Rủi ro điều chỉnh của thị trường chứng khoán đang lớn dần
Thụy Lê
(TBKTSG) - Tính từ đầu tháng 8 đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 16%, tiếp tục nằm trong nhóm thị trường khởi sắc nhất trên toàn cầu. Còn nếu tính từ mức đáy hồi cuối tháng 3, VN-Index đã phục hồi gần 40%, lấy lại gần hết điểm số đã mất trong cú lao dốc mạnh hồi tháng 3 năm nay. Rủi ro thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn đang ngày càng lớn dần.
Hình minh họa: TTXVN |
Triển vọng vẫn tích cực trong dài hạn
Triển vọng nâng hạng vẫn là niềm hy vọng lớn nhất cho các nhà đầu tư tin tưởng vào xu hướng đi lên trong dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo kết quả phân hạng thị trường vừa được FTSE Russel công bố, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi phân hạng thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Markets). FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi này từ tháng 9-2018.
Cả công ty chứng khoán VN Direct và KB Việt Nam (KBSV) đều cho rằng, cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp với Việt Nam chỉ được đánh giá cao bắt đầu từ kỳ xét duyệt định kỳ tháng 9-2021. Đáng lưu ý là Việt Nam thời gian qua cũng đã có nhiều nỗ lực để nâng cấp, cải tiến thị trường, giải quyết những tồn đọng chưa đáp ứng được theo các tiêu chí để được nâng hạng.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán của Bộ Tài chính gần đây đã đưa ra những cải cách đáng chú ý, như mở rộng độ tuổi được mở tài khoản giao dịch chứng khoán, cho phép bán khống và giao dịch trong ngày,... được cho là những giải pháp cần thiết cho mục tiêu nâng hạng trong tương lai, nhiệm vụ mà Chính phủ yêu cầu phải sớm hoàn thành.
Bên cạnh đó, diễn biến nền kinh tế đang dần hồi phục sau khi được cho là chạm đáy trong quí 2, cùng với việc kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ khởi sắc và lấy lại đà tăng trưởng, cũng sẽ giúp nhà đầu tư thêm lấy lại niềm tin với thị trường. Xu hướng mặt bằng lãi suất tiền gửi liên tục giảm sâu gần đây cũng là chất xúc tác quan trọng, thúc đẩy dòng vốn lớn chạy sang các kênh đầu tư khác, như chứng khoán, để kiếm cơ hội sinh lời cao hơn.
Nhưng rủi ro ngắn hạn đang lớn dần
Sau hai tháng phục hồi mạnh mẽ diễn ra trong tháng 4 và tháng 5, tiếp đó là đợt điều chỉnh trong tháng 6 và đặc biệt là cú lao dốc trong nửa cuối tháng 7 khi dịch bệnh bùng phát trở lại với tâm điểm là Đà Nẵng, chỉ số VN-Index đã đi lên tích cực trong tháng 8 và tháng 9, vượt qua vùng kháng cự 900-905 điểm. Sự phục hồi mạnh mẽ trên đã giúp không ít nhà đầu tư kiếm lãi đậm và bù đắp được khoản lỗ khi thị trường bắt đầu lao dốc từ cuối tháng 1.
Theo dự báo của các tổ chức, vùng kháng cự kế tiếp của thị trường sẽ nằm quanh mốc 920 điểm, kế đến là ở vùng 940-950 điểm. Với mức tăng khá lớn đạt được trong thời gian qua, tâm lý nhà đầu tư đang lo ngại về rủi ro của một đợt điều chỉnh giảm trở lại không phải là không có cơ sở, không chỉ vì xu hướng chốt lời sẽ ngày càng gia tăng, mà còn vì những yếu tố bất ổn bên ngoài sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường.
Thanh khoản trên sàn Hose trong tháng 9 vừa qua thường duy trì cao hơn mức bình quân 20 ngày và cao hơn đáng kể so với quí 2, với khối lượng giao dịch duy trì trên 300 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch từ 5.500-6.000 tỉ đồng/phiên. Diễn biến này cho thấy dòng tiền lớn đã tham gia mạnh mẽ, và đã góp phần rất lớn đỡ thị trường khi khối ngoại không ngừng bán ròng.
