Nói về những bác sĩ điển trai cực hot trên mạng xã hội, có lẽ sẽ là thiếu sót lớn nếu không có mặt BS Dương Minh Tuấn (tên thường gọi là BS Pu).
BS Dương Minh Tuấn hiện đang là bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành nội khoa, công tác tại Bệnh viện Bạch Mai. Hiện tại, BS Tuấn đang tham gia một dự án của Bộ Y tế ở vùng sâu vùng xa tình nguyện. BS Tuấn chọn vùng đất Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình và đã lên đây làm được 8 tháng.
Trở thành bác sĩ không phải là ước mơ từ bé...
Nở nụ cười tỏa nắng ấm áp, BS Dương Minh Tuấn tâm sự, thực ra nghề bác sĩ không phải là ước mơ của anh. Thời gian học cấp 3, anh học khá đều các môn, đến ngày thi đại học mới quyết định chọn thi trường nào.
"Nghe người ta nói "nhất y nhì dược" nên mình chọn thi cả 2 trường. Sau khi biết tin đỗ cả 2 nơi, mình cũng khá phân vân. Khi ấy bố mẹ và gia đình động viên nhiều, nói rằng ngày xưa ông ngoại cũng từng làm y sĩ trong bệnh viện mà sau đời ông không có ai theo nữa cả, vậy là mình chọn học y. Bởi tuổi thơ mình lớn lên và được ông ngoại chỉ dạy cho rất nhiều, kể cả khoảng thời gian cuối đời của ông, khi đưa ông từ Huế về lại Hà Nội, mình cũng ngồi cạnh", BS Tuấn chia sẻ.
Lựa chọn vào học ở trường y, vào những năm đầu tiên, cậu sinh viên Dương Minh Tuấn vẫn còn chưa thích lắm, thậm chí nhiều lần nhăm nhe ý định từ bỏ. "Đến khi đi bệnh viện, chứng kiến nhiều câu chuyện buồn có, vui có ở nơi ấy, nhìn nụ cười của những người bệnh nặng thập tử nhất sinh vẫn có thể được chữa lành, khi ấy bắt đầu thấy thích hơn". Tình yêu nghề của BS Tuấn đã lớn dần lên từ những ngày đầu tiên ấy.
Đặc biệt, trong thời gian học y, BS Tuấn phải trải qua 2 biến cố lớn. Đó là sự ra đi đột ngột của bố, rồi người bạn thân nhất của anh. Quãng thời gian ấy, BS Tuấn nhiều lúc suy sụp, muốn buông bỏ chuyện theo đuổi nghề. Điều ấy càng trở nên đỉnh điểm khi một lần trực cấp cứu, sau khi bệnh nhân được anh cấp cứu không qua khỏi. Lúc đó, anh vô cùng buồn bã, đi ra ngoài hành lang ngồi suy nghĩ, có lẽ nào nên buông bỏ nghề khi bản thân không thể cứu khỏi người bệnh trước lưỡi hái tử thần?
Nhưng cũng chính vào thời điểm đó, bỗng nhiên một ông bố trẻ từ đâu xuất hiện và ôm chầm lấy anh, khoe rằng con mình vừa ra đời và cả hai mẹ con đều khỏe mạnh sau một ca sinh khó. "Khi ấy tự dưng mình nhìn thấy rất rõ một điều rằng sự sống vẫn luôn tiếp tục, khi nơi đây có một ai đó qua đời thì ở đâu đó lại có một đứa trẻ ra đời. Nơi đây mình buồn nhưng ở đâu đó vẫn còn rất nhiều niềm vui, vậy tại sao mình lại phải dừng lại, phải bỏ cuộc. Nghĩ thế và mình tiếp tục cố gắng".
Tình yêu nghề cứ ngày một lớn dần, khiến BS Tuấn ngày càng thêm gắn bó hơn từ những câu chuyện buồn vui như thế.
Mỗi ca bệnh đều là một kỷ niệm trong đời
BS Tuấn chia sẻ, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, với anh, mỗi ca bệnh đều để lại ấn tượng, để lại kỷ niệm, giờ nhiều khi nhìn bệnh mà biết bệnh nhân chứ cũng không nhớ hết tên từng người. Dẫu vậy vẫn có một số ca ấn tượng hơn cả.
Đó là một bệnh nhân nữ, 14 tuổi, nhập viện vì ngộ độc Paraquat (thuốc diệt cỏ). Hàng ngày em vẫn ngồi cười nói, thi thoảng trầm ngâm tâm sự rằng em thấy hối hận thế nào vì đã uống chai thuốc ấy để tự tử sau lần tranh cãi với bố mẹ và bố em chỉ lỡ nặng lời nói rằng ông không cần có một đứa con như em sống trên đời. Một buổi sáng, em đã vào đợt suy hô hấp cấp, được đặt nội khí quản thở máy. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh và em không qua khỏi. Ngay phía đầu giường em vẫn treo tấm phim X-quang phổi với hai phế trường trắng xóa.
