Thường trực Thành ủy TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ với lãnh đạo các cơ quan báo đài trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI - Ảnh: THẢO LÊ
Tham dự còn có bà Nguyễn Thị Lệ, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM; lãnh đạo các ban thuộc Thành ủy, Hội nhà báo TP và tổng biên tập, trưởng phó văn phòng đại diện các cơ quan truyền thông TP và trung ương đóng trên địa bàn.
Mở đầu hội nghị, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định công tác chuẩn bị đại hội đang được tiến hành khẩn trương, khoa học, nghiêm túc và chu đáo nhất.
Về khâu chuẩn bị văn kiện đại hội, ông Khuê cho hay Ban tuyên giáo Thành ủy đã tiếp nhận, tổng hợp ý kiến người dân gửi đến qua các hình thức như gửi thư, email, điện thoại, qua fanpage "Cổng tiếp nhận ý kiến nhân dân" trên mạng xã hội VCNET, ghi nhận trực tiếp…
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - triển khai công tác chuẩn bị đại hội - Ảnh: THẢO LÊ
Ngoài ra, Ban tuyên giáo Thành ủy còn chủ trì, phối hợp tổ chức tiếp nhận ý kiến đóng góp của các trí thức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, văn nghệ sĩ, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, bí thư chi bộ khu phố, ấp, các chức sắc tôn giáo, đại biểu đồng bào dân tộc, kiều bào ở nước ngoài…
"Đặc biệt, các cơ quan báo chí cũng đã tổ chức nhiều diễn đàn góp ý, hiến kế để đón nhận ý kiến độc giả trong và ngoài nước. Ngoài ra, báo chí còn có các tuyến bài quảng bá mô hình, cách làm hay của cá nhân, tập thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của TP" - ông Khuê nhận xét.
Theo ông Khuê, dự thảo báo cáo chính trị cũng được công bố từ rất sớm để lấy ý kiến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành. Ban thường vụ Thành ủy TP đã tổ chức 6 hội nghị lắng nghe, có 332 đại biểu góp ý với 178 ý kiến.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Đại hội Đảng bộ TP trước hết là Đại hội của Đảng, bàn về trách nhiệm lãnh đạo toàn diện với việc phát triển TP. Việc này, ngoài thể hiện bằng những chỉ tiêu kinh tế - xã hội còn được đo lường bởi sự hài lòng, niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
TP.HCM sẽ có 4 phó bí thư Thành ủy
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện TP.HCM có 3 phó bí thư là ông Trần Lưu Quang - phó bí thư thường trực, bà Nguyễn Thị Lệ - chủ tịch HĐND TP và ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP. Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Chính trị thông báo một số địa phương - trong đó có TP.HCM và TP Hà Nội - nhiệm kỳ tới sẽ có 4 phó bí thư Thành ủy.
Theo ông Nhân, với chủ đề đại hội "Nâng cao trách nhiệm nêu gương, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ TP, xứng đáng với niềm tin của nhân dân", mỗi đảng viên, cán bộ lãnh đạo phải là người nêu gương trong việc thực hiện trách nhiệm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
"Phải để người dân đánh giá sự lãnh đạo. Chúng ta không có quyền lãnh đạo nếu như dân không tin tưởng. Nhân dân tin tưởng sẽ trao cho chúng ta quyền lãnh đạo mà Hiến pháp đã ghi nhận. "Chỗ nào còn cán bộ sai sót, xa dân chính là đã làm mất niềm tin của dân thì người đó không còn vai trò lãnh đạo", ông Nhân nói.
Tại hội nghị, hầu hết các tổng biên tập, trưởng, phó văn phòng đại diện cơ quan báo chí đều bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện cung cấp nhiều thông tin đa chiều để việc tuyên truyền trước, trong và sau đại hội đạt yêu cầu đề ra.
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ góp ý kiến tại hội nghị - Ảnh: THẢO LÊ
Phát biểu tại buổi họp báo, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ kỳ vọng đại hội lần này sẽ là một đại hội cởi mở với báo chí và đề xuất tổ chức các cuộc họp báo cuối ngày trong suốt thời gian diễn ra đại hội để lãnh đạo TP có thể chia sẻ với báo chí những điểm nhấn quan trọng trong từng ngày đại hội cũng như những các nội dung quan trọng của ngày hôm sau.
Trả lời tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết vào 16h mỗi ngày trong suốt thời gian diễn ra đại hội đều sẽ có họp báo để cung cấp thêm thông tin. Ngoài ra, sau phiên bế mạc đại hội, sẽ có một cuộc họp báo để tổng kết lại những nội dung chính yếu nhất cũng như giải đáp các vấn đề báo chí quan tâm.
Trong dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội lần này sẽ nêu 4 chương trình phát triển TP.HCM giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn đến 2030 gồm:
+ Chương trình đột phá đổi mới quản lý TP.HCM (gồm 14 đề án, chương trình thành phần)
+ Chương trình đột phá phát triển hạ tầng TP (gồm 13 đề án, chương trình thành phần)
+ Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP (gồm 11 đề án, chương trình thành phần)
+ Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP (gồm 13 đề án, chương trình thành phần)
Tổng số đại biểu dự đại hội là 445 đại biểu, trong đó có 59 đại biểu đương nhiên, 386 đại biểu được bầu từ đại hội đảng bộ các quận huyện và cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy.
Phiên trù bị đại hội vào ngày 14-10. Phiên khai mạc chính thức trọng thể diễn ra ngày 15-10 và phiên bế mạc vào ngày 18-10.
TP.HCM sẽ tổ chức truyền hình, truyền thanh phiên khai mạc, bế mạc đại hội trên Đài truyền hình TP, Đài Tiếng nói nhân dân TP, đồng thời có truyền hình đến Trung tâm báo chí TP.
Ngoài ra, còn tổ chức các điểm cầu truyền hình giữa đại hội và một số quận huyện, dự kiến là quận 3, quận Thủ Đức và huyện Nhà Bè để phản ánh không khí nhân dân TP hướng về đại hội.
TTO - Đó là thông tin được ông Phạm Trọng Hoàng - chánh văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An - cho biết tại buổi họp báo về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức ngày 2-10.