vĐồng tin tức tài chính 365

Cuộc đua 'lên sàn' của ngân hàng sắp đến hồi kết?

2020-10-09 14:30

Cuộc đua 'lên sàn' của ngân hàng sắp đến hồi kết?

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Hàng loạt các ngân hàng đua nhau lên sàn, chuyển sàn vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, đằng sau cuộc đua là áp lực tăng vốn vẫn đang hiện hữu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến chất lượng tài sản của ngành.

Nợ xấu vì Covid-19 khiến ngân hàng "đỏ mắt" đi tìm vốn

Nhiều ngân hàng muốn hoàn tất niêm yết vào cuối năm nay. Ảnh: OCB.

Đua nhau lên sàn

Ngày 9-10, có 389 triệu cổ phiếu Ngân hàng Nam Á (mã cổ phiếu NAB) chính thức giao dịch trên UPCoM, với giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, Nam A Bank là ngân hàng thứ 3 đăng ký giáo dịch trên UPCoM, sau Ngân hàng Bản Việt và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Saigon Bank) hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Tuy nhiên, “cuộc đua lên sàn” không chỉ có những ngân hàng đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, mà nhiều ngân hàng chưa niêm yết cũng đặt ra kế hoạch niêm yết trực tiếp trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) trong năm nay.

Điển hình như câu chuyện của Ngân hàng TMCP MaritimeBank (MSB), hiện HOSE thông báo đã nhận được bộ hồ sơ niêm yết của ngân hàng này. “Đây là mục tiêu quan trọng tiếp theo mà MSB nỗ lực hoàn thành để nâng cao vị thế trên thị trường”, đại diện MSB cho biết.

Có thể thấy MSB đang “chuyển hướng”, tìm cách niêm yết nhanh cổ phiếu ngân hàng trong năm nay. Vào cuối năm ngoái, ngân hàng từng thông báo đã nộp hồ sơ niêm yết cho HOSE. Tuy nhiên, tại kỳ đại hội cổ đông thường niên vào tháng 6, ban lãnh đạo của MSB đề nghị cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị rút hồ sơ đăng ký niêm yết và quyết định thời điểm khởi động lại khi thị trường thuận lợi.

Lý do khi đó được đưa ra là vì “không có lợi cho cổ đông” trong bối cảnh tình hình kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19, khiến mức định giá khi niêm yết thấp hơn giá trị nội tại.

Một trường hợp khác cũng muốn đẩy nhanh niêm yết trực tiếp trên HOSE là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Tại kỳ đại hội cổ đông thường niên vào cuối tháng 6, trước câu hỏi của cổ đông về việc ngân hàng lùi kế hoạch niêm yết trong nhiều năm qua, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT cho biết rằng chủ trương của HĐQT là muốn niêm yết càng sớm càng tốt, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào điều kiện thị trường.

Chưa hết, sàn HOSE cũng hấp dẫn nhiều ngân hàng muốn chuyển ‘địa chỉ’ niêm yết. Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt hay ngân hàng VIB. Cả hai ngân hàng này hiện đang giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cũng thông báo đã nhận được bộ hồ sơ đăng ký niêm yết của hai ngân hàng này.

Việc chuyển sàn của các ngân hàng cũng là một hiện tượng đáng chú ý khi cả hai ngân hàng niêm yết đã lâu là ABC và SHB cũng muốn chuyển niêm yết từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về HOSE.

Như vậy, sau nhiều năm chần chừ, đến khoảng thời gian cuối năm nay, đồng loạt nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa muốn chuyển sàn hoặc niêm yết cổ phiếu.

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các cổ đông nhỏ lẻ của ngân hàng đều thúc giục các ban lãnh đạo nhà băng niêm yết cổ phiếu, nhưng lý do chậm trễ đưa ra thường là vì thị trường không thuận lợi.

Trước đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tất cả các ngân hàng sẽ phải đăng ký giao dịch trên UPCoM tính đến hết năm 2020. Trong khi đó, theo luật chứng khoán mới có hiệu lực từ đầu năm sau, các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM sẽ phải mất 2 năm để “làm quen” rồi mới được niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức, nên dẫn đến hiện tượng một số ngân hàng muốn chuyển sàn.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2020, một cổ đông của LienVietPostBank đặt vấn đề: "Chuyển sàn đơn giản nhưng sao cứ kéo dài?".

Lên sàn, áp lực tăng vốn vẫn hiện hữu

Hiệu ứng “đua nhau lên sàn” vào dịp cuối năm trên thực tế đã tạo “sóng” cổ phiếu ở nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ đang đua nhau niêm yết. Không chỉ có thị giá mà cả thanh khoản cũng tăng vọt lên đáng kể.

