Giá rẻ bất ngờ
Lần theo các trang mạng rao bán bào ngư trên mạng xã hội, PV Báo CATP đã tiếp cận với admin với tư cách người mua hàng và được chào mời hết sức nhiệt tình. Một trang mạng bán bào ngư có địa chỉ ở Q.Bình Tân cho biết, 1kg bào ngư tại "cửa hàng" này có giá 350.000 đồng cho loại 40-60 con/kg, 450.000 đồng/kg size vừa 20-25 con và 590.000 đồng/kg size lớn 10-12 con. Tính ra chỉ dao động từ 10-40.000 đồng/con, thậm chí người bán còn quảng cáo nếu lấy sỉ giá còn rẻ hơn rất nhiều.
Tại một "cửa hàng" khác có kèm theo cả dịch vụ ưu đãi cho những khách hàng mua với số lượng lớn. Theo đó, nếu mua từ 10kg trở lên, cửa hàng sẽ giao hàng tận nơi kèm thêm chế biến sẵn nếu người mua có nhu cầu. Ngoài ra, nếu mua 1kg bào ngư sẽ được tặng thêm 1/2kg ruột hàu sữa (75.000 đồng)...
Giải thích về nguyên nhân giá bào ngư rẻ bất ngờ, đa số các "chủ cửa hàng" đều lý giải: "Do dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay nên Hàn Quốc không thể xuất khẩu bào ngư được khiến hàng tồn đọng số lượng lớn". Khi chúng tôi thắc mắc về chất lượng cũng như nguồn gốc sản phẩm "bào ngư Hàn Quốc", họ đều bảo rằng có giấy kiểm định chất lượng và giấy tờ nhập khẩu. Nhưng khi chúng tôi yêu cầu những giấy tờ chứng minh thì người bán lơ đi, vẫn khẳng định đây là bào ngư nhập khẩu Hàn Quốc 100%.
Khảo sát tại các cửa hàng bán hải sản nhập khẩu uy tín trên địa bàn TPHCM thì giá cả so với online lại có sự chênh lệch đáng kể. Theo một chủ cửa hàng tại Q1, giá bào ngư tại cửa hàng này dao động không dưới
1 triệu đồng/kg với các loại size khác nhau, cụ thể 950.000 đồng/kg size 30-40 con, 1.300.000 đồng/kg size 20-25 con và 2.000.000 đồng/kg size 10-12 con.
Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, người tiêu dùng nên cẩn thận với những lời mời chào mua bào ngư giá rẻ từ các trang mạng xã hội. "Bào ngư Hàn Quốc và Trung Quốc khác nhau hoàn toàn về cách thức nuôi nên giá cũng sẽ có sự chênh lệch lớn. Cụ thể, ở Hàn Quốc, các ngư dân nuôi thả một cách tự nhiên theo phương pháp quảng canh.
Nghĩa là bào ngư được nuôi thả tự nhiên ở biển, thức ăn chủ yếu là các loài tảo biển, rong biển tự nhiên. Ngược lại, bào ngư Trung Quốc được nuôi bằng phương pháp công nghiệp, các hộ nuôi tại nước này tích cực nhân giống, khiến số lượng bào ngư thu hoạch trong năm lớn, nhưng chất lượng lại thấp hơn so với bào ngư Hàn Quốc", đại diện hiệp hội cho biết.
Một chuyên gia trong ngành khuyến cáo, bào ngư không những là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe của con người mà còn là một phương thuốc Đông y vô cùng quý, nhưng người tiêu dùng cần chú ý hơn về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Đừng vì "ham rẻ” mà bất chấp mua những thực phẩm kém chất lượng. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chính mình và gia đình.
Vấn nạn che giấu nguồn gốc
Bào ngư Trung Quốc "đội lốt" thương hiệu từ các quốc gia khác chỉ là một trong rất nhiều vụ việc che giấu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa diễn ra từ nhiều năm nay. Trong ngành nông nghiệp, các loại quả như đào, mận xanh, nho xanh... có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc tràn ngập trên các nẻo đường Việt Nam với lời rao là hàng Việt. Theo đó, những sản phẩm như đào Sa Pa, nho xanh Ninh Thuận có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc được rao bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại của Việt Nam.
Chính vì giá cả hợp túi tiền với người tiêu dùng nên những sản phẩm này vẫn được ưa chuộng, dù chưa rõ về chất lượng. Mặc dù trước đó báo chí đã đưa nhiều thông tin hoa quả Trung Quốc tẩm nhiều chất bảo quản nên vỏ đẹp mà ruột hỏng, nhưng hiện chưa có căn cứ chứng minh hoa quả Trung Quốc có ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau củ quả Việt Nam, việc "đội lốt" này là do các tiểu thương, người bán hàng rong rêu rao. Chứ thực tình các doanh nghiệp từ Trung Quốc khi bán hàng không có chủ đích này. Chỉ vì tâm lí muốn bán được hàng nên các tiểu thương che giấu nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm này.
"Nói đúng ra việc che giấu nguồn gốc xuất xứ không ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh hàng hóa của rau quả Việt Nam. Tuy nhiên sức khỏe người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng, nếu ăn phải những sản phẩm không đạt chất lượng. Do đó người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những chiêu trò này để tự bảo vệ bản thân mình", ông Nguyên nói.
Một nguyên nhân khiến việc xử lý những hành vi gian lận thương mại nêu trên là khó xác định được địa chỉ người bán. Trong trường hợp người bán có địa chỉ đàng hoàng thì có thể xử lý, nhưng cũng có không ít là người bán hàng rong thì việc quản lý sẽ rất khó khăn.
Trước vấn nạn này, thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần vào cuộc kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý thị trường. Các bộ ngành liên quan như Bộ Công thương, lực lượng quản lý thị trường cần vào cuộc kiểm tra, xử lý các cửa hàng bán hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hoa quả. Vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như hình ảnh của rau quả Việt.
Xem thêm: lmth.477001_ioh-ax-gnam-nert-nal-nart-nab-tol-iod-couq-gnurt-ugn-oab/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc