Hệ thống công đoàn Việt Nam hiện có hơn 126.000 công đoàn cơ sở; hơn 10,5 triệu đoàn viên công đoàn. Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Công đoàn cho biết, tổng thu tài chính công đoàn giai đoạn 2013-2019 là 100.354 tỷ đồng. So với năm 2012, tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 tăng 2,3 lần, trung bình mỗi năm tăng 12%, chủ yếu do lương cơ sở, lương tối thiểu vùng tăng dần qua các năm.
Bốn cấp công đoàn đã chi gần 77.000 tỷ đồng, trong đó 73% chi ở công đoàn cơ sở; 15% ở cấp huyện và đơn vị sự nghiệp; gần 11% chi tại cấp tỉnh, ngành và tại cấp Tổng Liên đoàn là chưa đến 1% (576 tỷ đồng).
63% tài chính của công đoàn sau 7 năm do doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm cho người lao động, 25% là từ đoàn phí của người lao động (bằng 1% lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội) và phần còn lại lấy từ ngân sách cùng một số nguồn khác. Theo mức phân bổ hiện tại, công đoàn cơ sở (các doanh nghiệp) được giữ lại 69% và phần còn lại nộp về công đoàn cấp trên.
Sau nhiều năm thực hiện Luật Công đoàn, Tổng Liên đoàn cho biết đã giảm tỷ trọng chi tại các cấp trên để tập trung nguồn kinh phí cho công đoàn cơ sở chăm lo, bảo vệ lợi ích cho đoàn viên, người lao động. Trong chia sẻ với báo chí gần đây, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó ban tài chính Tổng Liên đoàn dẫn số liệu bảy năm qua (2013-2019) cho thấy, 81,5% nguồn kinh phí tại cấp công đoàn cơ sở chủ yếu để chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động; còn lại chi lương, phụ cấp và quản lý hành chính.
Tuy nhiên, theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công năm 2019 của Tổng Liên đoàn, tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 hơn 20.200 tỷ đồng nhưng chỉ 46% được sử dụng chăm lo trực tiếp cho người lao động. Tỷ lệ chi trực tiếp chủ yếu tập trung ở cấp công đoàn cơ sở. Nếu ở công đoàn cơ sở là 99% thì ở công đoàn cấp trên cơ sở là 68%; liên đoàn lao động cấp tỉnh thành là 45% và ở Tổng Liên đoàn chỉ trên 8%.
Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc sử dụng kinh phí công đoàn còn nhiều bất cập.
Trả lời khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), một doanh nghiệp phía Nam cho biết, mỗi năm phải đóng 4 tỷ đồng kinh phí công đoàn và một nửa được đóng thẳng cho công đoàn cấp trên, phần còn lại doanh nghiệp giữ để chăm lo đời sống người lao động. Dù vậy, tiền giữ lại không thể tiêu vì quy trình chi tiêu rất phức tạp, không hợp lý về mức chi.
Kinh phí thu tăng theo lương cơ bản nhưng mức chi vẫn giữ nguyên trong 5 năm nay. Ví dụ khi thi thể thao nội bộ, giải cao nhất được thưởng vẫn là 50.000 đồng. Doanh nghiệp và người lao động phải viết tay biên nhận chứ không được đánh máy theo quy định từ năm 2014.
"Doanh nghiệp không thể chi được chính dòng tiền của mình, hàng quý lại phải tiếp công đoàn cấp trên xuống kiểm tra thu chi", đại diện doanh nghiệp cho hay. Dịp 30/4, công ty đã lấy phần tiền này mua cho mỗi công nhân một bao gạo. Tổng giám đốc tuyên bố chịu trách nhiệm về khoản chi này.
Đại diện một hiệp hội lớn nhận xét, công đoàn địa phương hoặc không có hoạt động hữu ích cho người lao động, hoặc đưa ra các hoạt động không thiết thực do không hiểu đặc thù của ngành. "Nhiều khi lễ, tết, phía công đoàn yêu cầu tổ chức các hoạt động chào mừng, trong khi nhà máy, nhân công phải vận hành để kịp tiến độ đơn hàng quốc tế", người này nói.
Tỷ lệ chi trực tiếp trong kiến nghị của 8 hiệp hội, ngành hàng gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm 6/10 cũng đề cập việc chi lương phụ cấp và quản lý hành chính trong 7 năm qua chiếm tới 20.200 tỷ đồng, gần 26,3% tổng chi phí công đoàn. Nghĩa là cứ chi cho người lao động 1 đồng thì sẽ mất 0,5 đồng chi lương và hành chính.
Các hiệp hội cũng phản ánh, các cấp công đoàn đã không sử dụng hết số tiền thu được từ mức thu 2% kinh phí công đoàn. Chi ở cấp cơ sở chưa đủ đáp ứng, ngược lại nhu cầu sử dụng ở các cấp công đoàn phía dưới thấp, dẫn đến thừa nguồn tăng tích lũy cuối kỳ. Tính đến cuối năm 2019, nguồn kinh phí công đoàn tích luỹ đạt gần 29.000 tỷ đồng. Số dư này có ở cả bốn cấp công đoàn và tăng dần qua các năm.
Các cấp công đoàn đã đem gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại bốn ngân hàng thương mại nhà nước, gồm Viettinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV. Số tiền lãi từ gửi tiết kiệm của công đoàn các cấp không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đại diện Tổng Liên đoàn lý giải, số dư trên là kết quả tích luỹ của toàn bộ hệ thống công đoàn trong nhiều năm, từ khi có tổ chức công đoàn Việt Nam. Nguồn tài chính tích luỹ tại công đoàn cơ sở tại 31/12 hằng năm là nguồn chưa chi, để dành chăm lo, thăm hỏi đoàn viên người lao động vào các dịp.
Theo Tổng Liên đoàn, ngoài chi để chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, chi lương, phụ cấp và quản lý hành chính còn có hoạt động chi gián tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú, tổ chức hoạt động văn hoá, thế thao, du lịch; khen thưởng, động viên con em người lao động. Tại công đoàn cấp trên cơ sở đến Tổng Liên đoàn, đầu năm, khi chưa thu được kinh phí công đoàn, số đó được dùng để chi cho các hoạt động. Số chi năm nay không hết được tích luỹ sang năm.
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, có ý kiến dừng gửi các khoản tích luỹ công đoàn vào ngân hàng để lấy lãi, dừng đầu tư vì lý do thất thoát, lãng phí. Nhưng đại diện Tổng Liên đoàn khẳng định "công đoàn không mang tiền tích luỹ đi đầu tư ngoài ngành mà để nâng cao nguồn lực đủ mạnh cho tổ chức công đoàn hoạt động, thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng giao".
Xuất phát từ chủ trương cổ phần hoá trước đây, một số doanh nghiệp cho công đoàn tham gia mua cổ phần ưu đãi dành cho tập thể. Công đoàn cấp trên chi tiền khi công đoàn cơ sở không đủ kinh phí tham gia mua cổ phần ưu đãi. Mục đích của hoạt động này để thêm nguồn chăm lo cho đoàn viên và người lao động.
Hoàng Phương - Phương Ánh