Sáng 1-10, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã tổ chức triển lãm, ra mắt sách ảnh với chủ đề “Sài Gòn COVID-19", do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM tổ chức tại Đường Sách TP.HCM.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong (áo tráng, đeo khăn rằn) tại buổi triển lãm sáng nay. ẢNH: Đường sách TP.HCM.
Đây là cuộc triển lãm ảnh lần thứ 14 và là tập sách ảnh thứ 9 mang tên “Sài Gòn COVID-19” (song ngữ Việt - Anh) của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong.
Tập sách ảnh “Sài Gòn COVID-19” là tập hợp những khoảnh khắc đáng nhớ được tác giả ghi lại trong suốt thời gian dài TP.HCM chống dịch COVID-19. Đó là những hình ảnh ghi lại một thành phố năng động, nghĩa tình trở nên im ắng trong những ngày dịch bệnh; là nụ cười, sức sống của những con người ở TP mỗi ngày luôn đồng tâm, hiệp sức thực hiện mọi biện pháp để chống dịch bệnh.
Tác phẩm Những mảnh đời khó khăn trong sách ảnh.
"Không thể thờ ơ" ghi lại khoảnh khắc một người dân đọc báo về tình hình dịch bệnh COVID-19.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, suốt hơn 50 năm qua, đây là lần đầu tiên anh chứng kiến một TP nhộn nhịp, sầm uất bỗng trở nên vắng lặng, bình yên và âu lo.
“Một Sài Gòn thật lạ lẫm với tôi và chắc hẳn với mọi người. Đây lại chính là nhân duyên đẩy đưa tôi thai nghén và ghi lại những hình ảnh hiếm hoi này” - nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong lý giải việc anh chọn đề tài này.
Từ tháng 1- 2020, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong bắt đầu ghi lại cuộc sống Sài Gòn và đỉnh điểm là đợt giãn cách xã hội trong 22 ngày vừa qua. Trong 22 ngày Sài Gòn “vắng lạ” đến không ngờ, anh tranh thủ ghi lại hình ảnh từ tờ mờ sáng đến tận tối...
Trong quãng thời gian đó, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã cùng những người bạn đi phát gạo, thức ăn, quà bánh dành cho mảnh đời khó khăn đường phố, cảm nhận được sâu sắc hơn nhịp sống của tất thảy mọi người. Anh bắt gặp được nhiều khoảnh khắc đẹp của đời sống người dân Sài Gòn mùa dịch như phát khẩu trang miễn phí, cây ATM gạo với khẩu hiệu “Ai thiếu thì nhận ai thừa thì cho”; những bao gạo gói mì được chuẩn bị trao tặng với dòng chữ: “Nếu khó khăn bạn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường người khác”, những hộp cơm giúp bà con san sẻ bớt nhọc nhằn.
Hay đó còn là nụ cười và giọt nước mắt không thể “giấu đi” khi những hoàn cảnh khó khăn kịp thời nhận được những hỗ trợ cần thiết... Đó là nghĩa tình của người Sài Gòn cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn trong đại dịch, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau, những tấm lòng thiện nguyện luôn sẵn lòng tương trợ ngay tức khắc.
Người dân đến xem triển lãm sáng nay. ẢNH: Đường sách TP.HCM.
80 bức ảnh được sắp xếp theo mạch cảm xúc của tác giả trong những ngày rong ruổi bắt nhịp Sài Gòn yên lặng đến lạ thường được trưng bày tại Đường sách TP.HCM từ ngày 1 đến 6-10 để người dân TP có thể đến tham quan.