Cặp đôi mai vàng cổ thụ của anh Phan Hoàng ở Quảng Ninh được giới chơi cây đánh giá là đẹp nhất trong 10 cây mai vàng Yên Tử ở đất Đông Triều.
Được biết chủ nhân của cặp mai vàng Yên Tử này có cách chơi và sưu tầm cây cảnh cũng rất đặc biệt. Anh không sưu tầm những cây nhỏ mà anh sưu tầm những cây mai lớn, dáng quái. Trên những thân mai hàng trăm năm tuổi, anh nuôi những tay cành để tạo dáng thế cho cây nên giới chơi cây cảnh thường gọi anh là “ông vua” mai vàng Yên Tử.
Trong vườn cây cảnh tiền tỷ của anh nổi bật cặp cây mai vàng cổ thụ tuổi đời vài trăm năm có tên “Tiên đồng ngọc nữ” với dáng thế gần như tương đồng, khi đặt cạnh nhau chúng tạo thành một cặp dáng chầu như một cặp đôi nam, nữ khiến nhiều người trong giới chơi cây cảnh trầm trồ khen ngợi.
Chia sẻ trên báo Dân Trí anh Hoàng cho biết cặp mai vàng Yên Tử "Tiên đồng ngọc nữ" có tuổi đời lên đến vài trăm năm, những cây già cỗi khi tưới nước vào cây, vỏ cây sẽ nổi lên màu đồng rất đẹp. Do đã sống nhiều năm trên núi đá nên cả hai cây có hình dáng rất đặt biệt, thân xù xì, nổi u cục nhưng lại uốn lượn rất đẹp, vì vậy anh Hoàng mới đặt tên là "Tiên đồng ngọc nữ".
Giải thích về cái tên này của cặp mai vàng cổ thụ có "1 0 2", anh Hoàng cho biết, gọi là "Tiên đồng" bởi thân cây lớn vững chãi như bờ vai của người đàn ông. Cây “Ngọc nữ” lại rất dẻo dai, do sống dựa vào núi đá nhiều năm nên thân cây gấp khúc, uốn lượn rất đẹp, giống như người phụ nữ dựa vào người đàn ông. Vẻ đẹp thô ráp như vậy chỉ có thiên nhiên mới tạo được.
Hoa Mai vàng Yên Tử là giống hoa quý, tuy cây mai vàng Yên Tử và cây mai vàng miền Nam thuộc cùng một loài, song mai vàng Yên Tử lại sống trong nền khí hậu điều kiện thời tiết á nhiệt đới của miền Bắc nên cây mai đã tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái, hoa nở theo chùm, và một cây có rất nhiều chùm.
Những cây mai vàng cổ thụ mọc trên núi Yên Tử hoa có 5 cánh, lộc màu xanh, cánh hoa có màu vàng tươi rất sáng và có mùi thơm nhẹ đặc trưng rất dễ chịu, kích thước hoa không lớn, đường kính khoảng 2-3cm.
Trúc Chi (tổng hợp)