Chuyện hồ Gươm đầy vữa, gạch và ngổn ngang bụi bặm thì từ mấy tháng nay người dân Hà Nội đã thấy quen thuộc. Ai đi ngang cũng tò mò không biết chiếc hồ cả nghìn năm tuổi này sẽ có gì thay đổi, liệu hồ có khác lạ đi so với ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội hay không?
Những ngày đầu tháng 10 này, câu trả lời cho thắc mắc trên đã hiện hữu ngay trước mắt. Hàng nghìn người bước vào phố đi bộ đều cảm thấy thích thú khi phát hiện vỉa hè quanh hồ Gươm đã được lát đá mới, những bồn hoa và cây xưa kia gắn rào sắt nay đã được thay thế toàn bộ bằng bệ đá sạch đẹp như công viên. Nhất là mạn góc Hàng Khay - Tràng Tiền và đoạn nhà hàng Thủy Tạ, từ dãy ghế ngồi lâu năm cho đến những thứ cũ kỹ khác trên vỉa hè đều được phủ lên mình lớp áo mới tinh tươm, đẹp đẽ gọn gàng.
Rất nhiều người từ cụ già đến thanh niên đều rủ nhau ra hồ Gươm sáng sớm để tập thể dục, ngắm cảnh hồ Gươm phiên bản 2020 sau 5 tháng cải tạo.
Nhiều loại hoa mới được trồng khắp vỉa hè, bắt đầu nở dịu dàng đón mùa mới.
Ngắm nhìn diện mạo mới của hồ Gươm sớm nay, ai cũng cảm thấy trong lòng có chút xốn xang nhẹ. Mặt nước hồ phẳng lặng xanh ngắt màu ngọc bích, không có chút rác bẩn nào. Và điều đặc biệt nhất chính là bờ kè sát mép nước, được gia cố bằng bê tông đúc nguyên khối ghép vào nhau khá đẹp. Đã rất lâu rồi chiếc hồ giữa trung tâm phố cổ mới "lột xác" với quy mô lớn như thế, tuy cây cối và cảnh quan tự nhiên quanh bờ hồ được giữ nguyên song ai cũng nhận ra nơi đây bừng sáng khác lạ như thế nào.
Không gian quanh hồ khá quang đãng mát mẻ, đâu đó len lỏi hương hoa sữa khiến những người đi dạo bờ hồ sáng sớm cảm thấy vô cùng thoải mái dễ chịu. Những luống hoa mới trồng đã hé nụ đủ màu, mùi đất mới thơm mộc mạc khiến ai cũng chỉ muốn ngồi xuống hít hà hương đầu đông.
Góc bờ hồ đoạn đầu phố Lê Thái Tổ được thiết kế lại, trồng mới nhiều loại cây cảnh, hoa lá, với gạch lát và bê tông đúc bao quanh bồn cây khá gọn gàng.
Nhiều gia đình thích thú rủ nhau ra hồ chơi, vô tư ngồi xuống vỉa hè vì nền đá khá sạch và mát.
Quả thực, ai cũng thấy vui khi ngắm hồ Gươm phiên bản 2020. Những di tích lịch sử quanh bờ hồ như tháp Báo Thiên, tháp Hòa Phong, cây lộc vừng 9 gốc... vẫn được bảo tồn nguyên hiện trạng, không có cây cổ thụ nào bị đốn hạ thay thế, tất cả đều được giữ nguyên vẹn nhưng các lối đi xung quanh đều được lát đá, sơn sửa mới hoàn toàn.
Chẳng ai còn lo ngại trông thấy ổ gà, vũng nước bẩn khi đang đi dạo quanh hồ nữa, khắp vỉa hè rộng thênh thang đều rất sạch sẽ, ngồi bất kỳ góc nào ven hồ cũng cảm giác như công viên ở trời Tây.
Các cụ già ngồi bên nhau móm mém kể chuyện ngày xưa, bởi hồ Gươm từng gắn với tuổi thơ biết bao đứa trẻ sống trong khu phố cổ.
Những lối đi quanh hồ đã được cải tạo thông thoáng hơn, thuận tiện cho người dân đi lại vui chơi.
Người dân Hà Nội tranh thủ chụp hình lưu lại khoảnh khắc kỉ niệm nhân dịp hồ Gươm thay áo mới.
Vẫn là cùng một chỗ ngồi ngắm cảnh trong lòng hồ, nhưng giờ đây góc bồn hoa đã sạch đẹp hơn, rộng rãi hơn.
Trong sương sớm ngày gió mùa đầu đông, những vườn cây nhỏ xinh ven hồ khoe vẻ tươi xanh đầy sức sống, hứa hẹn mang lại khung cảnh ngày càng tuyệt vời cho địa danh lịch sử nổi tiếng giữa lòng thủ đô.
Một điểm đặc biệt khiến nhiều người dân háo hức mong chờ nữa là nhà vệ sinh công cộng mới ở hồ Gươm, được ốp gỗ rất trang trọng lịch sự, lắp đặt thiết bị đầy đủ, chỉ đợi ngày khai trương chính thức đưa vào sử dụng. Còn một số hạng mục cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện xong, nhưng cơ bản dự án chỉnh trang bờ hồ Gươm đã gần đạt 100%, được người dân hoan nghênh vô cùng.
Hồ Gươm rộng 12 ha, là hồ nước ngọt lớn nằm giữa lòng phố cổ. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, hồ Gươm từng có tên là hồ Lục Thủy, hồ Thủy Quân, hồ Tả Vọng, Hữu Vọng và hiện tại còn được gọi là hồ Hoàn Kiếm. Cái tên hồ Gươm hay Hoàn Kiếm bắt nguồn từ sự tích Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa Vàng mà bất kỳ người Việt nào cũng đã từng nghe kể từ thuở ấu thơ.
Trước đó, thông tin dự án cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm đã được chia sẻ rộng rãi đến công chúng. Lễ khởi công được tiến hành vào rạng sáng 21/4/2020 sau 10 năm nghiên cứu với 3 lần lấy ý kiến người dân thủ đô. Toàn bộ bờ hồ được cải tạo bằng cách đắp bờ kè bê tông đúc sẵn, nâng cấp vỉa hè, đường đi dạo và hệ thống thoát nước vườn hoa.
TIỂU BẠCH DƯƠNG, ẢNH: HOÀNG VIỆT - THÀNH ĐÔNG
Pháp luật và bạn đọc