Tính đến tháng 7/2020, khu vực châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu cả thế giới về số lượng tỷ phú USD. Đây là nơi cư trú của 831 tỷ phú USD, tương đương 38% số người giàu nhất thế giới. Theo Ngân hàng Thụy Sỹ UBS, tài sản của nhóm người này hiện lên tới 3,3 nghĩn tỷ USD.
Châu Mỹ tụt xuống vị trí số 2 với 762 tỷ phú USD, tương đương 35% và 596 tỷ phú sống tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Thông qua dữ liệu ở 43 thị trường, UBS Global Wealth Management nhận thấy khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn giữ vững vị trí đầu tiên trong việc gia tăng tài sản. Trung Quốc đại lục dẫn đầu với 415 tỷ phú USD, Ấn Độ là 114, Đặc khu Hành chính Hồng Kông có 65 người, đảo Đài Loan có 40 người và Australia có 39 người. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nơi có nhiều tỷ phú USD nhất với 636 người.
Phần lớn sự tăng trưởng tài sản của các tỷ phú trong năm nay có mối tương quan chặt chẽ với sự phục hồi của thị trường chứng khoán sau đợt bán tháo kỷ lục hồi tháng 4 khi Covid-19 bùng lên trên toàn cầu. Thực tế, tài sản của giới siêu giàu thường gắn liền với các công ty đại chúng mà họ điều hành hoặc đầu tư.
Cũng theo UBS, sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghệ và chăm sóc sức khỏe, vốn có sự bứt phá sau đại dịch, dẫn tới việc số người giàu và tài sản của họ tăng mạnh mẽ. Châu Á – Thái Bình Dương là nơi có tỷ phú công nghệ và chăm sóc sức khỏe cao nhất thế giới, chiếm tới 181 người trong tổng số các tỷ phú.
Con số này ở châu Mỹ chỉ là 153 (tương đương 7%) trong khi là 88 ở các khu vực còn lại. Chính sự chú trọng ngày càng tăng và sự đột phá và đổi mới ở cả lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe khiến nhóm ngành này vượt tất cả các lĩnh vực khác.
"Thú vị nhưng chẳng có gì ngạc nhiên khi nhóm người giàu trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe tăng nhanh hơn so với các lĩnh vực khác. Trong thập kỷ qua, tài sản của các tỷ phú trong lĩnh vực công nghệ đã tăng 5,7 lần trong khi tài sản của các tỷ phú trong lĩnh vực dịch vụ tài chính chỉ tăng 2,3 lần", Anuj Kagalwala, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Báo cáo về số người giàu được công bố trong bối cảnh các nhà kinh tế thiên về mô hình phục hồi hình chữ K sau đại dịch. Theo đó, sự phục hồi là khác nhau ở các khu vực kinh tế khác nhau. Người giàu sẽ càng thêm giàu trong khi những người nghèo lại càng thêm bi đát.
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận 209 tỷ phú đã đóng góp tổng cộng 7,2 tỷ USD cho công cuộc chống dịch trên toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6/2020. Trong đó, 175 người tài trợ tiền cho các hoạt động chống Covid-19. 24 người khác đầu tư tiền để thay thế dây chuyền sản xuất để tạo ra các sản phẩm chống dịch. 10 người khác đóng góp cho các chiến lược dài hạn, chẳng hạn như nghiên cứu vắc xin.
Theo Anurag Mahesh của UBS, tác giả chính của nghiên cứu, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6/2020 ghi nhận sự đóng góp cho từ thiện lớn nhất của các tỷ phú.