Đó là bệnh nhân nam 68 tuổi, nhập viện vì lý do ngừng tuần hoàn sau tai nạn đuối nước đã được cấp cứu kịp thời nhưng tiên lượng nặng.
Theo lời cháu của bệnh nhân kể lại: Bệnh nhân cả đời ở quê làm ruộng, mơ ước một lần được đưa vợ ra biển để coi biển hình dáng ra sao, mà bà đi trước ông cách đây 5 năm rồi nên ông không thiết tha nữa. Cả nhà ai cũng nghèo, cô bác cố gắng tích cóp mãi cũng đủ tiền, liền động viên ông để ông đi biển một lần này cùng cả nhà, nói mãi ông mới gật đầu. Ngày được đứng trước biển, ông gạt nước mắt gọi tên bà, thương lắm. Nào ngờ đâu chiều hôm ấy...
Đó là bệnh nhân nam 40 tuổi, tỉnh táo hoàn toàn, da hồng hào, ngồi hút sữa rùn rụt, nói chung rất khác biệt so với các giường bệnh còn lại toàn những bệnh nhân đặt nội khí quản thở máy. Hỏi ra mới biết bệnh nhân đang theo dõi nhồi máu cơ tim ngày thứ 5. Lúc BS Tuấn đi khám, bệnh nhân còn khoe sắp được ra viện, về nhà còn kịp sinh nhật cậu con trai học giỏi vừa nhận 2 học bổng toàn phần đi Mỹ. Vừa nói, bệnh nhân còn vừa lôi một tấm ảnh đặt dưới gối ra cho bác sĩ xem. Nhìn gương mặt tự hào của chú khi kể về con trai khiến BS Tuấn thấy rất xúc động.
Đêm hôm ấy, đến viện đã thấy bệnh nhân nằm bất động, người lạnh ngắt. Chưa kịp hỏi thì chị điều dưỡng đi qua đã thở dài: "Bệnh nhân vừa tử vong rồi bác! Cả tối cấp cứu rồi hồi sức tích cực mà không được".
Lúc gia đình vào đưa chú về, chợt nhớ ra điều gì, BS Tuấn nhắc cậu con trai: "Dưới gối của chú có cất đồ, chú bảo là tài sản lớn nhất của đời chú, anh nhớ mang về!". Cậu con trai gật đầu cảm ơn, khẽ nhấc gối lên rồi bật khóc.
Những câu chuyện như vậy khiến BS Tuấn nhận ra sự vô thường của cuộc đời càng được nhìn rõ hơn nơi bệnh viện. Cuộc sống thật chẳng dài nhưng chúng ta thường bị cuốn theo cơm áo gạo tiền mà quên mất sức khỏe của bản thân. "Nên mình vẫn luôn thích câu nói của Steve Jobs: "Cái giường nào đắt giá nhất trên đời? Đó là giường bệnh viện, vì nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xế lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn", BS Tuấn chia sẻ.
Nhiều năm trong nghề, BS Dương Minh Tuấn cũng nhiều lần gặp khó khăn trong việc chăm sóc cũng như điều trị bệnh nhân. Anh nhận định, "nhân vô thập toàn", mình không thể lúc nào cũng làm tốt hết tất cả mọi việc. Chính vì thế, bác sĩ cũng được đào tạo theo nhiều chuyên khoa, để cùng hỗ trợ nhau mỗi khi khó khăn như thế.
Đối với BS Tuấn, nếu khó khăn trong chuyên khoa, anh thường xin ý kiến những người đi trước, nhiều khi còn phải hỏi cả các đồng nghiệp khóa sau vì họ có thể giỏi hay biết nhiều thứ mà bản thân mình chưa biết. "Kiến thức là bao la, thành ra mình không ngại khi phải đi hỏi người khác đâu, không giấu dốt, tự tin vào hiểu biết của mình nhưng không bao giờ tự cao cho rằng mình biết hết. Hỏi rồi nhiều lúc cũng bị nói là dốt lắm nhưng không sao cả, quan trọng là làm được điều tốt nhất cho bệnh nhân là được rồi", BS Tuấn cười nói.
Nhận định về nghề bác sĩ, BS Tuấn nói, đây là nghề nghiệp thực sự vất vả nhưng cũng rất ý nghĩa. Nghề y là nghề làm việc với sinh mạng con người, kiến thức phải luôn trau dồi để hạn chế sai sót đến mức tối thiểu, cũng là vì làm việc với sinh mạng con người mà bác sĩ cũng phải rất can đảm khi đưa ra quyết định điều trị.
