Lần đầu tiên kinh tế TPHCM tăng trưởng dưới 1,2% và lần đầu tiên có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng...
Ngày 3.10, UBND TPHCM đã tổ chức tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay”. Buổi tọa đàm có sự đại diện của các sở-ngành, chuyên gia kinh tế, đại diện hiệp hội doanh nghiệp và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh kinh tế thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19.
“Lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2% và lần đầu tiên có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng và làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố hơn 21.000 tỷ đồng. Ngành du lịch thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành của thành phố bị sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động”- ông Nguyễn Thành Phong nêu thực tế.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, từ thực tiễn phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới, nhất là 15 năm gần đây cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đã tạo nên luồng sinh khí mới, trở thành một động lực trực tiếp của tăng trưởng kinh tế.
Với trên 438.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm 32% cả nước, đóng góp 54% quy mô nền kinh tế và 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố. Do đó, phục hồi kinh tế đối với thành phố hiện nay, trước mắt là phải phục hồi hoạt động của doanh nghiệp, bởi chính doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm…
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 gây ra nguy cơ làm kinh tế toàn cầu chậm tăng trưởng.
Bên cạnh đại dịch, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung càng khiến nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với khủng hoảng kinh tế năm 2008.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng bối cảnh này đặt ra yêu cầu với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam về vấn đề đưa ra các hỗ trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ.
“Hiện tại các gói hỗ trợ doanh nghiệp tại nước ta chưa bám theo thông tin diễn biến dịch bệnh, thủ tục hành chính rườm rà khiến cho việc tiếp cận hỗ trợ rất chậm. Điều quan trọng bây giờ là tìm cơ hội cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, còn lãi suất có giảm nữa thì họ cũng không biết vay để làm gì”- PGS-TS Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cũng cho biết, qua khảo sát trên 100 doanh nghiệp ở thành phố, cho thấy có đến 76% doanh nghiệp được hỏi phản ánh họ chưa tiếp cận được các chính sách nhà nước hỗ trợ và hầu như chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ.
Ông Chu Tiến Dũng cho rằng: “Các ngân hàng cần cải thiện các điều kiện cho vay theo hướng đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp, mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua thẩm định phương án kinh doanh, quản lý nguồn thu và dòng tiền; ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường”.
Đối với chính sách và gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19 cần phân chia ra làm 2 loại: Gói chính sách “cấp cứu” gồm chính sách tài khóa, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí theo Nghị định 41 của Chính phủ, hay gói hỗ trợ người lao động nghèo, mất việc, cho doanh nghiệp vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội không lãi suất để trả lương cho người lao động nên nới lỏng điều kiện và thủ tục thực hiện để doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất có thể.
Buổi tọa đàm cũng thu hút nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia về vấn đề thủ tục hành chính, chuyển đổi số,…
Tiếp thu các ý kiến, phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ có bộ phận nghiên cứu việc tiếp cận các gói hỗ trợ và kết quả tiếp cận để báo cáo với trung ương.
Về phía thành phố, sẽ khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong khâu vận hành các quyết sách của thành phố, khắc phục hiện tượng “trên nóng dưới lạnh, trên quyết liệt dưới thờ ơ” để các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ kịp thời.
Xem thêm: odl.615148-ohk-og-hcac-mit-mchpt-21-ioud-gnourt-gnat-et-hnik-neit-uad-nal/et-hnik/nv.gnodoal