Sáng 1-10, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 1 gồm Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang; Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM và ông Lâm Đình Thắng, Bí thư Quận ủy quận 9 đã có buổi tiếp xúc với cử tri ba quận 1, 3 và 4 (TP.HCM).
Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến của cử tri về đề án thành lập TP Thủ Đức đã được tổ đại biểu tiếp thu, trao đổi.
Sẽ tụt hậu nếu không lập TP Thủ Đức
Quan tâm đến việc sáp nhập các đơn vị hành chính, cử tri ba quận này cho rằng đề án sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM là việc quan trọng, mang tầm ảnh hưởng sâu rộng, cần có sự chuẩn bị chu đáo.
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) cho rằng chủ trương sáp nhập ba quận phía đông thành một trong TP.HCM là hướng đi đúng nhưng các quận này đang còn những sai phạm về dự án, quản lý trật tự xây dựng… đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để, chưa xử lý xong. Do đó, ông Châu đặt câu hỏi vì sao phải gấp rút thực hiện đề án này.
Chia sẻ với cử tri, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, cho rằng TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, là trung tâm khoa học công nghệ nên TP có trách nhiệm đi đầu trong việc phát triển theo xu thế phát triển của thế giới. “Không còn cách nào khác, nếu không thực hiện, mỗi ngày TP sẽ tụt hậu. Không làm sẽ có lỗi với người dân TP và cả nước” - ông Quang nói.
Theo ông Quang, TP Thủ Đức trong tương lai sẽ là nơi có mô hình phát triển mới, tích hợp nhiều lĩnh vực đang là thế mạnh của TP như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và một số lĩnh vực công nghệ cao của TP Thủ Đức trong tương lai. Và những lĩnh vực này sẽ có độ kết nối, tương tác với nhau rất cao, đào tạo gắn với nghiên cứu, sản xuất gắn với logistics.
Trả lời câu hỏi vì sao phải đẩy nhanh việc thành lập TP Thủ Đức, ông Quang cho biết theo kế hoạch đến tháng 5-2021, cả nước sẽ tổ chức bầu đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Do đó, nếu không khẩn trương làm hồ sơ thủ tục thành lập TP Thủ Đức để cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thì phải chờ ít nhất năm năm nữa. “Đó là lý do tại sao phải làm gấp như vậy” - ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, nếu được chấp thuận như dự kiến thì đến tháng 5-2021 sẽ bầu hệ thống chính trị ở TP Thủ Đức. Kế hoạch thành lập TP Thủ Đức cũng sẽ được báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới.
Đối với việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại của ba quận nói trên và việc thành lập TP Thủ Đức, ông Quang cho rằng hai việc này khác nhau. “Chúng ta đã giải quyết được một phần lớn vấn đề của ba quận và sẽ tiếp tục giải quyết phần còn lại” - ông Quang nói.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang trao đổi với cử tri tại buổi tiếp xúc. Ảnh: TÁ LÂM
Một góc TP Thủ Đức trong tương lai với tuyến metro số 1 đang hoàn thiện đoạn qua nút giao thông ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Từng bước cải thiện kẹt xe, ngập nước
Tại buổi tiếp xúc, cử tri các quận này còn quan tâm đến nhiều nội dung khác như kẹt xe, ngập nước…
Cử tri Nguyễn Ngọc Cẩm (quận 1) bày tỏ trăn trở đối với tình hình giao thông hiện nay của đô thị lớn nhất cả nước. Bà cho rằng ngoài nguyên nhân do ý thức người tham gia giao thông chưa tốt thì vấn đề hạ tầng giao thông của TP cũng cần được cải thiện nhiều hơn.
Ông Trần Lưu Quang cho biết theo tính toán, TP.HCM cần khoảng 40 tỉ USD để giải quyết vấn đề phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, ngay cả khi có đủ số tiền ấy, TP cũng không thể thực hiện nhanh chóng bởi những vướng mắc liên quan bồi thường, giải phóng mặt bằng.
“Nếu mỗi người có ý thức hơn thì tình hình giao thông TP sẽ được cải thiện. Ở khu vực nào mọi người tham gia có văn hóa và trách nhiệm, nơi đó sẽ giảm thiểu được ùn tắc” - ông Quang nói.
Với các ý kiến phản ánh về vấn đề ngập nước, ông Quang cho biết nhiều nguyên nhân dẫn đến TP bị ngập nước, trong đó có việc một số công trình, dự án chống ngập của TP bị chậm tiến độ bởi nhiều lý do khách quan.
“Trong nhiệm kỳ tới, TP sẽ có hai đề án lớn liên quan đến giao thông và chống ngập. TP sẽ cải thiện, cẩn trọng từng bước để người dân bớt khổ vì kẹt xe, ngập nước” - ông Quang khẳng định.
Đề xuất có thêm một ô dành cho xe máy rẽ trái ở giao lộ lớn Góp ý cho dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), bà Tô Thục Hiền (cử tri quận 4) đề xuất thêm một ô dành cho xe máy muốn rẽ trái tại những giao lộ lớn. Theo bà Hiền, giải pháp này sẽ giúp giảm ùn tắc và an toàn hơn. Ngoài ra, bà cũng đề xuất bổ sung hành vi không chú ý quan sát vào dự án luật này để thống nhất áp dụng. Bởi theo bà Hiền, trong thực tế có nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông do không chú ý quan sát nên đã gây tai nạn chết người. Với các đề xuất này, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM ghi nhận và sẽ chuyển tải ý kiến của cử tri đến diễn đàn Quốc hội. |