Thông tin về quá trình lọc ảo, PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội (đơn vị hỗ trợ kỹ thuật nhóm trường phía Bắc) cho biết: Hiện có 52 trường đại học trong nhóm xét tuyển phía Bắc mà ĐH Bách khoa Hà Nội hỗ trợ kỹ thuật.
“Từ 2-4/10, nhóm sẽ chạy 12 lần lọc ảo xen kẽ với 6 lần lọc ảo theo Bộ GD&ĐT. Để phần mềm lọc ảo chạy thông suốt và có được kết quả chính xác, nhóm đã yêu cầu các trường thống nhất dữ liệu như điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh, giải thưởng, điều kiện xét tuyển…”, PGS.TS Trần Trung Kiên cho biết.
Còn nhóm trường ĐH phía Nam năm nay có 90 trường tham gia lọc ảo. ĐH Quốc gia TPHCM chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật khu vực này. Nhóm sẽ lọc ảo 10 lần xen giữa các lần chạy lọc ảo của Bộ GD&ĐT.
Ảnh minh họa. |
Được biết, quy trình xét tuyển và lọc ảo ở hai nhóm trường miền Bắc và miền Nam gồm các bước như: Rà soát hệ số môn xét tuyển, điều kiện sơ tuyển, điều kiện so sánh; Chọn phương thức xét tuyển toàn quốc hay xét tuyển theo nhóm; Chạy phần mềm thực hiện xét tuyển cho từng phương thức….
Sau quy trình lọc ảo, các trường sẽ tính toán thí sinh ảo trong nhóm xét tuyển chung và ngoài nhóm để điều chỉnh mức điểm chuẩn để xuất kết quả xét tuyển dự kiến và nhập vào hệ thống cho nhóm thực hiện lọc ảo lần 1.
Sau khi lọc ảo lần 1, sẽ xuất kết quả và đưa vào luồng lọc ảo của Bộ GD&ĐT. Qua mỗi lần lọc ảo của Bộ GD&ĐT, từng trường sẽ lấy kết quả phân tích, rà soát… xuất kết quả xét tuyển dự kiến và nhập vào hệ thống để thực hiện lọc ảo các lần tiếp theo…
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm trước, hệ thống lọc ảo hoạt động rất tốt nên năm nay sẽ cơ bản giữ nguyên. Bộ GD&ĐT đã rà soát, bổ sung một số chức năng hỗ trợ công tác xét tuyển đại học trong bối cảnh năm nay có nhiều hình thức xét tuyển đại học hơn, chẳng hạn thêm chức năng quy đổi điểm thi đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ.
Việc lọc ảo bắt đầu từ việc các trường đại học, cao đẳng cài đặt phần mềm phù hợp với phương thức xét tuyển mà trường lựa chọn. Sau đó, các trường tải dữ liệu tuyển sinh từ hệ thống dữ liệu chung của toàn quốc, bao gồm điểm thi, nguyện vọng xét tuyển, thông tin khu vực, đối tượng ưu tiên để chạy lọc ảo. Những dữ liệu này đều được mã hóa để bảo mật thông tin cho thí sinh.
Thông tin thí sinh đã trúng tuyển và xác nhận nhập học bằng phương thức như xét tuyển học bạ, chứng chỉ sẽ được nhập lên hệ thống để tránh trường hợp đã xác nhận nhập học vẫn có tên trong danh sách xét tuyển bằng phương thức khác, từ đó giảm tối đa số thí sinh ảo.
“Việc sử dụng chung một cơ sở dữ liệu và một phần mềm lọc ảo giúp tiết kiệm tối đa để các trường đại học, cao đẳng thực hiện quy trình xét tuyển”, bà Thủy cho hay.
Dự kiến, các trường đại học, cao đẳng sẽ công bố điểm chuẩn trước 17h ngày 5/10. Như năm ngoái, một số trường công bố trước hạn một ngày.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước 17h ngày 14/10, các trường phải cập nhật thông tin thí sinh xác nhận nhập học lên cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ ngày 15/10, các trường xét tuyển bổ sung.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2020, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng là 642.945, giảm 1,46% so với năm 2019. Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 2.494.210, giảm 3,14% so với năm 2019. Cập nhật đến hết ngày 27/9, có tổng số 275.530 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, tỷ lệ điều chỉnh đạt 42,49%
Hoàng Thanh
Infonet