Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa công bố, trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỉ USD - bằng 81,1% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn thực hiện ước đạt 13,76 tỉ USD - bằng 96,8% so với cùng kỳ.
Nhiều lợi thế
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho hay việc mở lại một số đường bay quốc tế đã tạo điều kiện để các chuyên gia tới Việt Nam. Từ đó, quá trình hợp tác đầu tư, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ nay đến cuối năm 2020, đặc biệt trong năm 2021, được thúc đẩy.
Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực ở Việt Nam. Riêng trong tháng 9, có một số dự án lớn như 2 dự án trang trại điện gió BT1 và BT2 của Philippines với tổng vốn đầu tư 295 triệu USD tại Quảng Bình; dự án nhà máy sản xuất sợi Brotex Việt Nam (Trung Quốc) tại Tây Ninh điều chỉnh tăng vốn thêm 50 triệu USD.
Bộ KH-ĐT đánh giá kết quả trên tuy giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn tốt hơn nhiều quốc gia khác nếu xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.
Samsung hiện vẫn là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy Samsung tại Khu Công nghệ cao TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, trong đó có sự dịch chuyển trụ sở sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn lớn, Việt Nam đang có nhiều lợi thế. Quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm do thuận lợi về ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị, điều kiện đất đai, nhân lực và kiểm soát tốt dịch Covid-19.
Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN - Nam Á, cho rằng với những yếu tố nền tảng mạnh mẽ như dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, thị trường nội địa đang phát triển, nền kinh tế mở…, Việt Nam tiếp tục mang đến cơ hội đầu tư hấp dẫn. Nhiều công ty khởi nghiệp và các tập đoàn đa quốc gia đã thiết lập hoạt động tại Việt Nam nhằm tận dụng khoảng cách địa lý gần và khả năng kết nối với các thị trường châu Á để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Tập đoàn Panasonic hồi tháng 6 cho biết đã lên kế hoạch dời nhà máy sản xuất ở Thái Lan sang Việt Nam. Đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc sản xuất toàn cầu của tập đoàn. Panasonic đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng về cả quy mô nội địa lẫn xuất khẩu; là nền kinh tế năng động, tốc độ tăng trưởng cao, dân số đông, môi trường và văn hóa khá quen thuộc, tương đồng với Nhật Bản. Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ, cần cù và học hỏi nhanh, đó là tài sản lớn đối với DN. Các DN cũng được hưởng chính sách ổn định tại Việt Nam.
"Panasonic đã đầu tư khoảng 243 triệu USD vào Việt Nam, với nguồn lao động xấp xỉ 8.000 người. DN đã xây dựng mô hình kinh doanh toàn diện từ nghiên cứu phát triển, sản xuất, tiếp thị đến bán hàng và cung cấp dịch vụ với 5 công ty sản xuất trên cả nước. Chúng tôi cam kết sẽ trở thành một phần của Việt Nam" - đại diện Panasonic Việt Nam nhấn mạnh.
Tạo hành lang thông thoáng hơn nữa
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho hay nhiều hiệp hội DN nước ngoài đánh giá Việt Nam đang có vị thế tốt để đón đầu cơ hội kinh doanh mới và đẩy mạnh phát triển kinh tế ổn định, nhờ cách tiếp cận chủ động song hành, vừa chống dịch Covid-19 vừa kích thích kinh tế.
"Giải ngân vốn FDI năm nay có thể đạt được mục tiêu đề ra khoảng 21-22 tỉ USD trong điều kiện hiện tại. Có điều, các bộ, ngành, chính quyền địa phương và ban quản lý các KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao cần ý thức đầy đủ, mạnh mẽ hơn về việc lựa chọn dự án, nhà đầu tư để đạt chất lượng thu hút FDI cao hơn thời gian tới" - GS Nguyễn Mại nói.
Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài dẫn chứng, nhược điểm trong thu hút vốn FDI thời gian qua là các nhà đầu tư từ Mỹ, EU ở Việt Nam còn quá khiêm tốn. Tính lũy kế đến năm 2019, trong tổng số 246 tỉ USD vốn FDI thực hiện ở Việt Nam, Mỹ và châu Âu chiếm chưa tới 8% (khoảng 20 tỉ USD). Các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… theo yêu cầu của Nghị quyết 50 năm 2019 của Bộ Chính trị cũng chưa nhiều.
Để thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam với tinh thần dọn tổ đón "đại bàng", ông Trần Quốc Phương cho biết thời gian qua, Bộ KH-ĐT đã chủ trì các cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với nhiều đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp). "Qua các cuộc xúc tiến đầu tư này, rất nhiều DN lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam. Họ đều bày tỏ sự quan tâm tới định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, thể hiện trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về việc mời gọi những dự án quy mô lớn, thân thiện môi trường, có tác động lan tỏa, công nghệ hiện đại, có kết nối với DN Việt Nam" - ông Trần Quốc Phương cho biết.
Nhằm chuẩn bị đón dòng vốn FDI dịch chuyển từ các quốc gia khác sang Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH-ĐT, cho hay Việt Nam đã sửa đổi Luật DN, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam. Bộ KH-ĐT cũng đang tiến hành rà soát quỹ đất KCN, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn…
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng là tổ phó thường trực để tập trung tháo gỡ những nút thắt về đầu tư, thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao.
Tạo điều kiện để chuyên gia nhập cảnh làm việc
Theo Bộ KH-ĐT, dù hàng ngàn chuyên gia đã được hỗ trợ nhập cảnh Việt Nam làm việc nhưng vẫn còn số lượng lớn chưa thể trở lại, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án.
Đại diện Panasonic Việt Nam cho hay với tình hình dịch bệnh hiện nay, DN muốn biết kế hoạch cụ thể về việc di chuyển, xuất nhập cảnh và thúc đẩy các chuyến bay thương mại quốc tế ở Việt Nam. Bởi lẽ, DN cần đưa chuyên gia nhập cảnh Việt Nam để làm việc.
Xem thêm: mth.7803321240010202-ut-uad-tuh-uht-gnas-meid/et-hnik/nv.moc.dln