Covid-19 có đặt dấu chấm hết cho các chuyến công tác?
Song Thanh
(TBKTSG) - Những chuyến công tác, một phần quan trọng của doanh nghiệp nếu muốn gặp gỡ đối tác, tìm kiếm cơ hội và phát triển kinh doanh, đã trở thành hiếm hoi trong sáu tháng qua. Chuyện gì sẽ xảy ra với những chuyến công tác sau đại dịch Covid-19?
Số chuyến công tác trên toàn cầu giảm mạnh sau các sự kiện lớn. Nguồn: GBTA |
Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu di chuyển công tác sụt giả mạnh. Nguồn: GBTA |
Ngành hàng không, khách sạn lao đao vì đại dịch
The Standard là một khách sạn tọa lạc tại quận Meatpacking, thành phố New York, Mỹ, được nhiều khách hàng lựa chọn cho các chuyến công tác, bởi vị trí thuận lợi ở gần trụ sở văn phòng của Google, cảnh quan đẹp và cả quán bar sôi động trên tầng thượng. Thông thường, trong một năm kinh doanh thuận lợi, khách sạn có thể đạt được doanh thu lên tới 100 triệu đô la, trong đó một nửa đến từ các khách hàng doanh nhân.
Thế nhưng, theo ông Amar Lalvani, người điều hành công ty mẹ của The Standard: “Điều đó giờ không còn xảy ra nữa”. Vào những ngày cuối tuần, một nửa số phòng vẫn có thể được lấp đầy nhờ các vị khách đến từ chính New York muốn trải nghiệm “du lịch tại chỗ”; còn trong tuần, thời điểm chủ yếu chỉ dành cho những người đi công tác có nhu cầu chỗ ở thì tỷ lệ đặt phòng cũng chỉ là 10-20%.
Tình hình tương tự cũng diễn ra với nhiều doanh nghiệp hàng không và lữ hành. Ông Robert Isom, Chủ tịch Hãng hàng không American Airlines, nói với các nhà đầu tư rằng lưu lượng kinh doanh của hãng đã giảm 95% trở lên, trong khi Phó chủ tịch phụ trách truyền thông của American Express Global Business Travel, Martin Ferguson, cũng cho biết các giao dịch trên nền tảng của hãng vẫn thấp hơn 85% so với mức bình thường.
Thực tế này là điều dễ hiểu, trong bối cảnh những rủi ro tiềm ẩn đối với việc đi công tác đã tăng lên gấp bội do dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát. Nhiều nhân viên phải nghỉ việc vì lý do sức khỏe, doanh thu giảm sút khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm tối đa ngân sách cho việc di chuyển.
Không những thế, thêm một yếu tố làm giảm bớt kế hoạch di chuyển là ngày càng có nhiều công ty công bố cam kết giảm lượng khí thải xuống bằng “0”. Hạn chế các chuyến bay hạng thương gia là một cách nhanh chóng để không tạo thêm khí thải carbon ra môi trường. Deloitte và PwC, hai công ty tư vấn hàng đầu thế giới, trước đây thường sẵn sàng đưa nhân viên đến bất cư nơi đâu khách hàng cần, thì nay đã tham gia vào danh sách giảm thiểu di chuyển liên tục, hướng tới mục tiêu không carbon.
Có thể nói, chưa cuộc khủng hoảng nào có tác động đột ngột và nặng nề như Covid-19. Theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh du lịch toàn cầu (GBTA), số các chuyến công tác trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19 giảm tới hơn 89%, trong khi ảnh hưởng của sự kiện khủng bố ngày 11-9 và cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 chỉ là 11% và 8%. |
Ngay cả khi nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại, kỳ vọng về một sự phục hồi nhanh chóng đối với nhu cầu đi công tác cũng đang giảm dần. Ông Dave Hilfman - quyền giám đốc điều hành GBTA, cho biết kết quả khảo sát trong tháng 9 không cải thiện hơn so với hồi tháng 8. Theo đó, 92% số doanh nghiệp vẫn đang hạn chế di chuyển giữa các quốc gia và khoảng 70% đã tạm dừng các chuyến công tác trong nước.
Việc mất những khách hàng có tỷ suất lợi nhuận cao như vậy tác động rất lớn đến lợi nhuận của các hãng hàng không. Theo thống kê của PwC, các doanh nghiệp chi hơn 300 tỉ đô la mỗi năm cho các chuyến công tác, trong đó, chi phí cho vé máy bay chiếm khoảng 20%. Đối với các hãng hàng không, khách hàng là doanh nghiệp đại diện cho 12% lượng hành khách và tạo ra doanh thu hàng tỉ đô la - tương đương 75% lợi nhuận trên các chuyến bay. Còn theo ước tính của McKinsey, những người đi công tác bằng máy bay thường chỉ chiếm 10% lượng hành khách, nhưng lại đóng góp tới ba phần tư lợi nhuận của các hãng hàng không, và là một phân khúc cực kỳ thiết yếu.
