Bất kì người nào cũng có giá trị tồn tại của họ. Con người có tâm lý mong muốn được thừa nhận và tin tưởng. Bởi vậy, khi thuyết phục người khác, cần phải chú ý đến việc thừa nhận giá trị của đối phương. Cho dù là yêu cầu cực kì đơn giản, nhưng nếu bạn nói với đối phương rằng: "Anh có vẻ nhàn rỗi nhỉ, tính toán cái này một chút" hoặc "Có rỗi không? Giúp tôi chép một bản báo cáo" thì sẽ khiến đối phương thấy phản cảm.
Nếu bạn nói là: "Vất vả cho anh rồi!" "Lúc nào cũng làm phiền anh thế này!". Thái độ khiêm tốn, lễ độ như vậy có thể làm dịu đi sức phản kháng của đối phương, nhưng vẫn chưa thể kích thích được sự tích cực của anh ta.
Nếu có thể kết hợp đề cao giá trị của đối phương và nói rằng: "Anh tính nhanh thật đấy!" "Chữ viết của anh thật đẹp, cho nên tôi muốn nhờ anh giúp." Đối phương nhất định sẽ cho rằng họ nhận được tri âm, từ đó tích cực làm việc hơn. Đó là nguyên nhân mọi người thường xuyên giúp đỡ mà không tiếc bất cứ thứ gì đối với những người hiểu được mình. Chỉ cần có người tin tưởng vào năng lực của họ thì họ cũng sẽ thừa nhận giá trị của người đó: "Anh ta là một người rất có năng lực" "Người đó có con mắt quan sát tốt." Đó vẫn là điều thường tình của con người.
Một người chủ nhiệm một hôm do thể lực không được tốt nên phải vào viện. Cấp trên đến thăm bệnh và nói: "Đây thực sự là một cơ hội quá tốt. Anh cứ tĩnh dưỡng đi, không cần lo cho công việc của công ty đâu. Không có anh ở đó, công ty vẫn có thể kinh doanh như bình thường, cho nên anh cứ yên tâm." Do cấp trên đã nói một câu sơ ý không nghĩ đến lòng tự tôn của người khác, nên đã khiến cho sức khỏe của vị chủ nhiệm kia yếu đi. Bởi vì trong thâm tâm, chủ nhiệm nghĩ rằng, sở dĩ công ty có được như ngày hôm nay, hoàn toàn là do sự nỗ lực của bản thân mình mà nên.
Ngày hôm sau, có một người cấp dưới đến thăm. Anh ta nói những câu khác hoàn toàn so với người cấp trên kia: "Chủ nhiệm không có ở đó, cả công ty loạn hết cả lên, đó là vì thiếu đi một nhân tài quyết đoán, có năng lực! Hi vọng chủ nhiệm có thể sớm khỏe lên, trở về công ty tiếp tục làm việc." Chủ nhiệm sau khi nghe xong câu nói đó, đã mừng vui trong lòng và cho rằng "Đúng là một cấp dưới biết được lòng ta".
Cũng có người dù trong lòng thừa nhận giá trị của người khác, nhưng lại không nói ra, có lẽ là vì họ cho rằng "Cái đó thì có gì hay ho mà nói chứ". Tuy nhiên, thừa nhận giá trị cũng như "khen ngợi" người khác là một việc làm cần thiết, điều đó có sự khác biệt so với việc "nịnh hót". Thường ngày, bạn nên chú ý tới những ưu điểm cũng như giá trị của người khác, hơn nữa hãy nhớ kỹ rằng: Người giỏi khen ngợi cũng chính là người giỏi thuyết phục.
TN
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.22521726170010202-iogn-nehk-ioig-iougn-al-gnouht-cuhp-teyuht-ioig-iougn-oas-iv/nv.zibefac