Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử ở bang Minnesota, Mỹ ngày 30-9-2020 - Ảnh: REUTERS
Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố con số trên chỉ nửa tiếng trước khi bắt đầu năm tài chính 2021 vào nửa đêm 1-10 (giờ Mỹ), đáp ứng một cách sít sao thời hạn do luật pháp Mỹ quy định, theo hãng tin AFP.
Con số 15.000 - số người tối đa có thể được nhận vào Mỹ trong 12 tháng tới nếu không có sự thay đổi trong chính quyền - là con số cắt giảm nhiều hơn nữa so với con số 18.000 người của năm 2019. Đây cũng là sự cắt giảm đáng kể so với 100.000 người dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Ông Trump đã phát biểu về những nỗ lực ngăn người tị nạn vào nước Mỹ trong một cuộc vận động bầu cử ngày 30-9 tại bang Minnesota. "Nguồn lực công đã quá tải, trường học quá tải và tràn ngập các bệnh viện. Thật hổ thẹn vì những gì họ đã gây ra cho bang của các bạn" - ông Trump nói.
Ngược lại, đối thủ tranh cử của ông Trump là ông Joe Biden đã cam kết sẽ nâng mức tiếp nhận người tị nạn lên 125.000 người, nói rằng việc chào đón những người đau khổ vì chiến tranh là phù hợp với các giá trị Mỹ.
Tổng thống Trump đã đình chỉ hoàn toàn việc tiếp nhận người tị nạn trong vài tháng qua với lý do đại dịch COVID-19. Tuy đặt ra con số 18.000 người tị nạn được tiếp nhận trong năm tài chính 2020, kết thúc vào ngày 30-9 vừa qua, nhưng thực sự Mỹ chỉ tái định cư cho 11.814 người trong năm tài chính này.
Các tổng thống Mỹ thường ấn định mức tiếp nhận người tị nạn hàng năm vào ngày 1-10 của mỗi năm tài chính. Theo luật của Mỹ, tổng thống phải tham khảo ý kiến Quốc hội trước khi chốt số lượng người tị nạn dự kiến tiếp nhận hàng năm, nhưng quyết định cuối cùng sẽ do Nhà Trắng đặt ra, theo Reuters.
Kế hoạch năm 2021 gồm các phân bố cụ thể như sau: 5.000 chỗ cho những người tị nạn bị đàn áp tôn giáo, 4.000 chỗ cho những người tị nạn từ Iraq, và 1.000 chỗ cho những người tị nạn từ El Salvador, Guatemala và Honduras. Phần 5.000 chỗ còn lại dành cho những người tị nạn từ những nơi khác.
"Không có nước nào hào phóng hơn Mỹ trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo. Chúng tôi đã nhận nhiều người tị nạn vào Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong suốt 20 năm qua" - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói.
Dữ liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy trong nhiều năm qua, Mỹ đã tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Tuy nhiên, năm 2019, Canada đã vượt Mỹ trở thành nước dẫn đầu khi tái định cư cho hơn 30.000 người tị nạn.
TTO - Hỏa hoạn xảy ra vào nửa đêm 8-9, rạng ngày 9-9 đã tàn phá khu trại tị nạn Moria, trại tị nạn lớn nhất Hi Lạp, một nơi rất đông đúc trên đảo Lesbos, làm cho gần 13.000 người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.