Tuy nhiên, nếu đây là dòng tiền nóng và có thể rút nhanh bất cứ lúc nào thì sẽ là rủi ro tiềm ẩn rất lớn cho thị trường. Cũng cần nhắc lại, trong giai đoạn cuối tháng 5 nửa đầu tháng 6, khi khối lượng giao dịch trên Hose vượt mốc 400 triệu cổ phiếu/phiên và có phiên chạm 500 triệu cổ phiếu, thị trường sau đó đã rơi vào giai đoạn điều chỉnh mạnh.
Về yếu tố ngoại lai, thứ nhất vẫn là nỗi lo dịch bệnh quay trở lại, khi mùa đông đang tới gần có thể làm khả năng lây lan nhanh hơn. Một số nước gần đây đã chứng kiến số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày vượt mức kỷ lục, có nơi phải quyết định tái giãn cách xã hội trở lại. Đơn cử như thủ đô Jakarta của Indonesia đã phải tái áp đặt giãn cách xã hội từ ngày 14-9 vừa rồi, trong khi Anh đang đứng trước nguy cơ tái phong tỏa, còn Trung Quốc đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 5 sẽ xảy ra trong hai mùa đông - xuân sắp tới.
Nhưng đó chưa phải là nỗi lo ngại duy nhất. Diễn biến bất ổn ngày càng gia tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ trong những tuần gần đây mới là yếu tố đang ảnh hưởng lên tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số Dow Jones của Mỹ từ đầu tháng 9 đến nay đã giảm hơn 9% và trải qua bốn tuần liền liên tiếp đi xuống tính đến cuối tuần qua. Đáng lưu ý là có những phiên thị trường lao dốc rất mạnh, như ngày 3-9 mất 800 điểm, ngày 8-9 mất hơn 400 điểm, ngày 10-9 giảm gần 500 điểm, ngày 21-9 có lúc bốc hơi 700 điểm và ngày 23-9 đóng cửa cũng giảm gần 700 điểm.
Sự điều chỉnh mạnh trên cho thấy tâm lý nhà đầu tư Mỹ cũng đang đầy bất an và chiến lược thoát ra khỏi thị trường đang được ưu tiên. Ngoài nỗi lo ngại về gói kích thích kinh tế mới có thể không được thông qua, do đảng Cộng hòa và Dân chủ tiếp tục mâu thuẫn về cách thức cứu trợ, yếu tố đang ảnh hưởng lớn nhất lên thị trường dường như là rủi ro của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Trong khi Tổng thống Donald Trump thuộc phe Cộng hòa được cho là luôn có các chính sách mở rộng tài khóa và có lợi cho thị trường chứng khoán, bằng chứng là các chỉ số chứng khoán Mỹ đã liên tục thiết lập các kỷ lục mới dưới nhiệm kỳ của ông bất chấp các cuộc chiến thương mại mà ông kích hoạt, thì ngược lại ông Biden là một người thuộc phe Dân chủ vốn có truyền thống thắt chặt chính sách và tăng thuế để giảm thâm hụt ngân sách, nên có thể tác động lên thị trường nếu đắc cử.
Trong khi đó, theo các cuộc thăm dò gần đây, cơ hội thắng cử của ông Biden đã vượt lên đáng kể so với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Ông Trump gần đây cũng tuyên bố thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ nếu ứng cử viên Dân chủ Joe Biden bước vào Nhà Trắng.
Bên cạnh đó, xu hướng khối ngoại vẫn không ngừng bán ròng, trong khi tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước vẫn khá trì trệ, thể hiện qua các phiên đấu giá liên tiếp thất bại gần đây của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), khiến diễn biến dòng tiền khối ngoại khó có thể khởi sắc trong thời gian tới và do đó thị trường trước mắt cũng không nhận được sự hỗ trợ từ yếu tố này.
Xem thêm: lmth.nad-nol-gnad-naohk-gnuhc-gnourt-iht-auc-hnihc-ueid-or-iur/538803/nv.semitnogiaseht.www