vĐồng tin tức tài chính 365

Việt Nam sẵn sàng đến đâu để trở thành nền kinh tế phát triển?

2020-10-04 11:27

Việt Nam sẵn sàng đến đâu để trở thành nền kinh tế phát triển?

Đình Mạnh

(TBKTSG) - Nhân sự kiện Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nền kinh tế phát triển, xin điểm qua một vài nhân tố cả trực tiếp lẫn gián tiếp để xét xem Việt Nam đã sẵn sàng đến đâu để trở thành thành viên của nhóm này.

Xuất khẩu thủy sản là thế mạnh của Việt Nam. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Các yếu tố ảnh hưởng gián tiếp

Chi phí lao động tăng

Theo Ngân hàng Thế giới, vào cuối năm 2018, tiền công và tiền lương của doanh nghiệp trung vị Việt Nam cao gấp đôi so với Lào, Myanmar, Malaysia và hơn khoảng 30-45% so với Campuchia, Thái Lan, Philippines, ở mức khoảng 2.739 đô la Mỹ/lao động/năm. Tuy nhiên, tiền công của nhân công Việt Nam cũng thấp hơn nếu so sánh với các nước BRIC (các nền kinh tế lớn mới nổi).

Tiền công tăng là một xu hướng không thể đảo ngược nhưng cũng có thể được nhìn nhận tích cực. Để duy trì giá bán hợp lý, doanh nghiệp sẽ chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài hoặc cải tiến công nghệ, áp dụng tự động hóa, tinh gọn quy trình sản xuất. Từ đó, nền kinh tế sẽ chuyển từ lắp ráp, sản xuất chi phí thấp sang đổi mới và sáng tạo để tương thích với lực lượng lao động với kỹ năng mới được tạo ra và yêu cầu tiêu dùng cao hơn.

Rủi ro nguồn cung đầu vào

Năm 2019, Việt Nam nhập khoảng 40 tỉ đô la Mỹ các mặt hàng linh kiện điện tử từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), những ngành hàng đang chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch Covid-19 do không chủ động được nguồn cung đầu vào gồm: điện - điện tử, da giày - dệt may, sản xuất, lắp ráp ô tô.

Rõ ràng, với các rủi ro như dịch bệnh, chính sách nội địa hóa chuỗi giá trị sản xuất có thể dẫn đến áp lực tập trung hóa sản xuất tất cả các khâu vào một thị trường nội địa hoặc đa dạng hóa đầu vào để giảm thiểu rủi ro này. Vì vậy, các nước đang phát triển như Việt Nam đứng trước cả cơ hội là nâng cấp trong chuỗi giá trị lẫn thách thức là bị các doanh nghiệp nước ngoài rút đầu tư do rủi ro chuỗi cung ứng, tự động hóa, hay do chính sách hồi hương sản xuất như của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bảo hộ và tranh chấp thương mại

Việt Nam hiện có nhiều mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu đang đối mặt với xu thế bảo hộ gia tăng như thép, nhôm, nông sản, thủy sản... Các chính sách hạn chế nhập khẩu từ các đối tác sẽ làm giảm tính cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, nhưng về dài hạn, đây cũng là chất xúc tác để doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng hay chuyển sang phục vụ thị trường nội địa ngày càng có nhiều tiềm năng.

Quá trình tự động hóa

Máy móc đang thay thế công nhân làm các công việc lắp ráp với chi phí ngày càng cạnh tranh. Đây là động lực cho nước nhận đầu tư nâng cấp lên khâu cao hơn trong sản xuất do lợi thế chi phí giá rẻ không còn hiện hữu nhưng cũng là nỗi lo khi nhiều nước lớn có thể đảm nhận cả vai trò sản xuất lắp ráp vốn là điểm mạnh của các nước đang phát triển.

Ảnh hưởng này đang trở nên rõ rệt hơn tại Việt Nam. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chi phí nhân công để sản xuất một cái áo sơ mi vải bông của Mỹ đã giảm từ 7 đô la xuống còn 0,4 đô la, thấp hơn so với chi phí tại các nước có cùng trình độ phát triển với Việt Nam như 0,5 đô la tại Ấn Độ và nhỉnh hơn không đáng kể so với mức 0,22 đô la tại Bangladesh.

