Trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế giá điện cố định (giá FIT) sang cơ chế đấu thầu cho các đối tượng dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực và không đủ điều kiện áp dụng giá FIT, Bộ Công Thương đề xuất thực hiện Chương trình thí điểm xác định giá điện mặt trời.
Cơ chế giá FIT bộc lộ hạn chế
Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình thí điểm xác định giá điện mặt trời.
Trước đó, để khuyến khích phát triển điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11 và Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó ban hành giá mua bán điện cố định cho các dự án điện mặt trời (cơ chế FIT).
Theo đó, Quyết định cho phép nhà đầu tư được hưởng giá FIT trong vòng 20 năm nếu nhà máy điện đạt được ngày vận hành thương mại trong thời hạn áp dụng giá FIT theo quy định.
Cơ chế hỗ trợ giá cố định quy định tại Quyết định 11 và Quyết định 13 đã tạo động lực phát triển tốt thị trường công nghệ mới về năng lượng mặt trời ở Việt Nam.
Tuy nhiên, chính sách FIT có một số hạn chế. Các dự án tập trung phát triển tại khu vực có tiềm năng tốt dẫn đến quá tải lưới điện tại một số khu vực, ảnh hưởng ổn định lưới điện, gia tăng cạnh tranh về đất đai. Cơ chế quyết định giá như hiện nay khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường.
Theo bộ Công Thương, trong ba năm vừa qua, điện mặt trời của Việt Nam đã phát mạnh mẽ, tổng công suất lắp đặt tăng nhanh, thị trường sản xuất thiết bị, cung cấp dịch vụ mở rộng. Vì vậy, chính sách và quy định về phát triển điện mặt trời cần được xem xét, nghiên cứu điều chỉnh để hướng tới tiệm cận thị trường cạnh tranh, đồng thời đảm bảo tăng cường hiệu quả quản lý, đầu tư và vận hành hệ thống ổn định, chất lượng.
Nhiều dự án điện mặt trời đang xếp hàng chờ đợi
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện nay có 8 dự án điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất khoảng 610 MW không đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá điện cố định quy định tại Quyết định 13; 21 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương bổ sung quy hoạch của Văn phòng Chính phủ và 103 dự án điện mặt trời đã hoàn thành thẩm định hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch với tổng công suất khoảng 10.000 MW. Các dự án này hiện đang chờ chính sách mới về phát triển điện mặt trời để tiếp tục quyết định đầu tư.
Trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế giá điện cố định sang cơ chế đấu thầu cho các đối tượng dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực và không đủ điều kiện áp dụng giá FIT quy định tại Quyết định 11, Quyết định 13, Bộ Công Thương đề xuất thực hiện Chương trình thí điểm xác định giá điện mặt trời.
Chương trình thí điểm này chỉ áp dụng đối với các dự án điện mặt trời trong quy hoạch phát triển điện lực; chỉ áp dụng một lần đối với dự án điện mặt trời nổi và một lần đối với dự án điện mặt trời mặt đất.
Giá trần điện mặt trời của Chương trình thí điểm áp dụng giá mua bán điện quy định tại Quyết định 13/2000/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2020 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Các dự án điện mặt trời tham gia Chương trình thí điểm có giá bán điện đề xuất từ thấp đến cao, dưới mức giá trần quy định sẽ được lựa chọn để phát triển cho đến khi đạt tông quy mô công suất của Chương trình thí điểm quy định.
Tổng quy mô công suất các dự án được lựa chọn phát triển điện mặt trời trong Chương trình thí điểm: tối đa bằng 60% tổng quy mô công suất các dự án tham gia Chương trình thí điểm. Tổ chức xác định giá điện để lựa chọn phát triển dự án điện mặt trời: Từ tháng 11.2020 đến tháng 5.2021. Chuẩn bị, thực hiện đầu tư và vào vận hành thương mại từ năm 2021 đến 30.6.2022.
Xem thêm: odl.803248-neid-aig-taux-ed-ut-ut-uad-ahn-iort-tam-neid-aig-hnid-cax-meid-iht/gnourt-iht/nv.gnodoal