Viết lách để giải tỏa căng thẳng trong công việc, chuyện hẹn hò nếu có "chắc người đó sẽ phải có một trái tim bao dung lắm"
Ngoài những lúc tất tưởi chạy cấp cứu, vội vàng chạy đến giường bệnh..., BS Tuấn còn là một cây bút trẻ vô cùng được yêu thích trên mạng xã hội. Anh có ra mắt 2 cuốn tản văn mang tên "Lạc Quan gặp Niềm Vui ở quán Nỗi buồn và những chuyện chưa kể" và "Những đứa trẻ không bao giờ lớn". Đây đều là những câu chuyện và trải nghiệm thật của anh trong cuộc sống, công việc và gia đình.
Thực ra, BS Tuấn chưa từng có ý định làm một tác giả hay ra một cuốn sách. Ngày trước anh chỉ hay viết và chia sẻ trên mạng. "Rồi một ngày đẹp trời, một chị chủ động nhắn tin hỏi liệu mình có thể tập hợp các bài viết ấy, chỉnh sửa lại để chị giúp mình in một cuốn sách không. Khi ấy trong đầu mình nghĩ: "Tại sao không nhỉ? Vậy là có một thứ để đời mà!", thế là mình đồng ý và thành quả là 2 cuốn sách mình nói ở trên", BS Tuấn kể.
Viết lách là một cách giúp BS Tuấn giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống cũng như công việc, cảm giác viết được ra nỗi lòng và cảm xúc của mình nên rất dễ chịu. Đây cũng chính là một cách cực hiệu quả mà BS Tuấn dùng để giải tỏa stress sau mỗi ngày làm việc mệt nhoài.
Chia sẻ thêm về cuộc sống riêng tư, BS Tuấn cho biết, hiện tại anh vẫn độc thân nhưng "nếu có người yêu mình, chắc người đó cũng sẽ phải có một trái tim bao dung lắm vì thời gian bên người bệnh còn nhiều hơn bên họ".
Bố mất sớm, bù lại cho BS Tuấn một người mẹ rất tâm lý và yêu thương con. "Công việc bận và lại ở xa nên mẹ ở nhà một mình vất vả và sẽ tủi thân lắm. Mình hay tranh thủ thời gian rảnh về chơi với mẹ, ngồi ăn rồi nói chuyện với mẹ như hai người bạn vậy".
Phương châm sống của bản thân: Hãy luôn sống tử tế và tích cực!
BS Tuấn nhận định, tử tế và tích cực có lẽ là điều mình luôn được dạy từ nhỏ và cho đến giờ vẫn là phương châm sống của bản thân. "Để sống tử tế, mình nghĩ điều đầu tiên là phải sống thật, thật với chính mình và thật với mọi người xung quanh. Dĩ nhiên là cũng phải giữ một vài điều cho bản thân mình rồi. Còn để sống tích cực, mình nghĩ đó là cả một quá trình rèn luyện. Bởi nỗi buồn, sự ích kỷ, sự tức giận, cái tôi… luôn có cách xâm chiếm tâm trí và làm mình không đủ bình tĩnh để nhìn lại thật sâu vấn đề.
Nên mình nghĩ cuộc đời thi thoảng tô hồng lên cũng tốt, nghĩa là mình nhìn câu chuyện theo một hướng nhẹ nhàng hơn, dịu dàng hơn, vui vẻ hơn. Giống như bố mình vẫn hay bảo: "Cuộc đời này vốn rất công bằng, chỉ là công bằng không có nghĩa là bằng nhau", đấy, nhìn công bằng được như thế thì không bao giờ mình thấy cuộc đời đối xử bất công với mình cả, cuộc đời lúc nào cũng đáng yêu".
Hiện tại, BS Tuấn sẽ hoàn thành chương trình tình nguyện 3 năm nơi biên giới rồi trở về Bệnh viện Bạch Mai công tác tiếp. "Mình cũng chưa có ý tưởng cho cuốn sách tiếp theo vì với mình cuộc sống là tập hợp của những trải nghiệm và mình muốn tìm kiếm những trải nghiệm mới để có thể trải lòng với mọi người. Có thể đi hết 3 năm nơi đây mình lại có một cuốn sách nữa cũng nên. Còn làm bác sĩ hay viết sách, dù ở biên giới hay thủ đô, mình mong có thể giúp được nhiều người, bằng cách này hay cách khác", BS Tuấn nói.
Tiểu Nguyễn
Tri thức trẻ