WFP là một tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ), ra đời năm 1961 từ đề xuất của Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower. Trung bình mỗi năm WFP phân phối thực phẩm đến khoảng 90 triệu người.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nobel NaUy Berit Reiss-Andersen, nếu không có dịch COVID-19 thì WFP cũng hoàn toàn xứng đáng nhưng thực tế đại dịch càng củng cố lý do để ủy ban trao giải này cho WFP. Một trong các lý do đó, theo bà là cần thiết phải đề cao sự hợp tác giữa các quốc gia trong thời điểm khủng hoảng toàn cầu. Bà kêu gọi cộng đồng quốc tế không làm lơ việc hỗ trợ WFP để đảm bảo dân nghèo khắp thế giới không bị chết đói.
Theo Giám đốc điều hành WFP David Beasley, ngoài xung đột, suy thoái kinh tế thì việc giảm hỗ trợ từ các nước cũng là một lý do khiến nguồn thực phẩm WFP dành cứu trợ thiếu hụt báo động.
Việc giải Nobel Hòa bình 2020 thuộc về WFP có thể được xem là một sự “phản tỉnh” với Tổng thống Mỹ Donald Trump - vốn nhận được tới ba đề cử cho giải thưởng này và được truyền thông nhắc đến nhiều trong những ngày qua như một ứng viên tiềm năng.
Theo báo Guardian, tại lễ công bố bà Andersen không nhắc gì đến ông Trump nhưng có nói “thuyết phổ biến” và hành động của LHQ cùng WFP trái ngược với “chủ nghĩa dân túy”, “đường lối chính trị theo chủ nghĩa dân tộc” đang diễn ra ở nhiều nước.
Báo New York Times gắn kết việc WFP được vinh danh giải Nobel Hòa bình trong bối cảnh chính phủ ông Trump ngày càng lạnh nhạt với các tổ chức của LHQ. Từ khi ông Trump vào Nhà Trắng, Mỹ đã rút khỏi nhiều tổ chức LHQ cũng như giảm hỗ trợ cho nhiều tổ chức khác (như Tổ chức Y tế Thế giới), kể cả các tổ chức chuyên thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo.