Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02, Công an TP Hà Nội) đang truy tìm ông TVS (41 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện trú tại Thanh Oai, TP Hà Nội) để xác minh theo đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, có bảy phụ nữ cùng đứng đơn tố ông S. lừa gạt tình cảm, chiếm đoạt hơn 2,5 tỉ đồng. Thậm chí, trong nhóm này còn có người đã mang thai với ông S., sau khi phát hiện bị lừa, họ phải phá thai.
Người đàn ông được cho là TVS cùng một trong những phụ nữ đứng đơn tố cáo. Ảnh: NVCC
Dụ dỗ từ trăm triệu cho đến… con gà
Chị DL (34 tuổi, quê Đắk Lắk) là một những trường hợp éo le nhất. Theo trình bày, chị này đã đưa cho ông S. 800 triệu đồng. Bi đát hơn, chị có thai với người đàn ông trên, sau khi phát hiện chân tướng sự thật, chị phải bỏ đi giọt máu của mình.
Vốn là mẹ đơn thân, chị L. dắt đứa con gái nhỏ ra Hà Nội, bươn chải bằng nghề buôn bán trái cây. Khó khăn nơi xứ người khiến chị luôn mong muốn tìm được một bờ vai nương tựa mỗi khi yếu đuối. Chị tìm đến một trang mạng xã hội chuyên về kết bạn khác giới.
Tháng 9-2019, ông TVS chủ động nhắn tin cho chị. S. giới thiệu mình có nhà tại Hà Nội, đang công tác trong ngành điện lực, là trẻ mồ côi, đang rất muốn lập gia đình… Đồng cảm với hai chữ “mồ côi”, lại được hứa hẹn sẽ tiến tới hôn nhân, chị L. nhanh chóng nhận lời.
Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, S. bắt đầu vẽ ra câu chuyện đang có một lô hàng nhập khẩu trị giá hàng trăm tỉ bị hải quan tạm giữ, rất cần tiền để giải quyết. Không chút đắn đo, chị L. dùng hết số tiền tích cóp trong gần 20 năm đưa cho S.
“Tiền này tôi định mua một căn chung cư mini để hai mẹ con có nơi ăn ở nhưng từ khi gặp S., tôi không hiểu vì sao ông ấy nói gì tôi cũng tin” - chị L. sụt sùi kể lại.
Theo lời chị, ngoài tiền mặt, S. rất nhiều lần đề nghị chị mua sắm hiện vật để đi “biếu sếp”, từ quả bưởi, sầu riêng cho đến con gà. Thậm chí, chị phải vay 350 triệu đồng với lãi suất cao để giúp người yêu.
Khi chị L. phát hiện mình bị lừa dối. Lúc này, chị đang mang thai với S.
“Tôi rất sốc và vô cùng tuyệt vọng, đã nghĩ tới chuyện ôm con gái cùng tự tử. Bị phụ bạc, một đống nợ treo trên đầu, biết đến khi nào mới có thể lấy lại…” – chị L. khóc.
Tài khoản hẹn hò được cho là của ông S. nhắn tin với nhiều phụ nữ và cùng một nội dung giống nhau, chỉ khác phần giới thiệu tuổi tác. Ảnh: NVCC
Kế hoạch vạch mặt “sở khanh”
Chị TX (41 tuổi, trú tại Hà Nội), người cuối cùng “được” ông TVS làm quen, cũng là người phát hiện ra việc bị ông này lợi dụng.
Tháng 2-2020, thông qua một trang kết bạn online, chị X. nhận lời hẹn hò với ông S. Thời gian đầu, S. tỏ ra vô cùng ga lăng khi thường xuyên đưa chị đi ăn, mua đồ tặng chị. Rồi vài tuần sau đó, S. lặp lại kịch bản đang có một lô hàng bị tạm giữ, cần số tiền lớn để giải quyết.
Dù từ chối yêu cầu trên nhưng chị X. vẫn chi gần 20 triệu để “giúp đỡ” người yêu. Điều không ngờ tới, khi chị X. đề nghị trả tiền, ông S. không những không trả mà còn tỏ thái độ khó chịu.
Thấy có sự bất thường, chị X. thuê thám tử theo dõi ông S. Kết quả khiến chị ngã ngửa khi phát hiện người này đã có vợ con và những thông tin mà chị tiếp nhận bấy lâu nay đều là giả dối.
Chị X. lập tức lên trang mạng về hẹn hò, nhắn tin cho hàng trăm người, mục đích để tìm xem có ai là nạn nhân tương tự hay không. Thật kinh ngạc, chỉ trong 30 phút, chị X. tìm được sáu phụ nữ khác cũng “được” ông S. làm quen, qua lại, trong đó có chị DL.
“Lúc đầu, tôi nói chuyện với DL thì chị ấy còn không tin, nghĩ rằng tôi muốn phá hạnh phúc của họ. Thế rồi tôi đưa L. về tận nhà của ông S. để chứng minh. Chứng kiến tất cả, L. vô cùng sốc, khóc không lên tiếng” - chị X. kể lại.
Tiếp đó, nhóm bảy phụ nữ cùng nhau viết đơn tố cáo ông S. gửi tới cơ quan công an. Theo họ, điều khiến cả nhóm mềm lòng và dễ “cắn câu” nhất là ông S. luôn hứa hẹn về một đám cưới, thúc giục họ đưa giấy tờ để làm đăng ký kết hôn.
“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào lời hứa ấy, bởi vậy đã có người chấp nhận mang thai và sinh con cho ông ta. Nghĩ là sớm muộn cũng thành vợ chồng, khi được đề nghị đưa tiền để giải quyết lô hàng, chúng tôi thấy phải có một phần trách nhiệm” – chị X. cho hay.
Người bị tố cáo nói gì? Liên lạc vào số điện thoại 0936.446.xxx (do nhóm phụ nữ cung cấp), người đàn ông bên kia đầu dây nhận mình là TVS. Người này cho biết đã nắm được thông báo truy tìm của công an, tuy nhiên do đang công tác ở xa, bản thân rất bận nên không thể tới trụ sở làm việc. Mới đây, ông có gọi điện cho điều tra viên (theo số điện thoại trong thông báo) để xác minh việc mình bị truy tìm có đúng hay không nhưng điều tra viên không trả lời mà đề nghị tới trụ sở làm việc trực tiếp. “Tôi gọi để hỏi lại tờ giấy ấy thể hiện nội dung cụ thể như thế nào? Nếu cơ quan công an phát thông điệp đó đi thì xác nhận để tôi còn có hướng để làm việc. Nếu không phải thì tôi muốn báo để cơ quan công an biết có người làm giả thông báo này” – đầu dây bên kia nói. Đề cập tới nội dung tố cáo của nhóm phụ nữ, người đàn ông từ chối trả lời và cho hay tất cả mọi việc hãy để cho cơ quan công an xác minh, làm rõ; đúng sai đến đâu cứ theo pháp luật. |