Ngày 2-10 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Hướng tới hệ thống truyền thông Nhà nước kiện toàn và hiện đại hậu COVID-19 .
Tại hội thảo, ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng khoa học- Viện Nghiên cứu Truyền thông và phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng theo xu hướng thông tin truyền thông mới và những nền tảng công nghệ mới, cần tạo sự kết nối giữa các bộ phận truyền thông của các cơ quan, bộ, ngành và các đơn vị công nghệ nhằm tối ưu hóa thông tin nhà nước trên mạng xã hội.
“Viện RED sẽ xây dựng một đề cương nghiên cứu sâu về hệ thống truyền thông nhà nước trong tình hình mới. Viện phối hợp với các bên liên quan xây dựng một đề án đào tạo nguồn nhân lực truyền thông cho các bộ, ngành (bao gồm cả kỹ năng truyền thông và các kỹ năng sử dụng công nghệ cho truyền thông)”- ông Dũng nói.
Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng, Bộ Y tế tại hội thảo. Ảnh V.T
Ông Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết: Trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, Việt Nam đã phản ứng nhanh trong việc ứng phó với dịch COVID -19, với sự vào cuộc của Bộ, ngành liên quan.
Ban truyền thông đã cung cấp thông tin tới tận tay người dân với 15 tỷ tin nhắn tới tận các thuê bao điện thoại di động, 4 tỷ tin nhắn qua zalo, 9 triệu tin nhắn qua Viber.
Ngoài ra, Bộ cũng tích cực truyền thông trên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế và các trang mạng xã hội khác như zalo, facebook,…Đồng thời, cung cấp thông tin cho báo chí, các văn bản chỉ đạo, gặp mặt báo chí, bố trí chuyên gia, trả lời phỏng vấn, đưa phóng viên đi thực tế, trao đổi định hướng với lãnh đạo báo chí.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT thì đề cập đến vai trò của Bộ trong truyền thông nhà nước đối với công tác chống dịch COVID-19, cũng như truyền thông nguy cơ trong giai đoạn đại dịch.
Theo ông Lâm, yếu tố then chốt việc tiến tới mô hình TTNN là cung cấp thông tin công khai và minh bạch hơn. Ngoài ra chúng ta còn đối mặt với nhiều nguy cơ khác không chỉ là dịch bệnh, như thiên tai hay an toàn giao thông - những vấn đề ảnh hưởng tới an toàn tính mạng và sức khỏe con người.
“Tuyên truyền chống dịch COVID-19 lần này rất nổi bật vì đây là lần đầu tiên không chỉ có Việt Nam mà cả thế giới đối mặt với đại dịch chưa từng có. Việt Nam với tâm thế sau khi đi qua hai giai đoạn dịch bùng phát đã đúc kết được những kinh nghiệm và bài học hay, theo đó chúng ta có thể nói về truyền thông Nhà nước trong bối cảnh nguy cơ, dịch bệnh một cách chủ động và tự tin hơn”- ông Lâm khẳng định.
Viện RED cho biết, sau hội thảo sẽ phối hợp với các bên liên quan xây dựng một đề án đào tạo, nguồn nhân lực truyền thông cho các bộ, ngành (bao gồm cả kỹ năng truyền thông và các kỹ năng sử dụng công nghệ cho truyền thông).