Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), Bộ Công an đề xuất phân chia 11 hạng giấy phép lái xe (GPLX) thay vì 13 hạng như quy định hiện hành.
Cụ thể, các hạng GPLX theo quy định mới gồm: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT. Ảnh: TP
Giải thích về phân chia lại các hạng GPLX, Bộ Công an cho hay đây là nội dung được nội luật hóa từ các quy định về phân hạng GPLX tại Công ước Viên năm 1968, tạo điều kiện cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam
“Đây cũng là nghĩa vụ của quốc gia thành viên khi Việt Nam ký kết, gia nhập Công ước này” – Bộ Công an nhấn mạnh.
Cùng với đó, các quy định phân hạng trong dự thảo được thực hiện trên nguyên tắc kế thừa các quy định hiện hành của Việt Nam và không trái với quy định của Công ước Viên năm 1968, để không gây tác động khi thay đổi về chính sách.
Đặc biệt, việc cấp GPLX theo hạng mới được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những GPLX thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại.
Ngoài ra, căn cứ phân hạng GPLX như đề xuất, hệ thống các văn bản dưới luật quy định chi tiết về đào tạo, sát hạch, cấp, quản lý GPLX sẽ thay đổi nội dung chương trình đào tạo, sát hạch để phù hợp, đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, kỹ năng điều khiển phương tiện của người lái xe.
Thông tin thêm, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (C08, Bộ Công an), cho biết cơ quan này đã nghiên cứu rất kỹ Công ước Viên năm 1968 trước khi đưa ra đề xuất phân chia hạng GPLX.
“Chúng tôi quy định rất cụ thể việc chuyển tiếp giữa các hạng, đảm bảo quyền của người được cấp GPLX hiện hành không bị ảnh hưởng” – Phó Cục trưởng C08 khẳng định.
Theo Đại tá Bình, GPLX hạng A2, A3 hiện nay (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) vẫn được giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng khi có nhu cầu.
Đối với những người có GPLX hạng A1 sẽ đổi, cấp lại thành hạng A01; hạng A4, B1, B2 thành hạng B; hạng C giữ nguyên; hạng D thành hạng D2; hạng E thành hạng D.
Tương tự, những người có GPLX hạng FB2 sẽ đổi, cấp lại thành hạng BE; hạng FC thành hạng CE; hạng FD thành hạng D2E; hạng FE thành hạng DE.
Một điểm rất đáng chú ý, đó là GPLX các hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE được cấp theo Luật GTĐB năm 2008 còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực và có giá trị tương đương với GPLX các hạng B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE theo quy định của Luật Đảm bảo TTATGT.
Vì sao bỏ đề xuất GPLX hạng A0? Trong một số dự thảo trước, Bộ Công an từng đề xuất phân hạng GPLX A0 cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xylanh dưới 50 cc hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW. Tuy nhiên, ở dự thảo mới nhất, Bộ Công an đã bỏ đề xuất này. Lý giải về sự thay đổi trên, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho hay Bộ Công an đã nghiên cứu rất kỹ trên cơ sở dữ liệu về giao thông. Kết quả cho thấy người lái xe từ 16 đến 18 tuổi, nhất là khi đủ 18 tuổi phần lớn đã có xe máy, ít nhất là 100 cc. Giấy phép A0 như dự kiến ban đầu nếu được cấp cũng chỉ sử dụng trong khoảng hai năm, điều này không đúng với nguyên lý trong đào tạo. Nghĩa là, việc cấp GPLX phải phù hợp về điều kiện sức khỏe, lứa tuổi của người lái xe. Hơn thế, Bộ Công an đã thiết kế trong dự thảo luật về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc phối hợp thực hiện trách nhiệm về TTATGT. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ tích hợp nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT vào trong các môn học phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo. Học sinh đủ 15 tuổi phải được trang bị kiến thức cơ bản về an toàn giao thông đường bộ. |