Nổi bật nhất trong bộ sưu tập cây cảnh của anh Mười ở Hà Nội là tác phẩm sanh cổ “Thành đồng Tổ quốc” cao hơn 2 m, tán rộng hơn 3 m, có giá trị hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, anh Mười còn có tác phẩm “Tiên lão giáng trần”. Tuy nhiên hồi đầu năm nay, anh đã chuyển nhượng cho một người cùng ở Thường Tín, Hà Nội với giá 16 tỷ đồng. Sau vài tháng, người này đã chuyển nhượng cho một đại gia ở Phú Thọ với giá 28 tỷ. Được biết, vụ thương lượng cây cảnh này gây choáng váng trong giới chơi cây cảnh.
Vì niềm đam mê cây mãnh liệt mà anh Mười đã đầu tư hết tiền vào cây cảnh. Anh từng chia sẻ, đã có Tết trong nhà anh không có một đồng, phải đi vay anh em tiền để vợ con có tiền tiêu.
Xuất phát điểm là một người nông dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng cuối cùng, cái duyên gắn anh với "nghiệp" cây cảnh. Sau nhiều năm gắn bó với cây cảnh, anh đã có 2 tác phẩm "để đời", được giới chơi cây cả nước biết đến là "Thành đồng Tổ quốc" và "Tiên lão giáng trần".
Siêu cây "Thành đồng Tổ quốc" khiến nhiều người ngạc nhiên bởi vẻ đẹp độc đáo, khó tìm. Đã có nhiều đại gia trả giá cao nhưng anh Mười chưa bán, đặc biệt đã có cuộc ngã giá cây sanh cổ này lên đến 1 triệu USD nhưng chủ nhân vẫn chưa muốn chuyển nhượng.
Chia sẻ với báo Đất Việt anh Mười cho biết: “Đây là tác phẩm để đời, gắn bó với mình 10 năm nay. Hễ đi xa lại nhớ cây, khi về ngắm cây lại thấy thanh thản”.
Chủ nhân cây sanh cổ vẫn muốn chăm sóc tạo dáng hoàn mỹ hơn cho cây. Theo anh Mười "khoảng 3 năm nữa hoàn thiện bộ răm thì tính sau, thực sự tác phẩm để đời bán đi như bán từng "khúc ruột" của mình", chủ nhân siêu cây chia sẻ.
Để sở hữu siêu cây có giá "khủng" như vậy anh Mười đã dành nhiều thời gian săn đón người chủ cũ là một gia đình địa chủ xưa từ cách đây 10 năm thì mới được bán cho. Sau khi mua về, anh bắt tay vào tạo tác, hiện tại cây có vẻ đẹp khiến nhiều người trong giới chơi cây cảnh khen ngợi.
Ngoài tác phẩm “Thành đồng Tổ quốc”, trong vườn của anh Mười còn có nhiều cây sanh cổ có giá trị tiền tỷ, tiêu biểu như tác phẩm “Phúc lộc thọ”.
Trúc Chi (tổng hợp)