Bộ Tài chính đề nghị sớm thu phí các dự án cao tốc đầu tư công
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Hiện có 11 dự án đường cao tốc được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã và đang dần được đưa vào sử dụng nhưng chưa có phương án thu phí. Việc này cần sớm được tiến hành để tránh những hệ lụy về sau và có tiền tái đầu tư về cho ngân sách, bào trì hạ tầng.
Cao tốc TPHCM - Trung Lương thường xuyên bị quá tải sau khi ngưng thu phí. Ảnh: Anh Quân |
Chính phủ mới cho khởi công ba dự án đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Trước đó, hai tuyến cao tốc khác trên cung đường này đều đang xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, thay cho kêu gọi các thành phần PPP không thành. Các dự án này nối dài vào danh sách 11 dự án cao tốc đã và đang đầu tư ở Việt Nam nhưng không có phương án thu phí, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Trong số các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư là TPHCM - Trung Lương có thu phí sử dụng đường bộ từ 2011 đến hết 2018. Nhưng từ 2019 đến nay dừng thu phí dẫn đến tính trạng các phương tiện đổ dồn về tuyến đường này, gây ra áp lực rất lớn lên hạ tầng và an toàn giao thông.
Hiệp hội các nhà đầu tư công trình đường bộ (VARSI) đã từng gửi văn bản đến Bộ GTVT, Bộ Tài chính phản ánh việc không thu phí từ năm 2019 trên tuyến đường này gây lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, thất thu ngân sách và không giúp tái đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia.
Nếu tiếp tục thu phí trên tuyến đường trên, thì mỗi năm dự kiến thu được khoảng 880 tỉ đồng. Trong khi đó chi phí tổ chức thu phí chỉ mất khoảng 52,8 tỉ đồng. Số tiền còn lại nộp ngân sách khoảng 827 tỉ/năm, tương đương với 20,6 tỉ đồng/km đường cao tốc/năm. Đây là một nguồn thu rất lớn.
Mặt khác, số tiền thu được từ phí sử dụng đường bộ hàng năm thu được khoảng 9.000 tỉ đồng và 3.000 tỉ đồng ngân sách cấp thêm không đủ đáp ứng việc bảo trì và gây ra những gánh nặng lớn cho ngân sách.
Do đó, việc thu phí 11 tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách, bao gồm cả tuyến TPHCM - Trung Lương là rất cần thiết. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký tờ trình Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bản dự thảo Quy định về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Bản dự thảo này muốn hướng đến phương án đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc theo quy định pháp luật về giá. Theo đó, danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ được bổ sung phí dịch vụ này. Bộ GTVT sẽ quy định mức tối đa phí cao tốc trên các tuyến đường do trung ương quản lý và UBND cấp tỉnh sẽ quy định mức phí trên các tuyến do địa phương quản lý.
Thực hiện theo cách này sẽ đồng bộ được cả mức thu phí dịch vụ các dự án BOT liền kề, tạo thuận lợi cho việc khai thác các đường cao tốc do nhà nước đầu tư khi chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn liên doanh...để các nhà đầu tư thấy được mức hấp dẫn hợp lý khi thu hút đầu tư.
Bộ Tài chính tính toán, mức thu phí dịch vụ sẽ được tính toán trên cơ sở tổng mức đầu tư dự án và thời gian thu hồi vốn dự án. Hết thời gian thu hồi vốn, sẽ dừng thu phí như các dự án được đầu tư PPP.
Theo tính toán, mỗi năm, nhà nước cần hơn 342 ngàn tỉ đồng (2020) và cần hơn 599 ngàn tỉ đồng (2030) để đầu tư các tuyến cao tốc. Trong khi đó, nguồn thu quay về từ các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư hiện lại còn bỏ ngỏ.
Xem thêm: lmth.gnoc-ut-uad-cot-oac-na-ud-cac-ihp-uht-mos-ihgn-ed-hnihc-iat-ob/430903/nv.semitnogiaseht.coaid