Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.12, TP.HCM) trong giờ học- Ảnh: NHƯ HÙNG
Chiều 7-10, báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Giải đáp thắc mắc chương trình lớp 1 mới' với sự tham gia của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TP.HCM. Trên 200 câu hỏi xung quanh chủ đề này dành cho ông Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT và ông Nguyễn Quang Vinh - trưởng Phòng tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM.
Có phải học trước, học thêm không?
Rất nhiều câu hỏi của phụ huynh đã đặt ra vấn đề "có phải học trước lớp 1, học thêm không?" khi học chương trình lớp 1 mới. Cùng với đó là những chia sẻ của phụ huynh, giáo viên về "nỗi khổ lớp 1" tập trung chủ yếu vào môn tiếng Việt.
"Con không nhớ được âm/vần vừa học trên lớp", "ban ngày đi làm, tối lại đánh vật với việc dạy con" - là thông tin khiến phụ huynh hoang mang khi nghi ngờ con mình không thể theo được chương trình lớp 1 năm nay nếu không học trước hay học thêm.
Với băn khoăn này, ông Thái Văn Tài khẳng định: "Về mặt khoa học, tâm lý lứa tuổi, việc học chữ trước khi vào lớp 1 là không tốt cho chính các em học sinh".
Việc cho con học trước hay học thêm bên ngoài nhà trường vì lo lắng trước những khó khăn trong việc dạy học lớp 1 vô hình trung góp phần làm tăng thêm áp lực, căng thẳng cho trẻ. Trong khi những bất cập đang diễn ra ở các nhà trường khi triển khai chương trình lớp 1 có thể điều chỉnh, khắc phục ngay trong các nhà trường.
Ông Thái Văn Tài trả lời câu hỏi của bạn đọc trong buổi giao lưu- Ảnh: MAI THƯƠNG
"Nếu có hiện tượng học sinh quá tải vì học quá nhanh thì giáo viên cần điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Điều này chương trình cho phép và là nhiệm vụ của giáo viên.
Ông Thái Văn Tài
Cũng theo ông Thái Văn Tài, chương trình giáo dục 2018 không quy định cứng nội dung từng bài học tương ứng với thời gian của buổi học, tuần học mà chỉ quy định thời lượng và yêu cầu cần đạt của cả năm học đối với từng môn học. Vì thế, các trường phải chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục dựa trên đề xuất của giáo viên và tổ bộ môn.
Kế hoạch giáo dục trường đó cũng phải cho phép giáo viên linh hoạt điều chỉnh nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học tùy theo đối tượng học sinh và các chủ đề, bài học.
"Thầy cô phải tìm hiểu kỹ đặc điểm học sinh của lớp mình phụ trách (về tâm lý, thể chất, hoàn cảnh gia đình và việc trẻ có được học chữ trước hay chưa...) để dạy học, giao nhiệm vụ học tập phù hợp với từng học sinh, giúp các em hoàn thành nhiệm vụ học tập một cách hứng thú, phù hợp với khả năng của mình" - ông Tài trao đổi.
Tuy nhiên, ông Thái Văn Tài cũng nhấn mạnh đến những vấn đề các trường và giáo viên không được vi phạm. Đó là không dạy thêm bên ngoài trường đối với học sinh tiểu học, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập tại lớp và không giao thêm bài tập về nhà. Trước đó, trong hướng dẫn tăng cường thực hiện chương trình giáo dục 2018 ở bậc tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng lưu ý điều này.
Theo ông Tài, việc phụ huynh cần phối hợp với giáo viên là giúp con trải nghiệm các kiến thức đã học tại nhà một cách phù hợp, thoải mái. Ví dụ để tăng cường kỹ năng đọc cho các em, cha mẹ có thể mua cho các em những cuốn truyện phù hợp với lứa tuổi để trẻ có thể rèn kỹ năng đọc qua đọc truyện và hình thành thói quen đọc sách.
Giáo viên có thể điều chỉnh
Trước nỗi lo nội dung quá dày mà trẻ khó có thể tiếp thu để đảm bảo yêu cầu cần đạt với môn tiếng Việt, ông Nguyễn Quang Vinh hướng dẫn giai đoạn đầu năm học, giáo viên có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kỹ năng. Cụ thể, đối với kỹ năng đọc đoạn, những học sinh đọc chưa tốt chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn. Những học sinh này có thể vừa đánh vần vừa đọc.
Ông Nguyễn Quang Vinh trả lời câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Giáo viên cần mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng các kỹ thuật dạy học tích cực, lựa chọn hình thức tổ chức lớp học phù hợp để phát huy hiệu quả tiết dạy.
Ông Nguyễn Quang Vinh
Tương tự, với kỹ năng viết, theo ông Vinh, những học sinh viết chưa tốt chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ. Yêu cầu về các kỹ năng này sẽ được nâng cao dần qua từng giai đoạn học tập tiếp sau, tiến tới đạt yêu cầu cần đạt vào cuối năm học.
Điều này cũng được ông Thái Văn Tài xác nhận hoàn toàn nằm trong quyền của các nhà trường và giáo viên vì "chương trình giáo dục 2018 là chương trình mở, phát huy cao tính tự chủ, linh hoạt của giáo viên".
Ông Vinh cũng cho rằng các trường cần điều chỉnh phân phối chương trình, xếp thời khóa biểu để không xảy ra tình trạng học sinh phải học bốn âm vần trong một buổi học. Giáo viên cũng cần lựa chọn bài tập phù hợp với nội dung bài học, xây dựng bài dạy đảm bảo mục tiêu, chủ đề. Trong đó chú trọng việc phân nhóm trình độ học sinh để có sự hỗ trợ phù hợp.
