UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa đồng ý chủ trương đầu tư dự án trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh. Đây là dự án có công suất thiết kế 120 MW (25 tuabin gió), tổng mức đầu tư gần 4.700 tỷ đồng. Dự kiến cho sản lượng điện hàng năm hơn 350 GWh. Tổng diện tích thực hiện dự án trên 30 ha, thời gian hoạt động 50 năm.
Chủ đầu tư dự án là CTCP Phong điện HBRE Hà Tĩnh, một thành viên của CTCP Tập đoàn HBRE (HBRE Group) của ông chủ Hồ Tá Tín.
Chia sẻ với báo giới, ông Tín cho biết HBRE Group đang thực hiện công tác khảo sát đề địa hình đo lưu lượng gió, đặt thiết bị và hoàn thiện hồ sơ thủ tục triển khai dự án. Ngay sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, doanh nghiệp sẽ triển khai khởi công dự án, dự kiến vào đầu tháng 10/2020.
HBRE Group là doanh nghiệp nội tỏ ra ưa thích với các dự án điện gió. Trong quá khứ, công ty này được giao trọng trách đầu tư HBRE Tây Nguyên (GĐ 1 – 28 MW), HBRE An Thọ (Phú Yên – 200 MW), HBRE Chư Prông (Gia Lai – 50 MW).
Tuy nhiên, theo tìm hiểu 2 trên 3 dự án này đã được HBRE Group và ông Hồ Tá Tín bán cho Super Energy Corporation (SUPER) của Thái Lan từ tháng 2/2019 (HBRE Phú Yên và HBRE Gia Lai).
Nói đúng hơn, ông Hồ Tá Tín và HBRE Group thực hiện chuyển nhượng lại phần vốn góp vào HBRE Phú Yên và HBRE Gia Lai (mỗi công ty 5 triệu cổ phiếu). Tổng mức giá mà SUPER trả cho hai thương vụ này không vượt quá 17,5 triệu USD (hơn 400 tỷ đồng).
SUPER thực tế có nhiều tham vọng với lĩnh vực điện tái tạo của Việt Nam, từ giữa năm 2018, công ty này thực hiện mua lại cổ phần và đầu tư vào 14 dự án, bao gồm cả điện gió và điện mặt trời.
Quay trở lại với HBRE Group, ngoài các dự án kể trên, năm ngoái, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã đồng ý để cho công ty này khảo sát đề xuất vị trí đo gió, lập hồ sơ dự án trong khu vực biển thuộc huyện Xuyên Mộc. Thời gian đo gió, thu thập số liệu là 12 tháng.
Cuối năm 2019, dự án HBRE Vũng Tàu 500 MW được đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Tổng mức đầu tư dự án này vào khoảng 1 tỷ USD.
Theo ông Hồ Tá Tín, suất đầu tư của điện gió ngoài khơi cao hơn 2 lần so với chi phí đầu tư điện gió trên bờ và ven bờ (2,5 - 3 triệu USD/MW), thời gian xây dựng dự án trên 2 năm, chưa kể thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên điện gió dễ đánh mất cơ hội ưu đãi từ Chính phủ.
Được biết dự án HBRE Tây Nguyên (GĐ 1 – 28 MW) đang trong quá trình lắp đặt dự kiến hoàn thành trong năm nay. Tổng công suất kế hoạch của dự án này lên tới 440 MW, trên tổng mức đầu tư 560 triệu USD.
Đây là dự án điện tái tạo duy nhất của HBRE đến thời điểm hiện tại có khả năng hưởng ưu đãi giá điện nếu vận hành thương mại trước 31/12/2020.
Đông A
Nhịp sống kinh tế