Dịch chuyển đầu tư từ lắp ráp - chế tạo sang tiêu dùng - dịch vụ

Các yếu tố chi phí lao động gia tăng, quá trình tự động hóa và các chính sách hồi hương các hoạt động sản xuất nói trên sẽ dẫn đến kết quả là vốn đầu tư cho hoạt động lắp ráp và chế tạo phục vụ cho xuất khẩu sẽ giảm đi. Trong khi đó, nguồn đầu tư cho lĩnh vực tài chính, tiêu dùng tại chỗ (như sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, bán lẻ) tăng lên.

Thông tấn xã Việt Nam ghi nhận thời gian qua, một số công ty của Nhật Bản đang chuyển hướng từ sản xuất để xuất khẩu trở lại Nhật Bản sang phục vụ nhu cầu của gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng của Việt Nam. Các công ty Nhật Bản cho rằng chi phí lao động của Việt Nam không còn cạnh tranh như trước trong khi thu nhập và khả năng chi trả của người dân cũng tăng theo nên các công ty đã chuyển đầu tư sang dịch vụ và tiêu dùng tại chỗ.

Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp

Tiền công và tiền lương của doanh nghiệp trung vị Việt Nam đã cao hơn so với các nước trong khu vực. Ảnh: THÀNH HOA

Sức hấp dẫn của việc nâng cấp lên khâu cao hơn trong chuỗi giá trị

Việc tham gia vào các khâu cao hơn trong chuỗi giá trị có thể mang đến cho doanh nghiệp nhiều động lực từ lợi nhuận cao hơn đến lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhưng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chịu thêm rủi ro về nhận diện thương hiệu (do khách hàng đã quen với thương hiệu người dẫn đầu), rủi ro đầu tư công nghệ (doanh nghiệp phát triển công nghệ mới nhưng không phù hợp với thị trường) và các vấn đề bản quyền khác.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp thành công khi làm nhà cung cấp dịch vụ sản xuất và lắp ráp cho nước khác hơn là tự đầu tư nghiên cứu và phát triển thương hiệu riêng. Chẳng hạn, nhờ thành công khi là nhà cung cấp mà Foxxcon (công ty lắp ráp iPhone cho Apple) hay các công ty của Singapore làm dịch vụ sáng tạo và sau bán hàng cho các công ty Mỹ và châu Âu, không có động lực hay chưa tích lũy đủ tiềm năng (về thương hiệu và khả năng nghiên cứu) để trở thành những công ty sở hữu thương hiệu riêng và tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tăng

Khi các công ty đa quốc gia nâng cấp hoạt động tại nước nhận đầu tư lên các khâu quan trọng hơn thì bản đồ sản xuất của quốc gia sở tại bắt đầu chuyển biến và hình thành nền móng cho các công ty khác nâng cấp hoặc thu hút các nhà đầu tư từ các quốc gia khác đầu tư vào các khâu này. Lúc này, nguồn lao động sẽ phải chuyển biến lên chất lượng cao hơn; kế tiếp là một số ngành như công nghiệp phụ trợ, giáo dục, dịch vụ nhà ở, lưu trú, dịch vụ hầu cần cùng phát triển theo.

Tại Việt Nam, một số công ty nước ngoài như Samsung sau thời gian dài gặp khó trong việc tìm kiếm nhà cung cấp đang bắt đầu xây dựng được nhà cung cấp nội địa có chất lượng tốt trong mạng lưới sản xuất của mình. Bên cạnh đó, các dấu hiệu nâng cấp trong đầu tư cũng bắt đầu xuất hiện khi mới đây Samsung đã đầu tư 220 triệu đô la Mỹ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội.

Số lượng lao động có trình độ đại học và sau đại học và nghiên cứu là dôi dư

Một dấu hiệu cho sự bắt đầu nâng cấp chính là việc dôi dư nguồn lao động có trình độ đại học, sau đại học và nguồn lực tay nghề cao. Lực lượng lao động thất nghiệp này sẽ duy trì mức lương ổn định trong các ngành kỹ thuật cao và đòi hỏi nhiều kỹ năng. Chính lực lượng lao động có kỹ năng nhưng giá rẻ sẽ hình thành lực hút cho các công ty nước ngoài đầu tư vào quốc gia sở tại để tận dụng các ý tưởng kinh doanh và khả năng sáng tạo cho hoạt động sản xuất của họ.

