Quả thanh long cần nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao - Ảnh: SƠN LÂM
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xác nhận thông tin trên và cho hay việc này diễn ra khi Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Thái Lan đã ban hành các quy định điều chỉnh việc giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với nông sản tươi nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 1-8-2020.
Cụ thể, cơ quan này ban hành các quy định điều chỉnh việc giám sát dư lượng thuốc BVTV đối với nhập khẩu nông sản tươi, dựa trên 3 nhóm mức độ rủi ro, cụ thể là "Nhóm rủi ro rất cao", "Nhóm rủi ro cao" và "Nhóm rủi ro thấp".
Các loại thực phẩm và tên các nhà sản xuất, người bán và các nhà xuất khẩu thuộc "Nhóm rủi ro rất cao" là những bên không tuân thủ các quy định của Thái Lan liên quan đến dư lượng thuốc BVTV.
Đã có khoảng 20% các loại trái cây tươi có tỉ lệ vượt quá quy định được đưa vào nhóm này như cam, thanh long, lê, vải, táo, nho, quýt và chà là tươi...
Ông Nguyên cho hay do thói quen làm hàng xuất khẩu sang Thái Lan giống như hàng xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, nên nhiều doanh nghiệp không chú trọng quy trình sản xuất nên vừa qua khi nước này áp dụng biện pháp kiểm soát trên, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đã bị trả về hoặc hủy hàng khi không đáp ứng yêu cầu.
Hiện nay, xuất khẩu sang Thái Lan chủ yếu là thanh long, một số ít là khoai lang và vải. Kim ngạch xuất khẩu trái cây sang nước này trong 8 tháng đầu năm theo số liệu hải quan là 103 triệu USD, tăng mạnh so với 31,2 triệu USD cùng kỳ năm 2019.
Thông tin từ cơ quan chức năng, với rau quả thuộc "Nhóm rủi ro rất cao", các nhà chức trách FDA sẽ tiến hành lấy mẫu và trao cho nhà nhập khẩu để xét nghiệm tại một phòng thí nghiệm do chính phủ chỉ định và các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 và chi trả phí này.
Tuy nhiên, các nhà chức trách có quyền quyết định liệu lô hàng có thể được chuyển vào các kho có giấy phép nhập khẩu theo ủy quyền viết tay của nhà nhập khẩu hay không. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, lô hàng sẽ được đưa vào thị trường. Ngược lại, lô hàng sẽ không được phép lưu thông trên thị trường.
Ông Nguyên khuyến cáo các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu thông tin trên các website bên Thái Lan hoặc phía Việt Nam để nắm rõ nước này cấm chất gì, kiểm dịch thế nào nhằm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hàng hóa. Hiện nay tỉ lệ áp dụng VietGap và Global Gap với thanh long chỉ khoảng 35-40%.
TTO - Chưa bao giờ trái thanh long, thứ trái cây làm giàu ở xứ nắng gió Bình Thuận, lại rớt giá thê thảm như hiện nay. Dọc quốc lộ, nhìn những bảng giá dựng lên 'Thanh long 400 - 500 đồng/kg' mà xót xa.