Mặt bằng dự án cụm công nghiệp sau khi khoét đồi lấy đất giờ thành đất hoang, lởm chởm đá tảng - Ảnh: L.TRUING
Vì sao công trình dừng thi công khi mặt bằng chưa san lấp xong? Tương lai cụm công nghiệp này như thế nào?
Xẻ núi đồi lấy đất
Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và dự toán kinh phí thực hiện từ năm 2011 với diện tích khoảng 20ha, giao cho UBND huyện Núi Thành làm chủ đầu tư.
Năm 2014, dự án được thông qua quy hoạch chi tiết với tổng kinh phí đầu tư hơn 66 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Cụm công nghiệp này sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương giao cho Công ty TNHH đầu tư Xuân Vượng san lấp mặt bằng dự án và được phép tận thu nguồn đất đồi tại đây. Doanh nghiệp trên đã ồ ạt tận thu đất bán cho một số dự án khác và từ năm 2019 thì dừng san lấp.
Hiện tại mặt bằng được san lấp lởm chởm, những ngọn đồi bị đục khoét, đất mang đi bán, phần có đá tảng bị bỏ lại nhiều tảng đá to đùng, mặt bằng chỗ thấp chỗ cao, có những nơi bị xói lở thành hố sâu.
Cụm công nghiệp còn trên giấy, cỏ hoang mọc đầy. Tệ hơn, vào mùa mưa, đất từ dự án này bị xói lở tràn xuống lấp ruộng lúa bên dưới, bà con không thể canh tác.
Dừng do "vướng" đá
Ông Phan Đình Dung - chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây - cho biết khi dự án cụm công nghiệp triển khai, chính quyền và người dân ở đây rất mừng.
Trong quá trình thực hiện, do nguồn ngân sách khó khăn nên đến giờ này dự án vẫn chưa làm xong. Hiện nay khoảng 3ha đất ở quanh khu vực dự án bị sạt lở, trôi chảy xuống lấp mặt ruộng.
Ông Nguyễn Quang Thạnh, giám đốc Ban quản lý dự án, quỹ đất huyện Núi Thành (đơn vị chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây), cho biết dự án được triển khai san lấp nền từ năm 2016 thì đến năm 2019 dừng thi công.
Nói về nguyên nhân dừng triển khai dự án, ông Thạnh cho biết trong quá trình san nền, đây là một quả đồi, sau khi san lấp tại chỗ thì có dư thừa một lượng đất.
"Doanh nghiệp san lấp mặt bằng được tỉnh cho phép tận thu. Có nhiều tảng đá lớn lẫn trong đồi đất nên không tận thu được và dự án phải dừng lại, tỉnh cũng đã thu hồi giấy phép tận thu của công ty trên. Để phá đồi đá này thì tốn chi phí rất lớn" - ông Thạnh nói.
Cũng theo ông Thạnh, doanh nghiệp được cấp phép tận thu 1,4 triệu m3 đất, lấy được khoảng 1 triệu m3 thì dừng vì vướng phải đá. Ngân sách huyện khó khăn nên khó thực hiện tiếp.
Huyện khuyến khích kêu gọi nhà đầu tư để làm kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp này, hiện ban đang xúc tiến thủ tục, tham mưu cho UBND huyện kêu gọi đầu tư.
Ông Phan Văn Nỹ (70 tuổi, thôn 8, xã Tam Mỹ Tây):
Hoang phí quá!
Khi nghe tin nơi đây được đầu tư mở cụm công nghiệp, ai cũng phấn khởi hi vọng cơ hội việc làm, dân sẵn sàng nhường đất để làm dự án. Gia đình tôi có 2ha đất trồng keo đã thu hồi và được bồi thường.
Thế nhưng dự án được triển khai khá lâu, đơn vị thi công ào ạt san ủi đồi núi, lấy đất đem đi, bỏ lại mặt bằng thì lởm chởm. Nay đất dự án cụm công nghiệp thành đất hoang, chẳng có một nhà máy, xí nghiệp nào được xây dựng. Thấy đất đai bỏ không như vậy quá phí!
TTO - Chế độ thu hồi đất, định giá đất bồi thường khi thu hồi hiện nay còn nhiều bất cập, khiến các địa phương lợi dụng, thu hồi đất của dân vô tội vạ.
Xem thêm: mth.53053408040010202-gnaoh-ob-ior-tad-uht-nat-peihgn-gnoc-muc/nv.ertiout