Ông Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết khoảng ngày 14-10, Biển Đông có thể đón áp thấp nhiệt đới/bão - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ông Văn Khiêm - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết như vậy tại cuộc họp ứng phó với áp thấp và mưa lớn diễn ra sáng 7-10.
Theo ông Khiêm, theo những phân tích mới nhất vào sáng nay, vùng áp thấp đang ở cuối cấp 5. Hiện đang cách bờ các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 200km và ít có khả năng mạnh thêm.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Khánh Hòa.
"Hiện ngoài phía đông Philippines đã bắt đầu hình thành nhiễu động, theo tính toán, phân tích của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thì trong tuần tới (13 đến 14-10) sẽ tiếp tục có một áp thấp nhiệt đới hình thành, có thể mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông.
Đây là điểm cần lưu ý bởi sau mưa lớn có thể tiếp tục có hình thái thời tiết cực đoan, nguy hiểm" - ông Khiêm nhấn mạnh.
Vị trí và hướng đi vùng thấp - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Cụ thể, sẽ có hai đợt mưa lớn. Đợt 1 kéo dài đến ngày 11-10, trọng tâm là ngày và đêm 7-10 , tập trung ở Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Với đợt 2, lượng mưa sẽ tùy thuộc vào cường độ và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới/bão. Tổng kết hai đợt, lượng mưa trung bình 500 - 1.000mm, có nơi cao hơn.
"Mưa lớn kéo dài liên tục nên có nguy cơ lũ quét ở vùng núi phía tây Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ. Lũ ở các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố khả năng trên báo động 2, trên sông La báo động 1, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đến Quảng Ngãi có khả năng lên trên báo động 2, sông nhỏ có nơi báo động 3" - ông Khiêm nói
Kết luận cuộc họp, phó trưởng Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh với lượng mưa dự báo rất lớn ở các tỉnh Trung Bộ, bình quân có nơi đến 1.000mm nên khả năng lặp lũ như năm 2017 rất cao.
Ông Hiệp cũng yêu cầu các đơn vị quản lý các hồ chứa ở khu vực Trung Bộ phải ở báo động cao nhất vì mưa cực đoan rất lớn. Riêng Tả Trạch, Ngàn Trươi, Cửa Đạt phải đặt trong tình trạng đặc biệt, ưu tiên chỉ đạo để điều tiết lũ.
Lực lượng công an, quân đội cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tiếp cận khi ngập lụt trên diện rộng.
TP Đà Nẵng bắt đầu có mưa lớn từ nhiều ngày qua - Ảnh: TẤN LỰC
Mưa ở TP Huế sáng 7-10 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Khánh Hòa còn trên 1.100 tàu cá đang hoạt động trên biển
Sáng 7-10, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện toàn tỉnh có 1.123 tàu cá với 5.512 lao động đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển Khánh Hòa, Vũng Tàu, Ninh Thuận - Bình Thuận, Trường Sa - Hoàng Sa.
Hiện các tàu cá đã nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới và có kế hoạch tránh trú an toàn. Bên cạnh đó, các khu vực lồng bè nuôi thủy hải sản cũng đã được gia cố hoặc di chuyển đến nơi an toàn
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, mưa lớn xảy ra trong hai ngày 7 và 8-10. Cụ thể, khu vực ven biển (Vạn Ninh, Ninh Hòa, TP Nha Trang và TP Cam Ranh) lượng mưa toàn đợt phổ biến từ 100 - 120mm, cá biệt có nơi cao hơn.
Các khu vực còn lại (Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) lượng mưa toàn đợt phổ biến 60 - 100mm.
Tàu thuyền đánh bắt gần bờ đã về nơi tránh trú an toàn - Ảnh: MINH CHIẾN
MINH CHIẾN
TTO - Rạng sáng nay 7-10, vùng áp thấp còn cách đất liền gần 250km. Dự báo áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và đi vào vùng biển Phú Yên - Khánh Hòa đầu giờ chiều nay với sức gió cấp 6, giật cấp 8.
Xem thêm: mth.59562220170010202-oac-ul-gnan-ahk-iad-oek-nol-aum-tod-iah-nod-gnurt-neim/nv.ertiout