Triển vọng phục hồi còn để ngỏ?
Triển vọng phục hồi nhu cầu đi công tác của các doanh nghiệp hiện vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Ông Ed Bastian - Giám đốc điều hành Delta Airlines hồi tháng 7 cho biết, ông không hy vọng nhu cầu di chuyển đi công tác sẽ phục hồi trở lại mức của năm 2019. Ông Gary Kelly - Giám đốc điều hành Southwest Airlines, nhận định nhu cầu đi công tác sẽ yếu đi trong vòng một thập kỷ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác không đồng ý với quan điểm này và cho rằng, ngày càng nhiều khách hàng cảm thấy khó khăn trong việc duy trì năng suất khi làm việc từ xa và không gì có thể thay thế việc gặp mặt trực tiếp. Helane Becker - chuyên gia phân tích của Cowen, nhận định: “Tôi biết rằng nhiều người tin rằng, nhu cầu đi công tác sẽ phục hồi chậm, nhưng thành thật mà nói, tôi cũng nghĩ rằng, mọi người đã quá mệt mỏi với Zoom”.
Ông Dave Hilfman, Giám đốc điều hành tạm thời của GBTA, cho biết: “Việc đi công tác là không thể thay thế và bất kỳ ai nói với bạn điều ngược lại thì chắc chắn họ chưa từng đi công tác.”
Theo Fortune, gần như tất cả các doanh nhân tại Mỹ được hỏi trong một cuộc khảo sát gần đây đều mong đợi trạng thái “bình thường mới” cho việc đi công tác với các biện pháp phòng ngừa hiệu quả mới, ngay cả khi việc đi lại vẫn còn hạn chế.
“Thế giới đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong nửa năm nay và việc tiếp tục đi công tác đang dần trở lại mức độ bình thường đối với nhiều nhân viên”, theo ông Mike Koetting, Giám đốc chiến lược sản phẩm tại SAP Concur. “Đối với nhiều doanh nghiệp, sự bình thường đó bao gồm việc đảm bảo các bản hợp đồng và giành được công việc kinh doanh mới, thường đòi hỏi phải gặp mặt trực tiếp. Những người trả lời khảo sát cho biết, cả hai nhiệm vụ đó sẽ giảm sút nếu việc đi lại tiếp tục bị hạn chế”.
Sự hồi phục không đồng đều
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đại dịch Covid-19 sẽ không thể “giết chết” các chuyến đi công tác. Tuy nhiên, sự “hồi sinh” của các chuyến công tác có thể sẽ không đồng đều, tùy thuộc vào từng lĩnh vực và địa điểm di chuyển.
Lĩnh vực y tế, vốn vẫn đang hoạt động tích cực trong thời kỳ khủng hoảng, được dự báo sẽ chứng kiến sự hồi phục nhanh hơn cả, bởi lĩnh vực này yêu cầu người làm cần phải đi lại trên khắp thế giới. WEF đã phỏng vấn 15 nhà quản lý toàn cầu của các hãng thiết bị y tế lớn, trước và trong khi xảy ra dịch bệnh, để tìm hiểu tầm quan trọng của việc đi công tác trong việc thực hiện công việc tại nhiều nước. Các nhà quản lý đều đồng ý một cách rõ ràng rằng mặc dù lịch trình đi lại của họ hầu hết đều bị gián đoạn, nhưng họ hy vọng sẽ trở lại đường bay sớm nhất có thể.
Một số doanh nghiệp đã bắt đầu tăng cường di chuyển bằng ô tô hoặc tàu hỏa ở những nơi thuận tiện, đặc biệt là tại châu Âu.
Song song với đó, ngành lữ hành cũng mong muốn loại bỏ các hạn chế và mở ra các tuyến di chuyển, đặc biệt là trong và giữa châu Âu, Trung Đông và Đông Á. Nhiều cá nhân và tổ chức bắt đầu thuê máy bay riêng làm giải pháp ngắn hạn nhằm tránh sự chậm trễ tại sân bay. Một số trường đại học ở Anh cũng đã thực hiện lộ trình này, thuê máy bay tư cho sinh viên quốc tế nhập học như một cách để đảm bảo nguồn thu ổn định.
Theo trang mạng The Fortune, các chuyến công tác sau đại dịch sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thích ứng và thay đổi của các doanh nghiệp. Các khảo sát mới đây cho thấy, có tới 65% người được hỏi cho biết, đảm bảo sức khỏe và an toàn cá nhân là một trong ba yếu tố được họ cân nhắc hàng đầu khi quay trở lại các chuyến công tác.
Nguồn: WEF, Financial Times, PWC, Fortune
Xem thêm: lmth.cat-gnoc-neyuhc-cac-ohc-teh-mahc-uad-tad-oc-91-divoc/348803/nv.semitnogiaseht.www