Các sàn TMĐT Trung Quốc lấn sang 'nông nghiệp sạch'
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Pinduoduo hy vọng việc số hóa chuỗi cung ứng nông nghiệp sẽ giải quyết hai vấn đề nghiêm trọng nhất của nền nông nghiệp manh mún ở Trung Quốc hiện nay, đó là thiếu lao động và sản lượng thấp.
Một người bán hàng của Pinduoduo đang livestream từ trang trại Côn Minh. Ảnh: Nikkei Asian |
Sàn thương mại điện tử chuyên cho hàng nông nghiệp có nguồn gốc và xuất xứ này cho phép nông dân kết nối với khách thành thị qua các buổi livestream, đón bắt nhu cầu mới sau dịch bệnh: Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến nông sản sạch và muốn chứng kiến đường đi của nông sản sạch từ trang trại đến bàn ăn nhà mình.
Cuộc thi nông nghiệp thông minh
Trung tâm nghiên cứu quốc gia công nghệ thông tin dành cho nông nghiệp ở Bắc Kinh đang tham gia vào cuộc thi do Pinduoduo tổ chức: trồng dâu tây bằng các phương pháp truyền thống hay các giải pháp dựa vào công nghệ Internet vạn vật (IoT).
Nhà nghiên cứu Lin Sen cùng các đồng nghiệp của anh làm việc chủ yếu ở Bắc Kinh, theo dõi canh tác trên cánh đồng thử nghiệm ở Côn Minh cách đó khoảng 2.800 cây số.
“Các bộ cảm ứng sẽ gửi dữ liệu qua điện toán đám mây về trung tâm, cho phép chúng tôi kiểm soát từ xa lượng nước tưới và nhiệt độ trong nhà kính”, Lin Sen giải thích khi dẫn phóng viên Nikkei Asian tham quan nhà kính.
Các bộ cảm biến đo đạc mọi thứ, từ độ cao của cây cho đến kiểm soát côn trùng gây hại. Mục tiêu của cuộc thi là xác định cách tốt nhất để có được vụ thu hoạch chất lượng cao nhưng đạt hiệu quả kinh tế nhất. Đây là một phần sáng kiến của Pinduoduo nhằm gia tăng chuỗi giá trị trong nông nghiệp.
“Chúng tôi sử dụng nông sản để xây dựng sự kết nối và thói quen người tiêu dùng trên nền tảng của mình và tăng trải nghiệm cho khách”, Phó Chủ tịch David Liu phát biểu.
Số hóa mô hình “từ trang trại đến bàn ăn”
Thời điểm đưa ra sáng kiến này là chín mùi, bởi khách hàng vẫn lo ngại về độ an toàn của các khu chợ ẩm ướt và các chợ thực phẩm sau đợt bùng phát dịch ở Vũ Hán và các nơi khác.
“Chúng tôi mua rau quả trên mạng thường xuyên hơn kể từ dịch bắt đầu. Tiện lợi và vệ sinh, nhãn sản phẩm cũng làm chúng tôi an tâm hơn”, bà Lina Xie - một công chức ở Thượng Hải - cho biết. Bà Xie thuộc nhóm người tiêu dùng trực tuyến rất quan tâm đến an toàn thực phẩm mà các trang thương mại điện tử như Pinduoduo đang nỗ lực đáp ứng với các loại nông sản chất lượng cao. Đây là phân khúc khách hàng mà Pinduoduo hiểu rõ.
Được “chống lưng” bởi đại tập đoàn Tencent, Pinduoduo là một sàn nông sản trực tuyến vào năm 2015 và nhanh chóng lên sàn Nasdaq. Đây cũng là cách Pinduoduo tạo sự khác biệt và tránh cạnh tranh trực tiếp với sàn Taobao của Alibaba và gã khổng lồ JD.com.
Một thời bị xem ở chiếu dưới, Pinduoduo đang phát triển nhanh chóng, chủ yếu bằng cách phục vụ nhóm khách muốn giá rẻ ở các thành phố nhỏ. Pinduoduo hiện có 683 triệu người dùng, theo sát và được dự báo sẽ sớm soán ngôi thứ hai của Taobao có 742 triệu người. Pinduo cũng đang thách thức vị trí số một của Alibaba.
Điểm mạnh bán hàng của Pinduoduo, trong tiếng Hoa có nghĩa là “nhắc thêm tên bạn bè”: Khách sẽ được giảm giá nếu nhắc hay tag tên người khác trên ứng dụng hoặc trong danh sách bạn bè của họ khi mua hàng. Sự hỗ trợ của Tencent cũng rất hiệu quả bởi nền tảng mạng xã hội của Tencent cũng giúp các thông điệp trên Pinduoduo lan tỏa nhiều hơn.
Các sản phẩm trực tiếp từ nông trại chiếm 136,4 tỉ nhân dân tệ, khoảng 20 tỉ đô la, tức là 13,6% giá trị thị trường của Pinduoduo trong năm ngoái. Nếu so với thời điểm năm 2015, Pinduoduo đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 100% - nghĩa là sau một năm lại tăng gấp đôi. “Chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong năm nay”, Phó Chủ tịch Liu nói.
