Đến lượt Bộ Tài chính lý giải đề xuất thu phí sử dụng đường cao tốc
Hoàng Thắng
(TBKTSG Online) - Bộ Tài chính dự kiến sẽ áp dụng quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá.
Giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc-Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Một ki-lô-mét đường cao tốc tốn 830 triệu đồng phí bảo trì mỗi năm
Bộ Tài chính đang chuẩn bị bản dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Theo tờ trình của Bộ này, mạng lưới đường bộ Việt Nam đang khai thác dài 668.750 km, trong đó có 16 tuyến đường cao tốc với độ dài dài 968,7 km. Còn theo bản Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1-3-2016 thì mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km.
Như vậy, tỷ lệ tuyến đường cao tốc hiện có so với quy hoạch mới đạt khoảng 15%.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn - suất đầu tư đường cao tốc bốn làn khoảng 130 tỉ đồng mỗi km, sáu làn xe khoảng 190 tỉ đồng mỗi km. Còn chi phí bảo trì đường cao tốc khoảng 830 triệu đồng mỗi km một năm.
Trong khi đó nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo trì hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 35 - 40% nhu cầu tối thiểu – dẫn tới không thực hiện đầy đủ công việc bảo dưỡng thường xuyên và chưa thực hiện sửa chữa đường bộ theo định kỳ – khiến chất lượng đường đã nhanh chóng xuống cấp.
Hai phương án thu phí sử dụng đường cao tốc
Bộ Tài chính cho biết việc xây dựng Nghị quyết về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ giúp huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc nhằm có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng mới và bảo trì các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Theo đó, Bộ này đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết theo hai phương án. Phương án thứ nhất sẽ áp dụng quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá. Còn phương án thứ hai sẽ áp dụng quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.
Qua phân tích ưu - nhược điểm của hai phương án, Bộ Tài chính đã chọn phương án thứ nhất với ưu điểm là mức thu phí dịch vụ sẽ được tính toán trên cơ sở tổng mức đầu tư dự án và thời gian thu hoàn vốn dự án. Theo đó, việc dừng thu sẽ đượ áp dung – tương tự các dự án xây dựng đường cao tốc đầu tư theo hình thức PPP – khi tới thời gian hoàn vốn.
“Điều này đảm bảo công khai, minh bạch và dễ nhận được sự đồng thuận của người dân và chủ phương tiện. Tránh được sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp và dư luận xã hội cho rằng phí chồng phí, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân như hiện nay”, Bộ Tài chính chia sẻ
Cơ quan soạn thảo cũng cho biết, Nghị quyết đã phân tích đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội. Về mặt tích cực Bộ Tài chính cho biết, khi thực hiện thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc, qua đó góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, chi thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Bên cạnh đó, đường cao tốc có chất lượng cao hơn đường quốc lộ thông thường. Trường hợp không tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên đường cao tốc - dẫn đến lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng cao, nhiều phương tiện vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp, gây ra tình trạng phương tiện chuyển làn liên tục, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao, làm giảm vận tốc trung bình lưu thông trên đường cao tốc, làm giảm hiệu quả khai thác đường cao tốc.
Bộ Tài chính lấy dẫn chứng sau khi đường cao tốc TPHCM - Trung Lương tạm dừng thu phí, lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng đột biến, vận tốc trung bình lưu thông trên tuyến giảm xuống còn từ 60 - 70 km mỗi giờ, trong khi đó theo thiết kế của đường thì vận tốc tối đa là 120 km mỗi giờ, vận tốc trung bình khi có thu phí là 100 km mỗi giờ.
Việc thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc là một trong các giải pháp để tăng cường công tác quản lý, điều tiết lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường cao tốc và trên đường quốc lộ song hành; việc thu phí kết hợp với các giải pháp khác như kiểm soát tải trọng xe, giám sát và hạn chế các phương tiện xe thô sơ, xe không được phép lưu hành trên đường cao tốc sẽ giúp tăng cường hiệu quả khai thác của đường cao tốc, tăng cường các lợi ích do đường cao tốc đem lại.
Tương tự, tính toán của Bộ Giao thông Vận tải cũng cho thấy, các phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân khoảng 2.518 đồng mỗi km với một xe tiêu chuẩn. Như vậy, nếu phải nộp phí khoảng 1.000 đồng mỗi km với một xe tiêu chuẩn thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi khoảng 1.500 đồng mỗi km.
“Hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay có tổng chiều dài 196 km, nếu thực hiện thu phí dịch vụ đường cao tốc với mức thu là 1.000 đồng thì dự kiến hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho việc đầu tư cải tạo hệ thống đường cao tốc hiện hành, cũng như bổ sung vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc mới”, Bộ Giao thông Vận tải cho biết.