Theo Viện kiểm sát (VKS), thiệt hại của vụ án là 1.927 tỉ đồng chứ không phải 252 tỉ đồng như Hội đồng xét xử đã tuyên trong phiên tòa sơ thẩm vụ cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài giao đất 8-12 Lê Duẩn gây thiệt hại cho nhà nước.
Thiệt hại thực sự là bao nhiêu?
Viện trưởng VKSND TPHCM vừa ban hành kháng nghị một phần bản án sơ thẩm vụ cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài giao đất số 8-12 Lê Duẩn gây thiệt hại cho nhà nước.
Cụ thể, VKSND TPHCM kháng nghị TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng xác định thời điểm xảy ra thiệt hại thực tế là số tiền Nhà nước thất thu cho đến thời điểm Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án; trả toàn bộ số tiền 157 tỉ đồng mà Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM đã góp vốn vào Công ty Lavenue cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM; giành quyền khởi kiện cho các bên liên quan (nếu có) bằng một vụ kiện dân sự khác.
Trước đó, ngày 20.9, cùng với tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài 8 năm tù, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (cựu Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Lavenue) 5 năm tù, bị cáo Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TNMT TPHCM) 5 năm tù, bị cáo Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư Quận ủy quận 2) 4 năm tù, bị cáo Trương Văn Út (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở TNMT TPHCM) 3 năm tù.
HĐXX nhận định nếu không có quyết định giao đất thì Nhà nước sẽ thu được số tiền hơn 900 tỉ đồng, nhưng vì quyết định trái pháp luật của các bị cáo, Nhà nước chỉ thu được số tiền 647 tỉ đồng. Như vậy, số tiền thiệt hại thực tế là số tiền nhà nước thất thu là 252 tỉ đồng. Trong khi trước đó, cáo trạng truy tố xác định thiệt hại là 1.927 tỉ.
Theo kháng nghị của Viện KSND TPHCM, ban đầu, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM (đơn vị sự nghiệp 100% vốn nhà nước) góp 50% cổ phần, 50% còn lại là 4 doanh nghiệp của Bộ Công Thương (mỗi công ty 12,5%).
Biết được thông tin UBND TPHCM có chủ trương thành lập công ty cổ phần thực hiện dự án, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy gửi công văn tự giới thiệu Công ty Hoa Tháng Năm của mình có đủ năng lực tài chính, có kinh nghiệm, xin được tham gia vào dự án và được bị cáo Nguyễn Thành Tài chấp thuận.
Sau đó, Công ty Hoa Tháng Năm của Lê Thị Thanh Thúy đã góp 30 tỉ đồng (chiếm 30% vốn điều lệ), Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM (góp 20 tỉ, chiếm 20% vốn điều lệ) và 4 công ty thuộc Bộ Công thương (góp 50 tỉ, chiếm 50% vốn điều lệ) vào Công ty Lavenue.
Ngày 29.10.2010, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Lavenue (50% vốn) cho Công ty Kinh Đô (sau này là Kido). Hậu quả, phần vốn Nhà nước trong dự án của Công ty Lavenue chỉ còn 20% (do Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM góp vốn), còn lại 80% rơi vào tay tư nhân.
Kháng nghị của VKS chỉ ra rằng để được giao và cho thuê đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TPHCM), Công ty Lavenue đã nộp vào ngân sách 647 tỉ đồng. Trong quá trình thực hiện dự án, HĐQT Công ty Lavenue họp, thống nhất tăng thêm vốn điều lệ lên 785 tỉ đồng.
Trên thực tế, Công ty Hoa Tháng Năm của bị cáo Lê Thị Thanh Thúy góp 238,5 tỉ đồng, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM góp 157 tỉ đồng và Công ty Kido góp 392,5 tỉ đồng.
Theo VKS, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM là công ty 100% vốn Nhà nước, toàn bộ số tiền 157 tỉ đồng mà công ty này nộp góp vốn vào Công ty Lavenue là tài sản nhà nước.
Việc bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch HĐQT Công ty Lavenue, đại diện Công ty Lavenue) sử dụng số tiền vào mục đích bất hợp pháp là làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Do đó, theo kháng nghị của VKS, việc Hội đồng xét xử (HĐXX) căn cứ vào số tiền mà Công ty Lavenue đã nộp vào ngân sách tương ứng với phần vốn góp của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM để thu hồi số tiền 126 tỉ đồng, là đã gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước số tiền 30 tỉ đồng.
Xác định thiệt hại thực tế chưa phù hợp
VKS cho rằng việc toà xác định thiệt hại thực tế là số tiền Nhà nước thất thu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là không phù hợp.
Do bản chất hành vi gây thất thoát, lãng phí phải được xác định từ thời điểm giao đất, cho thuê đất trái pháp luật dẫn đến Nhà nước bị mất quyền sử dụng, mất quyền khai thác tài sản và giá trị tăng thêm của khu đất.
Vì vậy, thiệt hại phải tính đến thời điểm Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án năm 2018 với số tiền 1.927 tỉ đồng như cáo trạng.
Do đó, việc HĐXX xác định thời điểm thiệt hại như đã tuyên là không đúng bản chất vụ án.
VKS cũng cho rằng toà tuyên trả lại cho Công ty Lavenue 126 tỉ đồng, Công ty Lavenue có nghĩa vụ hoàn trả số tiền trên cho Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TPHCM là không có căn cứ, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Xem thêm: odl.263148-ueihn-oab-iah-teiht-gnav-tad-oaig-iat-hnaht-neyugn-uv-ihgn-gnahk/taul-pahp/nv.gnodoal