Ông Liu cũng nói rằng tập đoàn hy vọng đạt doanh số 1.000 tỉ nhân dân tệ, hơn 148 tỉ đô la, trong vòng 5 năm tới. “Mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được”, ông Liu nói và chỉ rằng lượng nông sản chỉ chiếm 5% tổng lượng hàng hóa bán trên mạng.
Khi người tiêu dùng còn tránh các khu chợ ẩm ướt, thị trường giao nhận đồ ăn và rau quả trực tuyến sẽ đạt mức 882 tỉ nhân dân tệ vào năm 2022, tăng từ con số 394 tỉ của năm 2019 – theo ước đoán của hãng môi giới CLSA ở Hồng Kông.
Để tăng doanh thu, theo lời ông Liu, Pinduoduo sẽ tập trung vào “độ an toàn và mức độ tuyệt phẩm của nông sản”. Chẳng hạn, tập đoàn hợp tác với Cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ Singapore (ASTR) trong phát triển các xét nghiệm có giá thành rẻ, nhưng hiệu quả trong việc tìm các chất gây ô nhiễm. Dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2023, sau đó sẽ được Pinduoduo thương mại hóa.
“Đầu tư vào phần đắt tiền nhất trong chuỗi giá trị, cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả của mô hình từ nông trại đến bàn ăn là cách mà Pinduoduo giữ chân người tiêu dùng. Đây là cách Pinduoduo nâng giá trị của sàn, tạo khác biệt với Alibaba và JD.com”, nhà phân tích Feng Linyan của hãng nghiên cứu EqualOcean ở Beijing nhận định.
Đóng gói trái cây ở trang trại Côn Minh. Ảnh: Nikkei Asian |
Cuộc đua mới
JD và Alibaba chiếm đến 80% thị trường bán lẻ trên mạng ở Trung Quốc. Nhưng tỷ lệ tăng trưởng đang chậm lại và cả hai gã khổng lồ nhìn các mặt hàng thực phẩm tươi sống là một cơ hội phát triển mới của họ. Năm ngoái, JD.com đầu tư gần 1 tỉ đô la Mỹ cho các trang trại ở Thái Lan nhằm cung cấp các loại trái cây tươi ngon nổi tiếng của xứ Thái cho người dùng Trung Quốc.
Theo hãng nghiên cứu AskCI Consulting, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 8,4 tỉ đô la trái cây trong năm 2018, tăng 35% so với năm trước đó. Nhập khẩu từ Đông Nam Á tăng trưởng mạnh bởi khu vực này có các loại nông sản chất lượng cao.
Đầu tư vào nông nghiệp thông minh trong nước của Pinduoduo gây chú ý. JD.com đang sử dụng các bí quyết trong thương mại điện tử, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ nông dân. Tập đoàn có trụ sở ở Bắc Kinh này dùng công nghệ cảm ứng từ xa qua vệ tinh để đo đạc các cánh đồng trồng lúa và khoai tây ở tỉnh Sơn Tây.
Các dữ liệu này nhằm tăng sản lượng mùa màng, trong khi dữ liệu được mã hóa bằng blockchain sẽ cung cấp thông tin của quá trình đóng gói. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã là biết được các loại rau quả mình đang ăn được trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói và vận chuyển như thế nào.
Nếu các vụ bê bối thực phẩm trước đây ở Trung Quốc vẫn là nỗi ám ảnh, công nghệ blockchain minh bạch hóa mọi quá trình, góp phần trấn an người tiêu thụ. Trong khi đó, hãng công nghệ Huawei cùng với công ty viễn thông China Mobile đưa công nghệ 5G vào cánh đồng không người ở tỉnh Sơn Đông.
Trong khi Pinduoduo có thể đang dẫn đầu trong cung cấp giải pháp công nghệ, không có gì bảo đảm rằng họ sẽ thành công. “Bởi bất cứ hãng thương mại điện tử nào ở Trung Quốc cũng áp dụng mô hình tương tự” - theo lời Sofya Bakhta, nhà phân tích chiến lược tiếp thị của hãng tư vấn Daxue Consulting ở Thượng Hải.
Bên cạnh đó là chi phí khi thực hiện dự án từ đầu khi chưa có cơ sở hạ tầng gì và mọi thứ ở quy mô nhỏ - theo lời ông Fulco Wijdooge, CEO công ty Ridder của Hà Lan chuyên xây dựng nhà kính tại các trang trại ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Liu tự tin nói rằng người tiêu dùng trở nên khó đoán và đòi hỏi chất lượng cao hơn.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang đi đúng hướng, không chỉ bởi vì chúng tôi đã đổ nhiều công sức nhưng mà là thị trường đang mở cửa chào đón các sàn buôn bán nông sản điện tử như Pinduoduo. Đối với nông nghiệp và các sản phẩm tươi sống, tôi tin rằng khách hàng đang mong có nhiều tiện lợi hơn nữa, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người sinh từ 1990 trở đi”, ông Liu kết luận.
Theo Nikkei Asian
Xem thêm: lmth.hcas-peihgn-gnon-gnas-nal-couq-gnurt-tdmt-nas-cac/050903/nv.semitnogiaseht.www