Vì sao Đà Nẵng ‘khó’ thu hồi dự án Đa Phước theo kết luận thanh tra?
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) – UBND thành phố Đà Nẵng đã thông qua kế hoạch triển khai kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến những sai phạm tại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, thành phố chưa thể thu hồi dự án theo kết luận thanh tra vì một số khó khăn nhất định.
Bảng thông tin quy hoạch dự án khu phức hợp Đa Phước tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm |
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ mà TBKTSG Online đã có ghi nhận và phân tích vào ngày 15-8-2020, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện các thủ tục, quy trình thu hồi dự án 181 ha nằm trong dự án Khu đô thị quốc Đa Phước (dự án còn lại là 29 ha) theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trả lời báo chí tại buổi Họp báo 9 tháng đầu năm 2020 do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức chiều nay, 7-10, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) thành phố cho biết chưa thể làm theo kết luận này vì chưa biết làm theo trình tự như thế nào là đúng theo quy định pháp luật (PV – vì sự phức tạp trong chuyển nhượng dự án này có liên quan đến Vũ ‘nhôm”) và gặp khó trong việc giải quyết quyền lợi cho người dân đã mua nhà tại dự án.
Theo đại diện của Sở TN-MT Đà Nẵng, hiện nay có khoảng 1.000 hộ dân tham gia đặt cọc, đặt chỗ, tham gia đầu tư dự án hoặc thậm chí đã sinh sống tại dự án này. Vì vậy cần phải đảm bảo quyền lợi cho những đối tượng này trước khi thu hồi dự án và lên kế hoạch phát triển mới cho dự án.
Theo tìm hiểu, dự án 181ha này (hay còn gọi là The Sunrise Bay) do Công ty TNHH The Sunrise Bay làm chủ đầu tư nhưng chưa đủ điều kiện bán nhà.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2016, Công ty cổ phần bất động sản Nova Đà Nẵng đã đứng ra phân phối bán hơn 1.000 căn nhà phố, nhà biệt thự theo hình thức hợp đồng đặt cọc. Giá trị mỗi căn nhà dao động từ 4-9 tỉ đồng tùy theo diện tích nhà đất và vị trí nhà.
Theo hợp đồng giữa người dân với đơn vị phân phối, cam kết sẽ bàn giao nhà vào quí 1 và 2-2018.
Đến đầu tháng 6-2020, khi hàng trăm người dân tập trung trước trụ sở công ty, bà Trần Thị Ngọc Hà - tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Nova Đà Nẵng - đã đứng ra đối thoại và khẳng định hồ sơ pháp lý của dự án đã có đầy đủ nhưng việc thanh tra là nằm ngoài dự kiến, đây là việc bất khả kháng. Tuy nhiên, công ty cũng cam kết sẽ chịu trách nhiệm đến cùng với khách hàng, trường hợp nếu khách hàng có nhu cầu lấy lại tiền đã nộp thì công ty sẽ hoàn trả.
Trao đổi với TBKTSG Online, chị Đ.T.K.H. (muốn giấu tên) cho biết gia định chị đã đặt cọc một căn biệt thự tại dự án này. Kế từ nghe thông tin Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra dự án vào năm 2017, chị thấy lo lắng và liên tục hỏi và cập nhật thông tin từ tập đoàn Novaland và luôn nhận được sự đảm bảo về tính pháp lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, gia đình chị đã quyết định nhờ đơn vị phân phối chuyển nhượng lại căn biệt thự vì có nhiều thông tin bất lợi.
Trước đó, như TBKTSG Online thông tin tại thời điểm thanh tra vào năm 2017, Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước được triển khai đồng thời hai dự án. Dự án thứ nhất là Khu đô thị quốc tế Đa Phước diện tích 181 ha (gọi tắt là Dự án 181 ha) và dự án thứ hai mang tên Khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình.
Từ năm 2006 đến trước năm 2015, tổ chức thực hiện Dự án 181 ha là Công ty TNHH Daewon Cantavil, vốn điều lệ là 66,142 tỉ đồng. Công ty tăng vốn điều lệ lên 672,7 tỉ đồng do có thêm góp vốn từ Công ty cổ phần Xây dựng 79.
Tháng 10-2016, Công ty Daewon Cantavil chuyển nhượng hết cổ phần của mình cho Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79. Chủ đầu tư thực hiện dự án được đổi lại thành Công ty TNHH The Sunrise Bay. (hai chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 và Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79).
Trước đó, Công ty cổ phần Xây dựng 79 được đổi tên thành Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79. Vào tháng 6-2015, Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”), đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, ký hợp đồng chuyển nhượng hết vốn tại công ty cho một cá nhân mang tên Lê Văn Sáu.
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra số 1399, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm) và Lê Văn Sáu là một người. Do đó, hợp đồng (không số) ngày 29-6-2015 chuyển nhượng vốn này không đủ điều kiện để xác lập giao dịch giữa các bên theo quy định tại Khoản 5, Điều 144, Bộ Luật Dân sự năm 2005.
Bên cạnh đó, mặc dù có sự thay đổi về thông tin liên quan đến nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án, nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Khoản 1, Điều 33, Nghị định 181/205/NĐ-CP ngày 12-11-2015 của Chính phủ.
Vì vậy, theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp vào tháng 6-2016 thì hai nhà đầu tư của dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước vẫn là Công ty TNHH Daewon và Công ty cổ phần Xây dựng 79 và tổ chức kinh tế thực hiện dự án là Công ty TNHH Daewon Cantavil.
Mời đọc thêm
- Khu đô thị quốc tế Đa Phước: 15 năm, nhiều điều chỉnh, lắm sai phạm
- Sai phạm của Đà Nẵng trong vụ việc Khu đô thị quốc tế Đa Phước