số khác nhau, sẽ ‘chết’ ngay.
Ngoài ra, chúng tôi cũng phân chia theo kiểu: người nào sẽ trả lời vấn đề nào, vì lúc đó chúng tôi có tới 4 sản phẩm và đang hoạt động trên 3 thị trường. Khi gọi vốn, chúng ta cần thỏa thuận với nhau chuyện đó trước. Vì trong suốt quá trình gọi vốn sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh, mà nếu chúng ta không phân công trước, rất dễ xảy ra tình trạng người này không biết nói vấn đề gì hoặc người kia nói quá trời vấn đề nhưng không có cái nào rành", bà Jenny Đặng hồi tưởng.
Bây giờ nhìn lại quá khứ, theo bà, việc các lãnh đạo doanh nghiệp chỉ tập trung vào làm việc với các nhà đầu tư và không đủ chú tâm đến chuyện vận hành doanh nghiệp là tương đối nguy hiểm.
Sau khi nhận được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhân sự của TOPICA tăng lên 1.700 người, bắt đầu phát triển nóng và ồ ạt.
Khi có nhiều tiền, ban lãnh đạo nhìn đâu cũng thấy cơ hội...
"Lúc đó, kiểu Ban lãnh đạo nhìn đâu cũng thấy cơ hội và vì mình có nhiều tiền, nên bắt đầu thuê rất nhiều nhân sự để phát triển các dự án khác nhau về công nghệ, kiểu ra ý tưởng nhanh – làm nhanh – thất bại nhanh – sửa sai nhanh – thành công nhanh. Nói chung, lúc đó các leader dự án ở TOPICA rất hào phóng với nhân viên của mình. Ngoài ra, TOPICA còn tập trung vào việc số hóa doanh nghiệp, như triển khai các hệ thống quản trị CRM hiện đại. Đây cũng là một bước đi rất tốn tiền và công sức.
Sau một thời gian ưu tiên củng cố doanh nghiệp mà chểnh mảng việc chạy thị trường, Ban lãnh đạo bắt đầu cảm thấy có gì đó không ổn, khi tiền hao hụt quá nhanh. Thế là chúng tôi bắt đầu siết lại nhân sự và tiêu chí phát triển dự án", bà Jenny Đặng kể.
Các dự án chỉ được giao ngân sách vừa phải, gắn liền với sản phẩm nhằm tối ưu hóa chi phí, không đầu tư lan man. Và cũng do tổ hợp quá lớn, cần phải cắt giảm nhiều nhân sự. Khác với tưởng tượng, việc sa thải nhân sự lần này của TOPICA mang lại rất nhiều điểm tốt cho doanh nghiệp và cả người ra đi.
Sau khi rời TOPICA, không ít leader có nhiều năm cống hiến cho doanh nghiệp này đã quyết định khởi nghiệp và có những dự án rất ấn tượng, đóng góp lớn cho thị trường. Ngoài ra, không ít người đã bán lại sản phẩm team mình phát triển cho TOPICA trước khi ra đi, ví dụ như phần mềm chấm công bằng AI, phần mềm quản lý sales… Đột nhiên, việc họ ra đi còn cống hiến cho TOPICA nhiều hơn khi còn là nhân viên.
Bài học rút ra từ giai đoạn rối ren này là: lúc có nhiều tiền, các startup phải thật sự tỉnh táo khi quyết định tiêu nó như thế nào và ngoài chuyện đầu tư kiện toàn năng lực doanh nghiệp cần song song đầu tư vào việc phát triển thị trường, không được ‘nhất bên trọng, nhất bên khinh’.
‘Ngựa có thể chết nhưng người phải sống để có thể cưỡi ngựa khác’
Vườn ươm Topica Founder Institute - niềm tự hào của TOPICA.
Tuy nhiên, nói như bà Jenny Đặng, thì giai đoạn chệch choạc kể trên chỉ là một trong những khó khăn mà các startup – như TOPICA cần vượt qua trên con đường đến mục tiêu xây dựng doanh nghiệp bền vững.
Việc chúng tôi chỉ nhận 20% đến 30% lương của mình là điều không lạ. Khi nào được nhận lương đầy đủ và đúng ngày giờ mới cảm thấy ngạc nhiên
Không chỉ các leader dự án hoặc các founder của các startup trong vườn ươm Topica Founder Institute, mà chính Ban lãnh đạo TOPICA luôn tự xem mình là những chiến binh trên con đường khởi nghiệp: ngựa (startup) có thể chết nhưng người (founder) phải sống để có thể cưỡi ngựa khác. Muốn tham gia lĩnh vực khởi nghiệp, chúng ta cần đam mê và ‘máu chiến’.
Tại TOPICA, chuyện các founder hoặc nhân sự trong Ban lãnh đạo như bà Jenny Đặng nhận lương trễ và rất ít khi đầy đủ 100% là điều cực kỳ bình thường. Chỉ khi nào được nhận lương đầy đủ và đúng ngày giờ mới cảm thấy ngạc nhiên.
"Lúc đầu tôi tham gia TOPICA năm 2011, khi biết về câu chuyện lương của Ban lãnh đạo, tôi đã khá thắc mắc. Nhưng sau khi tìm hiểu, biết những nỗ lực và khó khăn của mọi người, tôi lại cảm thấy thực trạng đó bình thường.
Có những năm chúng tôi nhận lương đều, có năm không đều và có khi Ban lãnh đạo còn phải móc cả tiền túi ra lúc công ty gặp nhiều khó khăn. Việc chúng tôi chỉ nhận 20% đến 30% lương của mình là điều không lạ", bà Jenny Đặng tiết lộ.
Tuy nhiên, dù như thế nào, doanh nghiệp cũng không nên trả thiếu lương và không đúng ngày cho nhân viên. Tuy nhiên, nếu một khi chúng ta đã làm hết sức, mà vẫn không có tiền đủ để làm điều đó, thì các founder và Ban lãnh đạo cần truyền thông rõ ràng, chia sẻ ‘nỗi đau’ với nhân viên. Phải nói thật cụ thể, vì sao công ty chậm lương cũng như những gì ban lãnh đạo đang làm nhằm giải quyết vấn đề đó.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