Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm nay là một chỉ dấu để các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Việc hạ lãi suất sẽ giúp thúc đẩy và kích hoạt nhu cầu về vốn trong nền kinh tế tăng lên.
Hiện lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng thương mại giờ đã về mốc 6%/năm, thậm chí có ngân hàng đã mạnh tay giảm lãi suất cho vay về mức 5%/năm, tức hấp hơn cả mức lãi suất tiết kiệm thông thường 1 năm. Xu hướng lãi suất cho vay giảm có thể sẽ kéo dài sang đầu năm 2021.
Việc liên tiếp giảm lãi suất đầu ra sẽ khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm. (Ảnh: Báo Đầu tư)
"Điều chỉnh giảm lãi suất điều hành là cơ sở để giảm lãi suất trong quý IV/2020 và tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB, nhận định.
"Việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế cũng là một chính sách tiền tệ của quốc gia. Nếu lãi suất cho vay giảm thì chắc chắn nền kinh tế sẽ bớt khó khăn hơn, GDP cũng sẽ tăng và nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng", ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành Ngân hàng Quân đội, cho hay.
Lãi suất thấp phải được duy trì ngay cả khi Việt Nam hết dịch thì ý nghĩa của việc giảm lãi suất mới phát huy được tối đa tác dụng. Đó cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp lúc này.
Việc điều chỉnh giảm lãi suất giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất kinh doanh (Ảnh: Báo Đầu tư)
Việc liên tiếp giảm lãi suất đầu ra sẽ khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm, nhưng nếu không chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp lúc này thì hệ lụy nợ xấu trong tương lai là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc sụt giảm lợi nhuận cũng là điều nhiều ngân hàng chủ động dự liệu.
Cùng với những diễn biến tích cực của nền kinh tế khi dịch bệnh được khống chế, sự phục hồi đi lên của nhu cầu vốn trong nền kinh tế cũng đang đi lên. Dư nợ tín dụng trong tháng 9 đã có mức tăng rất khả quan, lên tới gần 2%.
Dự báo, tổng dư nợ tín dụng trong cả năm 2020 có thể tăng trên 9%. Quý IV là quý nhu cầu tín dụng thường cao nhất trong năm và sẽ càng thể hiện rõ nét hơn dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. Sự hồi phục này đang được hỗ trợ bởi dòng vốn lãi suất thấp đã sẵn sàng.
VTV.vn - Mới đây, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để kích cầu tín dụng, trong đó có cả cho vay tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Xem thêm: mth.51292729170010202-et-hnik-gnourt-gnat-ort-oh-ed-gnud-nit-nagn-iaig-yad-cuht/et-hnik/nv.vtv