Ngoài ra, ông Vinh nói thêm: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện được một tháng đối với lớp 1 trong bối cảnh năm học 2019 - 2020 học sinh mầm non nghỉ kéo dài do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Năm học 2020 - 2021 các trường tựu trường muộn hơn so với những năm trước khoảng hai tuần, ngày 1-9 học sinh tựu trường, 5-9 khai giảng năm học mới, 7-9 thực học. Theo đó, học sinh chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để làm quen với trường lớp, cô giáo, bạn bè.
Việc chuẩn bị tâm lý và trang bị những kỹ năng cần thiết cho học sinh trước khi chính thức học chương trình lớp 1 có nhiều hạn chế, đặc biệt ở những trường có sĩ số học sinh đông...
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau buổi giao lưu, ông Thái Văn Tài cho biết Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe, tìm hiểu, phân tích tình hình, thực hiện các giải pháp với địa phương. Trước hết đề nghị các trường tìm hiểu, đánh giá đúng thực trạng đối với đối tượng học sinh lớp 1 và tình hình triển khai tại trường mình, lắng nghe phản ánh từ phụ huynh và đặc biệt thực hiện theo đúng quy định của bộ về triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Từ xây dựng kế hoạch ở trường một cách phù hợp, nếu chưa phù hợp thì phải điều chỉnh cho phù hợp. Trong đó cần ưu tiên tối đa cho việc tạo điều kiện tiếp cận cho học sinh một cách nhẹ nhàng theo đúng chương trình đã quy định.
Chương trình hiện nay là chương trình học hai buổi với lượng kiến thức được tinh giản đi so với chương trình hiện hành và riêng đối với môn tiếng Việt tăng thời lượng thực hiện. Vì vậy, đề nghị giáo viên có cách tiếp cận đúng chương trình và phù hợp với từng đối tượng để làm sao không tạo ra áp lực và đặc biệt giúp các em hoàn thành bài tập trên lớp, không giao bài tập về nhà.
Nhiều địa phương đã có quy định cụ thể trong việc giáo viên lớp 1 chọn cách triển khai, phối hợp với phụ huynh làm sao để đúng, không gây áp lực tới phụ huynh và học sinh" - ông Thái Văn Tài cho biết.
Theo ông Tài, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai các chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên và đang phối hợp với các lực lượng xây dựng tài liệu bồi dưỡng trực tuyến để chuyển đến tất cả các nhà trường, giúp giáo viên nắm thật chắc, thật kỹ đúng với yêu cầu của chương trình và chủ động triển khai chương trình lớp 1 một cách tự tin nhẹ nhàng, hiệu quả, tránh gây áp lực cho học sinh và phụ huynh cũng như hiểu rõ các yêu cầu cần đạt của chương trình.
TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho giáo viên
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc chỉ đạo hàng loạt biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên và học sinh lớp 1 trong quá trình thực hiện chương trình lớp 1 mới.
Theo đó, sở yêu cầu các trường tiểu học cần căn cứ điều kiện thực tế của nhà trường, thực tế đối tượng học sinh lớp 1 để chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp. Trong đó, giáo viên lớp 1 cần tận dụng tối đa các tiết thực hành, ôn tập, ôn luyện để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh hình thành các kỹ năng cơ bản, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Dạy học theo hướng phân hóa đối tượng, không đặt ra yêu cầu cần đạt chung đối với các học sinh trong lớp ở giai đoạn đầu năm học, tránh gây áp lực với một số em tiếp thu bài chưa tốt, chưa nhớ bài... (HOÀNG HƯƠNG)
Cô Hoàng Thanh Bình (hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Nhân Tông, Nam Định):
Có khó khăn nhưng có thể giải quyết được
Ở trường tôi, ngay khi bắt đầu tiếp cận với chương trình - sách giáo khoa mới, tổ chuyên môn đã thảo luận kỹ. Sau đó, đầu mỗi buổi học trong tuần đều có các trao đổi, cập nhật tình hình để chia sẻ kinh nghiệm, xử lý những khó khăn phát sinh trong quá trình dạy học.
Những tuần đầu tiên của lớp 1, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào việc ổn định nề nếp học sinh, cho trẻ làm quen với các hoạt động, phương pháp học tập, sau đó mới bắt đầu vào bài học. Những bài dài quá, có thể sẽ khó khi dạy học, chúng tôi điều chỉnh theo cách chia nhỏ bài học trong sách giáo khoa, dạy chậm lại để có thời gian luyện tập cho trẻ, áp dụng những hình thức dạy học sinh động để trẻ bớt căng thẳng, có hứng thú học tập.
Khi có những ý kiến phản ánh về chương trình lớp 1 quá nặng ở một số địa phương, tôi cũng lập tức họp để lắng nghe ý kiến giáo viên, thậm chí khảo sát ý kiến phụ huynh để nắm tình hình tiếp thu môn tiếng Việt của học sinh. Ở trường tôi tuy cũng có những khó khăn nhưng không quá căng thẳng. Đặc biệt, tôi khẳng định phụ huynh học sinh lớp 1 trường tôi không phải dạy con 1-2 tiếng ở nhà như thông tin của phụ huynh các nơi khác. (VĨNH HÀ ghi)
TTO - Vì sao lại có nhiều bộ sách giáo khoa lớp 1? Học sinh học quá nặng, Bộ GD-ĐT có xem xét điều chỉnh nội từng bài học cho phù hợp hơn không?...
Xem thêm: mth.29722048080010202-iom-1-pol-hnirt-gnouhc-ohc-ohk-og/nv.ertiout