Bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống là nguyên tắc xuyên suốt của quy trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) theo mục tiêu nhiệm vụ của ngành Ngân hàng. Trong thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) sẵn sàng chuẩn bị để triển khai hạn mức trả tiền bảo hiểm mới và triển khai Chiến lược phát triển của BHTGVN sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Triển khai hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ
Tính đến ngày 30/6/2020, BHTGVN đang bảo vệ cho gần 6 triệu tỷ đồng tiền gửi được bảo hiểm của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 95 ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.182 QTDND và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Công tác cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG được thực hiện kịp thời, đúng quy định. 6 tháng đầu năm 2020, BHTGVN đã hoàn thành cấp lại 8 chứng nhận BHTG và 75 bản sao chứng nhận tham gia BHTG cho các tổ chức tham gia BHTG.Tổng số phí BHTG thu được trong 6 tháng đầu năm là 4.046,2 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019 và vượt 4,77% so với kế hoạch trong 6 tháng đầu năm 2020.
Công tác quản lý thu phí BHTG được thực hiện nghiêm túc, tích cực đôn đốc, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc về việc tính và nộp phí BHTG; thực hiện miễn nộp phí BHTG theo quy định đối với một số tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt (KSĐB).
Công tác quản lý và đầu tư vốn được thực hiện đúng quy định, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển nguồn vốn, đem lại nguồn thu bổ sung cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng lượng vốn tạm thời nhàn rỗi của BHTGVN đã đầu tư là 60.800,7 tỷ đồng, tăng 7,16% so với thời điểm 31/12/2019. Bên cạnh đó, BHTGVN cũng chủ động hoàn thiện các phương án chuẩn bị chi trả tiền bảo hiểm trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả để luôn sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
BHTGVN thực hiện giám sát 100% các tổ chức tham gia BHTG, trong đó tập trung giám sát chuyên sâu để theo dõi xử lý đối với các QTDND có vấn đề, kiến nghị kịp thời với NHNN các vấn đề phát sinh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; chủ động tăng cường giám sát, kiểm tra QTDND, đặc biệt là tham gia hỗ trợ xử lý các QTDND yếu kém được đặt vào tình trạng KSĐB theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các TCTD; triển khai có hiệu quả Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND...
Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ, BHTGVN cũng triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động BHTG như: xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; dự thảo Đề án Phí BHTG phân biệt; tổng kết 5 năm thi hành Luật BHTG và đề xuất các nội dung liên quan để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD; ban hành Quy chế về phí BHTG.
Hoạt động thông tin truyền thông phong phú hóa và đa dạng về nội dung, hình thức, mở rộng các kênh truyền thông trên cả nước với mục tiêu hướng truyền thông về sự đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, thu hút được sự quan tâm, tin tưởng của người dân, đặc biệt là người gửi tiền tại QTDND. Hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hệ thống BHTG tại Việt Nam.
Xác định 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Trong các tháng còn lại của năm 2020, BHTGVN xác định 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức, trong đó có tiếp tục nghiên cứu và chủ động đề xuất sửa đổi Luật BHTG, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của BHTGVN phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực của BHTGVN để BHTGVN có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình xử lý TCTD yếu kém; hoàn thành Đề tài theo nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ đặt hàng cấp Bộ năm 2019 của NHNN với chủ đề “Vai trò của BHTGVN trong hỗ trợ phát triển bền vững hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân ở Việt Nam đến năm 2025” và các đề tài nghiên cứu của BHTGVN theo kế hoạch; tiếp tục triển khai đào tạo nâng cao năng lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ của BHTGVN…
Về các hoạt động nghiệp vụ, BHTGVN tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả theo quy định của pháp luật, hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Công tác giám sát, kiểm tra đối với các tổ chức tham gia BHTG được nâng cao, đặc biệt là kiểm tra đầy đủ các nội dung đối với các tổ chức tham gia BHTG theo chỉ đạo của NHNN.
BHTGVN cũng sẽ tích cực tham gia vào quá trình xử lý các TCTD theo chỉ đạo của NHNN. Phối hợp chặt chẽ với NHNN trước, trong và sau quá trình kiểm soát đặc biệt nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các TCTD. Nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tính và thu đầy đủ phí BHTG theo quy định. Đầu tư hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, đảm bảo nguyên tắc an toàn và phát triển vốn. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông, mở rộng các kênh thông tin và cải tiến các sản phẩm tuyên truyền nhằm phổ biến sâu rộng, lan tỏa chính sách BHTG đến tất cả các công chúng, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG.
Ông Đào Quốc Tính – Tổng Giám đốc BHTGVN khẳng định: Chính sách BHTG là một chủ trương nhân văn của Đảng, Chính phủ nhằm bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Vì vậy toàn hệ thống BHTGVN sẽ tích cực thực hiện nhiệm vụ của tổ chức theo các chỉ tiêu được giao cũng như các chỉ đạo của NHNN.
Xem thêm: odl.821348-man-iouc-gnaht-gnuhn-mat-gnort-uv-meihn-cac-iahk-neirt-gnas-nas-nvgthb/et-hnik/nv.gnodoal