Ông Nguyễn Đức Tài sinh năm 1969 là một người con của đất võ Nam Định. Là một người ham học hỏi, ông hoàn thành bằng cử nhân Tài chính – Kế toán tại trường Đại học Kinh Tế TP.HCM sau đó tiếp tục sang Pháp theo học tại Học viện Quản Trị Pháp Việt CFVG.
Nắm trong tay tấm bằng thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh, ông Nguyễn Đức Tài trở về Việt Nam và đảm nhiệm vai trò Giám đốc tài chính cho 1 tập đoàn của Thụy Sĩ tại Việt Nam. Công việc tuy ổn định nhưng ôn Tài vẫn chưa thấy thỏa mãn.
Ông trăn trở: “Lúc đó tôi nghĩ, mới hơn 20 tuổi làm giám đốc tài chính mà đã có xe hơi đưa đón, được cấp xe riêng. Lỡ đến sau này khoảng 40 tuổi lên chức lại được cấp máy bay riêng đi làm. Nhưng tôi không muốn mọi thứ yên ổn như thế”.
Vậy là sau 8 năm gắn bó với tập đoàn Thụy Sĩ, ông quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp. Ông bắt đầu mở 3 cửa hàng kinh doanh điện thoại di động. Do bản tính kiêu căng và chủ quan của tuổi trẻ, ông tự cho mình có nhiều kinh nghiệm lại được đào tạo bài bản nên nên đã đầu tư một mình, khước từ mọi lời đề nghị hợp tác. Chính do điều này đã khiến ông thất bại nặng nề và một lần nữa ông lại đi làm thuê.
Quyết tâm theo đuổi lĩnh vực kinh doanh thiết bị di động, ông Tài đã vào làm việc trong bộ phận hoạch định chiến lược của một công ty điện thoại để học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận các nguồn thông tin cần thiết.
Đến năm 2004, ông cùng 4 cộng sự bỏ ra số vốn 2 tỷ đồng (trong đó ông góp 700 triệu đồng) để thành lập nên CTCP Thế giới di động. Dự án là sự kết hợp giữa trang web trực tuyến với hệ thống bán lẻ điện thoại di động.
3 cửa hàng Thế giới di động đầu tiên được mở ra, lượng khách truy cập vào trang web tăng rất nhanh nhưng lượng khách hàng đến mua sản phẩm thì không bao nhiêu. Nguyên nhân vì trang web rất thu hút nhưng cửa hàng không tương thích với nhau.
Hiểu được rằng nếu không thay đổi thì khó có thể thành công, ông Tài họp bàn với các công sự, quyết tâm đầu tư 1 cách bài bản hơn.
Công ty đóng cửa 2 cửa hàng lẻ và tập trung mở 1 cửa hàng duy nhất với quy mô hoành tráng và số lượng sản phẩm cũng nhiều hơn, đa dạng hơn và thay đổi cả cách phục vụ. Dần dần thương hiệu Thế giới di động trở thành một tiếng vang và được nhiều người biết đến trên toàn quốc.
Sau khi cửa hàng đầu tiên vận hành ổn định, cộng hưởng với xu thế bùng nổ công nghệ số, việc kinh doanh của TGDĐ cũng dần phất lên. Được đà tiến tới, ban lãnh đạo TGDĐ quyết định mở rộng kinh doanh, khai trương thêm các cơ sở mới. Trong vòng 4 năm (2004-2008) ông Nguyễn Đức Tài trực tiếp tham gia chèo lái công ty, là người chịu trách nhiệm trong tất cả các hoạt động kinh doanh, tuyển dụng, vận hành cho đến quyết định giá bán của hơn 40 cửa hàng trên toàn quốc.
Với đà phát triển của Thế giới di động, cùng kinh nghiệm bán lẻ sẵn có, Nguyễn Đức Tài quyết định mở rộng sản phẩm điện máy. Từ đó Điện Máy Xanh ra đời với tham vọng tạo ra 1 đế chế bán lẻ. Chiến lược này của ông được nhiều người đánh giá cao trong tình trạng thị trường di động đang dần bão hòa, dễ gặp rủi ro khủng hoảng.
Tiếp nối theo ngọn gió đang lên, cửa hàng Điện Máy Xanh dần trở thành 1 trong 3 công ty dẫn đầu Việt Nam về phân phối thiết bị gia dụng và điện tử. Chuỗi điện máy hiện nay đang nắm khoảng 35% thị phần các chuỗi cả nước.
Hiện tại Thế giới di động đã có hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ điện thoại di động, 771 cửa hàng Điện Máy Xanh và 311 cửa hàng Bách Hóa Xanh có mặt khắp các tỉnh thành cả nước. Đồng thời, với độ phủ sóng ngày càng tăng, Thế giới di động cũng dành 50% thị phần ngành hàng di động.
Năm 2019, Thế Giới Di Động công bố kết quả kinh doanh trong 8 tháng đầu năm với doanh thu hợp nhất đạt gần 69.000 tỷ đồng (gần 3 tỷ USD), tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 2,7 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến cuối tháng 9, giá trị vốn hóa của Thế giới Di động đạt khoảng 56.000 tỷ đồng (2,4 tỷ USD). Riêng khối tài sản của riêng ông Nguyễn Đức Tài lên sát ngưỡng 8.000 tỷ đồng- mức cao nhất kể từ khi đại gia này đưa cổ phiếu MWG lên sàn hồi năm 2014.
Về chiến lược phát triển trong tương lai của chuỗi, Bách Hóa Xanh kỳ vọng mở 8.000-12.000 cửa hàng trên toàn quốc, và đạt được 12-15% thị phần thị trường bán lẻ thực phẩm tiêu dùng.
Bá Di (T/h)