Ngay với các công ty nội địa, đây cũng là tác nhân thôi thúc các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang các khâu quan trọng hơn để tận dụng nguồn vốn nhân lực này. Thực tế tại Hàn Quốc, trong thời kỳ bắt đầu công nghiệp hóa, nước này cũng dôi dư một nguồn lao động có đào tạo nhưng dần dần nền kinh tế đã chuyển sang các hoạt động đòi hỏi nguồn lực kỹ thuật và tay nghề cao để hấp thu nguồn lực lao động này.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từng có báo cáo cho thấy, có khoảng 162.000 lao động có bằng cử nhân và thạc sĩ không tìm được việc hoặc phải làm các công việc không đúng với ngành/nghề được đào tạo. Về cơ bản, nếu lực lượng lao động qua đào tạo nắm được các kỹ năng cơ bản, và sự thất nghiệp là do độ trễ trong hấp thu nguồn lực này, do nguồn lao động này đang trong quá trình tìm việc hay không thể cạnh tranh về lương so với lực lượng lao động chưa qua đào tạo thì đây là nguồn lực mới cho nền kinh tế.

***

Nhìn chung, để đánh giá một nền kinh tế đã nâng cấp hay đang chuẩn bị được nâng cấp cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh, gồm cả yếu tố tác động gián tiếp và trực tiếp. Các nhân tố này vừa có tính cộng hưởng vừa có tính độc lập. Một vài nhân tố thay đổi có thể dẫn đến thay đổi các nhân tố khác (chi phí tăng có thể ảnh hưởng đến loại hình đầu tư) nhưng cũng có thể chỉ có một vài nhân tố thay đổi (vì lý do riêng) thì chưa ảnh hưởng đến bức tranh tổng thể của nền kinh tế.

Nếu lấy thang 7 sao như mức độ tối đa để đo lường sự sẵn sàng nâng cấp thành một nền kinh tế phát triển (hoàn toàn sẵn sàng) thì các yếu tố gián tiếp như “chi phí lao động tăng”, “rủi ro nguồn cung đầu vào”, “bảo hộ và tranh chấp thương mại” đạt 5 sao, còn sự “dịch chuyển đầu tư từ lắp ráp-chế tạo sang tiêu dùng - dịch vụ” là 4 sao.

Đối với các yếu tố trực tiếp, do độ trễ từ tác động của nhóm yếu tố gián tiếp nên sự chuyển biến cần có thời gian. Theo đó, “sức hấp dẫn từ việc tham gia vào các khâu cao hơn trong chuỗi giá trị” là chưa thật sự cao khi doanh nghiệp dường như bằng lòng với các vị trí hiện tại (4 sao).

Bên cạnh đó, tuy nguồn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tăng nhưng chưa đạt đỉnh tiêu chuẩn cần thiết nên tiêu chí “đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tăng” ở mức 4 sao; mức độ dư thừa của nguồn lực kỹ thuật là chưa cao nên yếu tố “số lượng lao động có trình độ đại học và sau đại học và nghiên cứu là dôi dư” là khoảng 5 sao.

Nhìn chung, khi đã là một nền kinh tế được gắn mác “phát triển” hay một nền kinh tế đã được nâng cấp, doanh nghiệp sẽ gặp cả bất lợi lẫn động lực. Bất lợi do mất đi các ưu đãi như lãi vay, thuế trong khi động lực là có cơ hội đảm nhận các vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị thông qua sáng tạo và điều khiển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp trong nước chưa sẵn sàng cho vai trò mới này thì đây là một thiệt thòi không nhỏ, khi mà lợi thế thì chưa rõ ràng nhưng thách thức là có thật. Lúc này, rất cần các hành động can thiệp từ chính sách hay hệ thống quản trị doanh nghiệp để hướng đến giai đoạn nâng cấp một cách chủ động hơn.

Xem thêm: lmth.neirt-tahp-et-hnik-nen-hnaht-ort-ed-uad-ned-gnas-nas-man-teiv/358803/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Việt Nam sẵn sàng đến đâu để trở thành nền kinh tế phát triển?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools