Đại dịch COVID-19 gây thiệt hại chưa từng có trong lịch sử ngành Hàng không. Ngay sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, các hãng bay Việt đã triển khai mở thêm các đường bay mới phát động thị trường, đa dạng mạng bay nội địa phục vụ nhu cầu của khách và thực hiện các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Nhưng vấn đề cần nhất của các hãng bay Việt hiện nay là vay vốn hỗ trợ lãi suất.
Tăng tần suất bay nội địa
Theo đại diện Vietnam Airlines (VNA), đến nay, dịch COVID-19 đã tiếp tục được kiểm soát tốt trong nước với nhiều ngày không có lây nhiễm cộng đồng. Nhưng nhiều nước trên thế giới, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó đoán định với hàng trăm nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày.
Trước tình hình như vậy, VNA đã chủ động, tích cực chuẩn bị các kế hoạch phục hồi trên nhiều mặt. Như tăng tần suất nhiều đường bay nội địa trong tháng 10.2020 (Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Pleiku...). Chuẩn bị tăng tải cung ứng đáp ứng cao điểm Tết 2021. Phối hợp các cơ quan chức năng hoàn thiện các quy định, hướng dẫn chở khách bay thường lệ quốc tế về Việt Nam. Chuẩn bị nối lại các đường bay quốc tế Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia trên cơ sở diễn biến dịch bệnh và sự chấp thuận của các nhà chức trách.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam, từ ngày 28.9.2020-12.10.2020, Bamboo Airways chính thức khai thác trở lại các đường bay nội địa từ Hải Phòng/Vinh/Đà Nẵng/Cần Thơ. Đại diện hãng này cũng cho biết, hiện lịch bay mùa đông đã được mở bán tới hết tháng 3.2021. Cùng với đó, đại diện Vietjet cũng cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát hãng đã đẩy mạnh các đường bay nội địa và triển khai bay quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp tục các giải pháp cắt giảm chi phí, gia tăng dòng tiền như đàm phán giãn tiến độ thanh toán với đối tác, tổ chức lại lao động, tiền lương theo quy mô khai thác thực tế...
Bên cạnh đó, hãng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bay hồi hương công dân từ các vùng dịch. Mở thêm các đường bay mới phát động thị trường, đa dạng mạng bay nội địa phục vụ nhu cầu của khách. Đổi mới phương thức bán, đưa ra nhiều chương trình bán với nhiều chủ đề diễn ra liên tục nhằm phát động bán sau dịch COVID-19.
Đại diện VNA cho rằng, việc khai thác trở lại nhiều đường bay nội địa là nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách đến các tỉnh, thành sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của hành khách VNA đã có những bước cải tiến như xuất hóa đơn điện tử khi mua vé online. Phối hợp với Pacific Airlines triển khai các chương trình bán vé mới, hấp dẫn tới khách hàng.
Ngoài việc đẩy mạnh các đường bay nội địa các hãng bay Việt cũng triển khai bay quốc tế. Đại diện VNA cho biết, từ ngày 18.9.2020 sau khi thực hiện chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đầu tiên sau dịch COVID-19 từ Hà Nội đi Tokyo (Nhật Bản), VNA đã tiếp tục thực hiện 2 chuyến bay nữa từ Hà Nội đi Tokyo vào các ngày 25.9.2020 và 30.9.2020 cùng 1 chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Tokyo vào ngày 30.9.
Cần hỗ trợ kịp thời và đúng thời điểm
Theo đề xuất của các hãng, cơ quan chức năng, Chính phủ Việt Nam đang xem xét thông qua gói hỗ trợ hàng không bao gồm không giới hạn việc miễn giảm các loại thuế, phí dịch vụ hàng không, miễn giảm thuế môi trường cho nhiên liệu bay, gói hỗ trợ tài chính, gia hạn nợ vay… Sự hỗ trợ này cần cấp thiết và cụ thể trong giai đoạn hiện nay để củng cố nội lực của các hãng trong nước.
Trên thế giới, các hãng hàng không đang được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ nước sở tại nhằm giúp ngành Hàng không hồi phục, do đây là một trong những lĩnh vực xương sống giúp thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế chung.
Theo TS Lương Hoài Nam (chuyên gia về hàng không), dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các ngành kinh tế, đặc biệt là hàng không. Việc giảm chi phí hoạt động là một nội dung rất quan trọng; thường thông qua các biện pháp về thuế (giảm thuế, miễn thuế), giảm các giá các loại phí của các nhà cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không.
Để gỡ khó cho ngành Hàng không trước đó, Hiệp hội các doanh nghiệp hàng không đã có kiến nghị với Chính phủ để tạo một gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho tất cả các hãng hàng không với quy mô khoảng 25.000 đến 27.000 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia, cần phải làm nhanh và sớm để có thể hiện thực hoá nhanh nhất xét về mặt thủ tục cũng như nhìn vào nhu cầu của các hãng hàng không hiện tại khi các hãng thực sự đã cạn kiệt về nguồn tiền. Quy mô gói này bằng khoảng 1/3, 1/4 dự kiến thiệt hại mà các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải chịu trong đại dịch COVID-19. Do đó, cần thực hiện sớm để nguồn vốn có thể đến với các doanh nghiệp trước khi họ không chịu được nữa.
Cùng với đó, cần có sự hỗ trợ các hãng hàng không về thuế và giá phí. Hiện một số biện pháp nhỏ lẻ đang được thực hiện và đáp ứng, nhưng thời gian áp dụng ngắn quá, 5 - 6 tháng chỉ mang lại cho các hãng hàng không tiết kiệm chi phí ở mức vài trăm tỉ đồng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để giải quyết nhu cầu sinh tồn và phục hồi, phát triển của các hãng hàng không, cần phải kéo dài chương trình này khoảng 18 - 24 tháng. Cụ thể, COVID-19 ảnh hưởng tới các hãng hàng không như thế nào thì chương trình này cũng phải dài tương tự như thế thì mới có ý nghĩa về thực chất làm thế nào để giúp các hãng hàng không Việt Nam tiết kiệm được khoảng 5.000 đến 7.000 tỉ đồng thì mới thoả đáng, chứ chỉ hỗ trợ được vài ba trăm tỉ đồng thì không đáng kể.
TS Lương Hoài Nam cho biết, trước mắt có thể thấy rằng người dân được hưởng lợi vì giá rẻ, được kích cầu nhưng về lâu dài thì mức độ, tính cạnh tranh thị trường sẽ bị hạn chế, tạo ra hệ luỵ về lâu về dài. Do đó, việc giải cứu các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay bắt buộc phải dựa vào nguyên tắc đối xử bình đẳng và tạo ra cạnh tranh lành mạnh.
Xem thêm: odl.308148-gnohk-gnah-gnah-cac-ohc-iad-uu-taus-ial-iog-ihgn-neik/et-hnik/nv.gnodoal