Pháp, Mỹ và Nga sẽ đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia ở Nam Caucasus bằng cách tổ chức một cuộc họp tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 8-10, do lo ngại nguy cơ gia tăng chiến tranh trong khu vực.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết các đại diện của Nga, Pháp và Mỹ cũng sẽ gặp nhau tại Moscow vào ngày 12-10 nhằm thảo luận khả năng các bên đang tham chiến ngồi vào bàn đàm phán để thương thuyết một cuộc ngừng bắn, theo hãng tin Reuters.
“Chúng tôi muốn tất cả mọi người hiểu rằng, việc dừng các hành động thù địch ngay lập tức mà không đi kèm điều kiện và bắt đầu đàm phán là vì lợi ích của họ” - ông Le Drian nói với ủy ban đối ngoại của Quốc hội Pháp.
Các binh sĩ kiểm tra một chiếc xe tải quân sự bị hư hỏng của Armenia do bị quân đội Azerbaijan bắt giữ trong cuộc giao tranh gần thành phố Barda, ngày 7-10. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Pháp không nói rõ liệu các đại diện của Armenia và Azerbaijan sẽ tham dự cuộc họp hay không, nhưng chính quyền Azerbaijan tiết lộ rằng ngoại trưởng của họ - ông Jeyhun Bayramov - sẽ tới Geneva vào hôm 8-10.
Bộ Ngoại giao Armenia cũng cho hay Ngoại trưởng Zohrab Mnatsakanyan sẽ thăm Moscow vào hôm 12-10 nhưng không cung cấp thêm chi tiết về chuyến thăm, đồng thời loại trừ khả năng gặp gỡ ông Bayramov.
Các bên tham chiến cho đến nay vẫn phớt lờ lời kêu gọi ngừng bắn của Pháp, Mỹ và Nga, vốn là những quốc gia trung gian trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh gần ba thập niên qua, Reuters cho hay.
Khói bốc lên trong một cuộc giao tranh ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh gần thành phố Terter ngày 7-10. Ảnh: REUTERS
Nga, Pháp, Mỹ là ba quốc gia được giao nhiệm vụ đồng chủ tịch Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Nhóm này được thành lập năm 1992 như một nỗ lực giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh nhưng bị coi là không thành công khi không thể xây dựng một nghị quyết hòa bình cho người Armenia và người Azerbaijan.
Trước đó vào ngày 1-10, Nga, Mỹ và Pháp đã phát đi tuyên bố chung về chiến sự ở Nagorno-Karabakh. Ba nước lên án sự leo thang xung đột gần đây trong khu vực, kêu gọi "chấm dứt tình trạng đối đầu ngay lập tức" và nối lại đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan trên tinh thần "thiện chí và vô điều kiện".
“Chúng ta phải chú ý để cuộc chiến giữa Armenia va Azerbaijan không trở thành một cuộc chiến vùng” - Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói.
Iran, có biên giới chung với cả hai nước trên, đã bày tỏ lo ngại khi Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Azerbaijan và Nga – có thoả thuận quốc phòng với Armenia, có thể bị hút vào cuộc chiến.
Đã có hơn 360 người thiệt mạng, bao gồm 320 quân nhân và 19 thường dân ở khu vực Nagorno-Karabakh và 28 thường dân Azerbaijan. Đây là cuộc đụng độ đẫm máu nhất giữa hai nước kể từ cuộc chiến năm 1991-1994 ở Nagorno-Karabakh, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng, Reuters đưa tin.