Siết quy định ký quỹ để ngăn chặn tình trạng nhà thầu 'tay không bắt giặc'
Trung Chánh
(TBKTSG Online) – Từ câu chuyện đòi nợ lùm xùm giữa nhà cung ứng vật tư là Công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu Kim Hưng Phát (Công ty Kim Hưng Phát) với một nhà thầu phụ thi công thuộc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình Tây An (Công ty Tây An), chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải gắt gao trong quy định ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm tài chính của nhà thầu, ngăn chặn tình trạng "tay không bắt giặc" khi tham gia vào các dự án hạ tầng.
Thi công tại gói thầu XL-11 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Trung Chánh |
Trao đổi với TBKTSG Online xung quanh câu chuyện nhà thầu phụ nợ nhà cung ứng vật liệu tại một gói thầu thuộc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, PG. TS Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Thành viên Hội đồng cố vấn của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (chủ đầu tư Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cho biết, qua trao đổi với Tập đoàn Đèo Cả ông đã nắm được tình hình nợ nần giữa Công ty Tây An và Công ty Kim Hưng Phát.
Theo ông Trần Đình Thiên, Tập đoàn Đèo Cả không có trách nhiệm trong vụ việc giữa Tây An và Kim Hưng Phát theo ý nghĩa là bên thuê nhà thầu phụ vì tài chính giữa đơn vị này và Tây An đã xong. Cho nên, việc trả nợ cho Kim Hưng Phát là việc của Tây An. Tập đoàn Đèo Cả không chịu trách nhiệm gì về việc ấy”, ông Thiên nói và cho rằng, về mặt nguyên tắc, hai bên (giữa Tây An và Kim Hưng Phát - PV) phải tự chịu trách nhiệm dân sự với nhau.
Từ chuyện nợ nần giữa nhà thầu phụ và bên cung cấp vật tư ở gói thầu phụ của dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, đặt ra câu hỏi về quá trình tuyển chọn nhà thầu thi công dự án giao thông, nên chăng có sự ràng buộc về tài chính của đơn vị được tuyển chọn hay không?
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Trần Đình Thiên cho biết, vừa rồi trong các hợp đồng ký kết thực hiện các tuyến đường cao tốc mới có ràng buộc rất chặt chẽ, tức phải ký quỹ vào ngân hàng để đảm bảo trách nhiệm. “Đó (ký quỹ ngân hàng - PV) là rút kinh nghiệm của những cái này (các dự án cao tốc trước đó - PV)”.
Theo ông Thiên, một số câu chuyện tranh chấp tương tự đã xảy ra trong thời gian trước và từ đó các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng rút ra bài học kinh nghiệm về việc này. “Vừa rồi, khi ký kết mấy tuyến đường cao tốc phía Đông, Bộ Giao thông Vận tải cũng rút kinh nghiệm, nhà thầu phụ phải đảm bảo cam kết về mặt tài chính, phải “ném” tiền ký quỹ vào ngân hàng và ngân hàng phải chốt thật vào đấy mới được chọn”, ông cho biết.
Việc bắt buộc ký quỹ ngân hàng là để có giải pháp xử lý, tránh tình huống tương tự xảy ra như ở gói thầu phụ thuộc cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. “Tôi cho rằng cách phản ứng như thế về mặt chính sách, về mặt pháp luật là đúng hướng để bảo đảm rằng tiến độ dự án phải được thực thi", ông Thiên cho biết.
Nếu nhà thầu để xảy ra trường hợp “lùm xùm” nợ nần, thì cần thiết phải có biện pháp trừng phạt để bảo đảm được việc tuân thủ tích cực. “Chứ nếu không, mình quản lý lỏng lẻo, nhiều khi sân sau, sân trước là bất tiện”, ông nói thêm rằng cần có cam kết, giám sát chặt chẽ hơn trong quan hệ giữa nhà thầu chính với nhà thầu phụ.
Liên quan vụ việc nêu trên, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận trong văn bản 1247/2020/BOT-TLMT gửi đến TBKTSG Online ngày 5-10 cho biết , Công ty Tây An là nhà thầu phụ đang thi công gói thầu XL-11A (thuộc gói thầu XL-11 của dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận- PV).
Còn Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận, là doanh nghiệp dự án, đại diện cho nhà đầu tư, không liên quan đến hợp đồng kinh tế giữa Công ty Tây An và Công ty Kim Hưng Phát. Việc Công ty Tây An vi phạm nghĩa vụ thanh toán với nhà cung cấp, tức Công ty Kim Hưng Phát, đơn vị này có thể khởi kiện ra tòa theo quy định của hợp đồng mà hai bên đã ký kết. “Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận không đủ thẩm quyền giải quyết”, ông Đông cho biết trong văn bản gửi đến TBKTSG Online.
Tại văn bản nêu trên, Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận khẳng định chủ đầu tư đã thanh toán đầy đủ và kịp thời cho nhà thầu theo đúng hợp đồng đã ký kết để thi công gói thầu XL-11A.
Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nhấn mạnh, tài sản hình thành trong quá trình thi công ở dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã được đơn vị này nghiệm thu, thánh toán đều là tài sản của dự án (là tài sản của nhà nước và đồng thời là tài sản của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận trong thời hạn hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã ký kết với cơ quan quản lý nhà nước.
“Vì thế, mọi hành vi, hành động cản trở, gây hư hỏng, thất thoát, phá hoạt tài sản nêu trên là vị phạm pháp luật”, theo văn bản; và đơn vị sẽ phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thẩm quyền- PV), Công an tỉnh Tiền Giang để bảo vệ tài sản hợp pháp được hình thành trên dự án.