Phương Anh tập đi lại không cần khung - Ảnh: LÊ VÂN
Còn các bác sĩ đều nhiều lần khuyên cần cân nhắc thật kỹ.
35 tuổi, cô gái có biệt danh Phương Anh "mini", "bé lùn" vẫn quyết tâm đi kéo dài chân dù được cảnh báo đang ở độ tuổi dễ bị lão hóa xương, khó lành xương. Thách thức đầu tiên Phương Anh phải vượt qua khi đi kéo chân là... thuyết phục bác sĩ mổ cho mình.
Bác sĩ từ chối ba lần
Từ tháng 9 này, Phương Anh (quận 5, TP.HCM) mới bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường mới của chính mình, nhưng không phải vì dịch COVID-19. Cởi mở chia sẻ câu chuyện đi kéo dài chân nhưng Phương Anh vui vẻ kể: "Thực ra khi mình đi làm chân như vậy gia đình phản đối dữ lắm. Hai tháng vừa qua với mình là hành trình đầy những đau đớn mà chỉ có mình và người thân mới thấu hiểu. Chuyện đã rồi, không ai trách móc gì mình".
Chiều muộn, trong phòng ngủ chừng 20 mét vuông, Phương Anh ráng đi lại quanh phòng như trong suốt gần một tháng qua cô vẫn tập đều đặn mỗi ngày. Cô mới tháo khung được vài tuần và đang tiếp tục trị liệu sau ca phẫu thuật kéo dài chân đáng nhớ trong đời. Hai chân Phương Anh sau gần 3 tháng không hoạt động nhiều đã có dấu hiệu teo nhỏ. Nếu bây giờ cô không tiếp tục tập luyện thì quá trình trị liệu phục hồi sẽ vô cùng khó khăn.
10 năm trước, Phương Anh luôn bị ám ảnh bởi mong muốn được tăng chiều cao bằng cách kéo dài chân. "Hồi năm 2010, mình lọ mọ lên mạng xem người ta làm cách nào kéo chân vì nghe thôi đã thấy sợ rồi. Lúc lên tìm hiểu thì càng sợ hơn vì thấy bảo phải cưa chân, có khi bị què luôn. Thế là bỏ ý định. Rồi sau này lấy chồng, đẻ hai đứa con một lúc, phải lo chăm con nên cũng quên mất. Thi thoảng chỉ lên xem cho vui..." - Phương Anh kể lại.
Nhưng khát khao mạnh mẽ của Phương Anh "mini" lúc đó dường như chỉ tạm ngủ quên. Cô luôn bị ám ảnh bởi chiều cao 1,45m của mình. Trong gia đình Phương Anh có ba chị em thì cô thấp nhất. Cũng vì chiều cao bẩm sinh, Phương Anh chọn đi học làm nail rồi mở tiệm tại nhà. "Mình nghĩ với chiều cao của mình đi xin việc cũng khó. Với lại khi thử đi xin việc vài chỗ, tuy người ta không đến nỗi đánh giá gì nhưng cứ thấy họ nhìn mình hơi lâu một chút là thấy rụt rè hẳn" - Phương Anh nhớ lại.
"Mình vẫn theo dõi và cập nhật quá trình kéo chân mới nhất trên mạng. Trước đây, người ta nói sau khi kéo chân phải nằm một chỗ từ 9 tháng đến 1 năm mình thấy sợ. Còn bây giờ chỉ vài tuần sau mổ là đi lại được nên ước mơ năm xưa lại trỗi dậy. Vậy là mình tìm hiểu và tìm đến một bác sĩ ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM xin được kéo chân" - Phương Anh kể.
"Mình nhớ như in câu đầu tiên bác sĩ nói khi mình đến xin kéo chân: Thôi về đi, đừng kéo chân chỉ vì muốn mặc quần áo đẹp!" - Phương Anh nhớ lại. Mãi tới lần thứ 4, sau ba lần bác sĩ từ chối, Phương Anh vẫn quyết tâm mới được bác sĩ nhận lời mổ.
"Mình nói với bác sĩ là em không chỉ mê làm đẹp đâu, đó là tâm nguyện suốt đời em từ bé tới giờ. Dù đau đến mấy em vẫn làm được" - Phương Anh chia sẻ.
Những người đang trong thời gian kéo chân tại một bệnh viện - Ảnh: NVCC
Đừng kéo chân chỉ vì muốn mặc quần áo đẹp. Bạn chỉ thực sự đẹp khi cảm thấy hài lòng với bản thân mình, chứ không phải vì cái chân dài hay ngắn.
Bác sĩ Trần Chí Khôi (khoa chi dưới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM)
Như bị liệt nửa người!
Trước đó, Phương Anh đã tính ra Hà Nội làm, nhưng sau tìm hiểu ở TP.HCM cũng có bác sĩ làm nên cô đã tìm đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để tham vấn.
Vượt qua "tường lửa" là những lời giải thích về cuộc đại phẫu thuật cẳng chân hoặc đùi để kéo dài chân từ bác sĩ, Phương Anh vẫn quyết định thực hiện cuộc mổ. Rồi cuối tháng 6 vừa qua, Phương Anh cùng người giúp việc đến bệnh viện để kéo chân.
"Dù đã thuyết phục chồng là bác sĩ ấy giỏi, chưa từng có ca nào biến chứng, nhưng tôi vẫn sợ ông xã phân vân khi ký vào giấy cam kết trước mổ. Nên tôi cùng người giúp việc vào viện, chỉ đến lúc mổ xong tôi mới cho chồng vào" - Phương Anh kể lại.
Chồng Phương Anh khi chứng kiến vợ sau mổ, hết thuốc tê đã thực sự bị suy sụp. "Tôi không nghĩ là làm đẹp lại đau đến thế. Nhìn vợ đau đến toát mồ hôi và sốt liên tục, tôi vừa giận vừa lo" - chồng Phương Anh nhớ lại.
"Nhưng đó mới chỉ là đoạn đầu của cơn ác mộng mà tôi đã trải qua", Phương Anh tiếp lời. Sau cuộc mổ đầu tiên, cô cảm giác như bị liệt nửa người. Liên tục trong vài tuần đầu tiên, cô hầu như mất ngủ với những nỗi lo mới.
"Tôi không sợ những biến chứng vì nghĩ bác sĩ rất lành nghề và có nhiều người làm thành công rồi. Nhưng những nỗi lo khác ập đến. Bàn chân sau mổ bị căng cứng, không cử động được. Tôi hầu như phải nằm, ngồi với cùng một tư thế. Các bài tập trị liệu phục hồi thì hầu như không thực hiện được vì tôi quá đau. Mọi sinh hoạt đều phải do hai người chăm sóc, con cái thì gửi cho cha mẹ, không dám gặp con vì sợ tụi nhỏ lo" - Phương Anh nhớ lại.
Lúc này, chồng Phương Anh vừa giận vừa lo lắng nhưng ở bên động viên và giúp cô vượt qua các bài tập trị liệu phục hồi. Đầu tiên chỉ là co duỗi đầu gối, cổ chân, bàn chân... Sau đó là tập đứng với khung, nạng.
"Những bước đi đầu tiên khi cổ chân còn bị cứng đau thấu trời. Mới tháo khung hai tuần đầu, chân mình teo quá như sắp gãy làm mình không dám đứng hay cử động nhiều. Bác sĩ nói cố gắng cho cổ chân đè xuống mặt đất. Còn lúc mới mổ xong bị cứng cổ chân bác sĩ trị liệu phải tới bẻ lại, đau la thấu trời luôn. Khoảng hai tháng sau tháo khung thì bàn chân mới chạm đất được. Đến nay hai tháng mười ngày rồi mới đi được. Có anh kia làm trước mình một tháng mà đến giờ còn chưa đi được" - Phương Anh kể.
"Khi mang khung cố định thì ăn miếng cơm cũng không ngon, ngồi không được, đứng không xong. Nằm lâu thì sợ teo chân, teo mông. Tư thế ngủ không đêm nào thẳng giấc được 2-3 tiếng. Cơn đau làm mình tỉnh giấc. Có khi mệt quá, cái đầu mình muốn ngủ rồi mà cơ thể mình không ngủ được vì quá đau. Lúc đó mình co duỗi chân cũng không được. Muốn vô nhà vệ sinh phải có người khiêng, người khúc trên, người khúc dưới. Ra cũng phải có người rinh. Cảm giác như mình bị liệt nửa người dưới. Ai đó từng nói kéo chân đau lắm. Mình trải qua rồi" - Phương Anh thổ lộ.
"Sau ca mổ, lúc thuốc tê tủy sống hết tác dụng thì cảm giác đau đến trước, nhưng bệnh nhân vẫn bị mất vận động hai chân, thêm nữa do khung cố định ngoài nặng nề làm bệnh nhân không nhấc được đôi chân" - bác sĩ Trần Chí Khôi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, người đã thực hiện kéo chân ở TP.HCM nhiều năm, lý giải.
"Bây giờ có hối hận không? Nói thiệt thì không hẳn vì mình đã trải qua đau đớn rồi, không lẽ tháo ra, nối ngắn chân lại? Còn nếu chưa làm mà thấm cảnh ấy thì mình sẽ không làm. Bây giờ bác sĩ nói cho kéo giùm luôn mình cũng không kéo nữa" - Phương Anh nói.
Hiện Phương Anh đã hoàn thành cuộc mổ kéo dài chân, cao thêm 5cm. Hai chân cô có khoảng 30 cái sẹo khi lắp khung cố định để kéo xương. Giờ đây, ngay cả việc dự tính ban đầu là mổ xong sẽ đi xóa sẹo Phương Anh cũng chưa dám nghĩ tới. "Nghe dao kéo là thốn tới tim rồi, thôi kệ, từ từ tính…" - Phương Anh chia sẻ.
* Tên nhân vật đã được đổi theo yêu cầu.
Ngay cả với bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình, trường hợp của Lê Xuân Giao (TP.HCM) là một thách thức.
Kỳ tới: Hai lần kéo chân dài thêm 13cm
TTO - Chưa khi nào câu nói 'nhất dáng, nhì da' được các bà mẹ quan tâm như ngày nay. Nhiều bà mẹ tìm đủ mọi cách để phát triển tối ưu chiều cao cho con mình.