Thị trường chứng khoán đi theo chiều hướng giằng co rung lắc mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần 25/9. Chỉ số chính VN-Index chỉ giao dịch với biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu với một số đợt tăng giảm đan xen. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa mạnh nhưng sắc đỏ vẫn có phần chiếm ưu thế hơn nên nỗ lực tăng điểm của các chỉ số bị chặn đứng.
Trong nhóm VN30 có đến 16 mã giảm giá trong khi chỉ có 9 mã tăng và 5 mã đứng giá. Trong đó, các mã giảm giá đều là những cổ phiếu vốn hóa top đầu thị trường và cũng có sức ảnh hướng lớn nhất đến chỉ số chính VN-Index.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu góp sức lớn nhất trong việc nâng đỡ thị trường chung có STB, BHN, CTG, VNM, VCG… Trong đó, STB tiếp tục gây bất ngờ khi tăng kịch trần lên 13.300 đồng/cp và tiếp tục khớp lệnh hơn 39 triệu cổ phiếu. Hôm nay cũng là phiên lượng hàng T+3 với 40,4 triệu cổ phiếu STB về tài khoản nhà đầu tư. Bên cạnh đó, VCG tăng 2,4% lên 39.000 đồng/cp và là nhân tố chủ chốt giúp kìm hãm đáng kể đà giảm của HNX-Index.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc đỏ áp đảo hoàn toàn với việc THD giảm sâu 4,7% xuống 82.000 đồng/cp và gây áp lực lớn nhất lên HNX-Index khi lấy đi của chỉ số này 0,13 điểm (-0,1%). Trong khi đó, HTT, STL và HD8 đều được kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, PDR giảm 4,5% xuống 38.500 đồng/cp, CRE giảm 3,5% xuống 22.000 đồng/cp, HPX giảm 3,3% xuống 26.000 đồng/cp. Các mã có tính thanh khoản cao như VCR, HQC, HDC, LDG, ITA… cũng đều chìm trong sắc đỏ.
Không có quá nhiều cổ phiếu bất động sản tăng giá ở phiên 25/9, tuy nhiên thị trường vẫn ghi nhận một số mã tăng rất mạnh, trong đó, NTB, PVR, BII và OGC đều được kéo lên mức giá trần. OGC sau phiên giao dịch kỷ lục hôm trước thì thanh khoản đã giảm mạnh xuống còn 5,4 triệu cổ phiếu khớp lệnh với lượng dư mua giá trần 1,6 triệu đơn vị. Ngoài ra, các cổ phiếu như PFL, CLG, BAX, CCL hay SID đều tăng trên 3%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,31 điểm (-0,03%) xuống 908,27 điểm. Toàn sàn có 162 mã tăng, 239 mã giảm và 71 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,14%) xuống 131,52 điểm. Toàn sàn có 78 mã tăng, 76 mã giảm và 72 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,29 điểm (0,48%) lên 61,29 điểm.
Thanh khoản vẫn ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 473 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 7.700 tỷ đồng. ITA và FLC đều năm trong danh sách 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với lần lượt 10,3 triệu đơn vị và 9,7 triệu đơn vị.
Khối ngoại giao dịch vẫn theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng 134 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 133 tỷ đồng (tăng 9% so với phiên trước). Các cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh có VIC, CII, CRE và VRE. Chiều ngược lại, không có cổ phiếu bất động sản nào nằm trong top 10 mua ròng của khối ngoại phiên 25/9.
Tổng kết tuần, thị trường tiếp tục tăng điểm với thanh khoản tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, VN-Index tăng 7,32 điểm (0,8%) so với tuần trước lên 908,27 điểm; HNX-Index tăng 2,321 điểm (1,8%) lên 131,52 điểm. Thanh khoản gia tăng với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 7.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần qua với thanh khoản tiếp tục gia tăng so với tuần trước đó cho thấy lực cầu mua lên của nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại là khá tốt. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tiếp tục giữ được trên ngưỡng 900 điểm, qua đó dư địa tăng là vẫn còn kháng cự gần nhất của chỉ số là ngưỡng 910 điểm và xa hơn là quanh ngưỡng 925 điểm.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 10 duy trì basis dương nhẹ 0,19 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy nhà đầu tư phái sinh vẫn đang lạc quan về xu hướng hiện tại. Bên cạnh đó, khối ngoại quay trở lại mua ròng trong tuần qua với khoảng hơn 15 tỷ đồng trên hai sàn là một chỉ báo tích cực.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (28/9 - 2/10), VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với kháng cự gần nhất quanh 910 điểm và xa hơn quanh 925. Những nhà đầu tư đã chốt lời một phần danh mục quanh ngưỡng 910 điểm có thể tiếp tục canh những nhịp tăng điểm lên quanh ngưỡng 925 điểm (nếu có) để tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể cân nhắc mua bắt đáy một phần nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 900 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng dao động tích lũy trong vùng 900 - 920 điểm trong ngắn hạn để chờ đón mùa kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư có thể tận dụng xu hướng thị trường để tích lũy cổ phiếu nếu như xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm trong những tuần tới, với trọng tâm vẫn là các cổ phiếu mang tính dẫn dắt chỉ số tại thời điểm hiện tại như nhóm ngân hàng và bất động sản.