Chẳng hạn như giá cổ phiếu VIB tăng vọt trong khoảng thời gian gần đây. Theo đó, thị giá VIB cuối phiên ngày 8-10 ở mức 33.000 đồng/cổ phiếu, tăng đến gần 20% so với hồi đầu tháng 10., gần 50% so với hồi đầu tháng 9 và gần tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay.

Còn cổ phiếu LBP của LienVietPostBank ở mức 11.400 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 25% kể từ đầu tháng 9 đến nay và hơn 67% kể từ đầu năm.

Trên sàn HNX, hai cổ phiếu SHB và ACB cũng có xu hướng tăng đáng kể. Cụ thể, cổ phiếu SHB có mức giá 15.400 đồng/cổ phiếu, tăng gần 11% kể từ đầu tháng 9 và tăng gấp gần 3 lần so với hồi đầu năm. Trong khi đó, cổ phiếu ACB có mức giá 23.200 đồng/cổ phiếu, tăng 9,4% kể từ đầu tháng 9 và hơn 32% kể từ đầu năm nay.

Việc cổ phiếu tăng giá được nhiều chuyên gia lý giải là “đón” tin tích cực từ việc nhiều ngân hàng sau nhiều năm “trầy trật” tìm kiếm con đường niêm yết,. Khi đó, các cổ đông nhỏ lẻ cũng được hưởng lợi đáng kể khi tính thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường được gia tăng.

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện niêm yết dù là ở bất kỳ sàn niêm yết nào, hầu như mọi ngân hàng đều đưa ra kế hoạch tăng vốn vào dịp cuối năm nay, đa phần là bằng phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cổ phiếu thưởng hoặc chia cổ tức để tăng vốn.

Ví dụ như trường hợp của Nam A Bank vừa đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, ngân hàng này có kế hoạch tăng vốn từ 3.890 tỉ đồng lên đến 7.000 tỉ đồng qua 2 đợt tăng khác nhau.

Hay như trường hợp OCB, dù hoàn tất thương vụ phát hành riêng lẻ cho đối tác Nhật là Ngân hàng Aozora, đưa mức vốn điều lệ hiện hữu tăng từ 7.898 tỉ đồng lên 8.767 tỉ đồng, ngân hàng này vẫn đưa ra kế hoạch tăng vốn lên tới 11.275 tỉ đồng. Tương tự, VIB cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 9.245 tỉ đồng cuối năm ngoái lên 11.094 tỉ đồng cuối năm 2020.

ACB muốn chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE vì đề án hợp nhất 2 Sở Giao dịch, trong đó HOSE sẽ quản lý thị trường cổ phiếu.

Những ngân hàng tư nhân có quy mô vốn lớn như ACB, ngoài kế hoạch chuyển niêm yết trên HOSE cũng đặt kế hoạch tăng vốn khá lớn. Theo đó, ngân hàng này đã hoàn tất chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 30%, tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỉ đồng lên mức gần 21.616 tỉ đồng.

Nhưng tăng vốn mạnh nhất phải kể đến SHB, cũng đồng thời là cổ phiếu có thị giá tăng “nóng” nhất trên thị trường trong thời gian qua. Theo đó, vốn điều lệ của SHB tăng từ mức vào 14.551 tỉ đồng vào cuối năm ngoái lên mức 17.558 tỉ đồng vào cuối tháng 6. Ngân hàng có kế hoạch tăng lên hơn 19.314 tỉ đồng.

Trong nhiều năm qua, áp lực tăng vốn của các ngân hàng ngày càng mạnh hơn khi hạn cuối thực hiện các tiêu chí an toàn mới theo chuẩn quốc tế Basel II cận kề. Đến kỳ Covid-19 lần này, các nhà băng thêm lần nữa đứng trước áp lực tăng vốn mạnh mẽ hơn, đặc biệt là với các nhà băng có quy mô vốn “mỏng”.

Chia sẻ trước đó, nhiều lãnh đạo ngân hàng Việt Nam cho rằng ảnh hưởng thực sự của dịch bệnh Covid-19 đến các nhà băng sẽ có độ trễ, ít nhất là vào cuối năm nay. Chất lượng tài sản của nhà băng cũng được nhiều chuyên gia tin rằng đang có xu hướng giảm đáng kể, dù được điều chỉnh bởi Thông tư 01, cho phép các ngân hàng tái cấu trúc nợ trong mùa Covid-19.

Xem thêm: lmth.tek-ioh-ned-pas-gnah-nagn-auc-nas-nel-aud-couc/722903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cuộc đua 'lên sàn' của ngân hàng sắp đến hồi kết?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools