Còn ông Trần Quốc Việt (50 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) trong vai trò shipper miễn phí 15 năm nay đã giúp vận chuyển rau củ quả, thực phẩm cho nhiều cơ sở từ thiện khắp các tỉnh miền Tây.
“Đôi chân” của bệnh nhân chạy thận
Năm 2012, con trai ông Ai là anh Phạm Thái Thiện Minh (26 tuổi) bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối khi đó còn là sinh viên năm nhất Trường Đại học An Giang. Trong khi đó vợ ông thì bỏ đi biệt tăm. Sau khi tiền bạc, của cải trong nhà dần lần lượt “đội nón ra đi”, ông Ai phải vay mượn, bán hết 5 công đất để bước vào hành trình duy trì sự sống cho con, lay lắt khắp các hành lang bệnh viện.
Năm 2018, cha con ông và 12 người khác được chuyển đến Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già neo đơn nằm trên đường Ngô Văn Sở (thuộc khóm Đông An, phường Mỹ Xuyên, TP.Long Xuyên) trú tạm. Chung cảnh khổ, rồi hàng ngày thấy 12 bệnh nhân suy thận lúc ốm đau không người thân chăm sóc, đi lại rất khó khăn, ông Ai quyết định trở thành người xe ôm bất đắc dĩ giúp đưa rước họ đến bệnh viện.
Ông kể: “Người bệnh chạy thận 3 lần/tuần, vậy nên từ lịch chạy thận của 12 người cũng kéo dài từ thứ 2 đến thứ 7. Bữa thì tôi đưa 7 người đi chạy thận, rồi rước về trung tâm ở. Hôm sau, tôi đưa những người còn lại”.
Mỗi ngày từ 3 giờ sáng, ông đã phải ngược xuôi đưa, rước người bệnh chạy thận đến bệnh viện và 19 giờ tối mới được nghỉ ngơi. “Điều buồn nhất là phải chứng kiến những người chạy thận đã cùng nhau gắn bó nhiều năm lìa đời. Vậy nên giúp được gì tôi sẽ giúp, hy vọng họ khỏe được ngày nào là hạnh phúc với tôi ngày đó” - ông bộc bạch.
Không còn tài sản, không tiền tích góp nên chi phí đổ xăng đối với ông Ai vượt quá tầm tay. Cảm phục nghĩa cử cao đẹp của ông, trung tâm cũng đã hỗ trợ khoản này để tiếp tục lo cho các bệnh nhân nơi đây.
Đi nhờ xe đến nay đã 4 năm, chị Trần Thị Thúy Oanh (38 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới) xúc động chia sẻ: “Gia cảnh khó khăn, chồng bị tai nạn mất sức lao động và còn phải lo cho con nhỏ nên nhiều năm qua, nhờ những cuốc xe miễn phí của chú Ai mỗi khi đến lịch chạy thận mà tôi mới đỡ lo phần nào”.
15 năm chuyên chở tấm lòng
Ông Việt từng là một người thợ sửa ô tô, nhưng theo nghề một thời gian thì bị cơn tai biến ập đến. Nghỉ việc, ông Việt đến Quang Đức tự (đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều) làm công quả: quét dọn, giữ xe cho những người viếng chùa. Tại đây, nghe nhiều tiểu thương ở chợ Tân An có tâm nguyện muốn gửi rau, củ đến các chùa làm công quả nhưng không có ai chở đi, ông Việt đã xung phong làm việc này.
Ông cho hay: “Lúc đầu chỉ chở rau, củ, sau này có nhiều người biết tôi làm shipper miễn phí nên họ muốn tặng quần áo hay bất cứ cái gì cho người nghèo thì đều gọi đến. Thế là tôi trở thành cầu nối các nghĩa cử cao đẹp lại với nhau, họ có tâm, mình có lòng”.
6 giờ sáng, chợ Tân An (đường Hai Bà Trưng) tấp nập người mua, kẻ bán nhưng rất nhiều người nhận ra ông shipper mặc chiếc áo đã sờn, chạy xe máy cũ và lúc nào cũng có 2 chiếc giỏ đệm thật to. Ghé chỗ bán rau của tiểu thương Lê Mẫn, ông Việt hỏi: “Hôm nay chị gửi gì chùa?”. Bà Mẫn tiếp lời: “Tôi gửi cho chùa 2 bịch bắp cải, 1 bịch mướp, rau mùi, dưa leo”. Xong xuôi, ông Việt tiếp tục chạy đến một tiểu thương gần đó lấy dưa leo, khoai lang, cà tím… treo đầy trên chiếc xe cà tàng.
Lấy hàng xong, ông Việt đem về nhà mình để sắp xếp lại theo thứ tự để giao chùa nào trước, chùa nào sau và các bếp ăn từ thiện. Ông chia sẻ: “Hôm qua, có chị Phật tử đưa tôi 300 ngàn đồng nhờ mua đậu hũ tặng cho Thiền viện Trúc lâm Phương Nam và chùa Phước Long Tự. Tôi đã đi mua từ sớm và để ở nhà, giờ phải đặt riêng đậu hũ vào sọt nhựa, nếu không cẩn thận chúng dễ bị vỡ, không còn ngon nữa”.
Sắp xếp xong mọi thứ, ông Việt tiếp tục hành trình từ nhà vào Thiện viện Trúc Lâm Phương Nam (huyện Phong Điền) và chùa Phước Long Tự (quận Cái Răng) để giao. Xong những điểm này, ông lại sang tỉnh Vĩnh Long đưa rau, củ cho một nơi khác và tham gia nấu ăn để phát cơm từ thiện cho người nghèo. Đến từng nơi giao hàng, ông Việt đều chụp hình lại và gửi cho những người đã ủng hộ.
Một ngày của người đàn ông này đều bắt đầu như thế và đã duy trì khoảng 15 năm nay, bất kể nắng mưa. Hiện ông Việt hiện sống cùng người mẹ già và vợ con trong một căn nhà nhỏ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Chị Phùng Kim Thảo (tiểu thương bán rau tại chợ Tân An) cho biết: “Mình lo buôn bán, ít có dịp đi chùa nên thường hay gửi khổ qua, dưa leo, cà tím, bầu cho chú Việt chuyển đến để làm công đức. Dù mưa hay nắng thì công việc này chú ấy duy trì đều đặn”.
Ngoài các chùa, điểm từ thiện tại TP.Cần Thơ, ông Việt còn vận chuyển rau, củ, thực phẩm đến tận những chùa xa xôi ở Hậu Giang. Cuối tuần, ông còn sang bếp ăn từ thiện tại tỉnh Vĩnh Long phụ nấu cơm, phát cháo miễn phí cho người nghèo. Mỗi tối, ông lại đến chùa Quang Đức dọn dẹp và giữ xe. Ông Việt tâm sự: “Ngoài làm việc thiện thì cũng là niềm vui của tôi khi về già”.
(Còn tiếp…)
Xem thêm: lmth.987001_ihp-neim-gnah-aud-iougn-av-mo-ex-ex-iat-2-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc