Hà Nội là qua lời kể của Ba, năm 1954 khi ông tập kết ra Bắc, khi đang trong đội cải cách ruộng đất ở Văn Giang, Hưng Yên thì bị bắt giam vì "nghe nói nhà Ba tôi ở Ninh Thuận có tới 3 mẫu đất". Đất nhiều như thế là thành phần địa chủ...
Năm 1975 giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, tôi về quê mới biết đất ruộng nhà ông Nội tôi phải gấp 10 lần như thế! Sau khi cải cách ruộng đất được "sửa sai" vào cuối năm 1956, ông được minh oan bởi ở quê nội tôi, dăm ba mẫu đất thì nhà nào chẳng vậy.
Ông kể, đạp xe lóc cóc từ Hưng Yên về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, tới giữa cầu Long Biên cầm cái huy hiệu "Cải cách ruộng đất" rồi ném xuống sông Hồng.
Lăng Bác Hồ - một biểu tượng trong lòng người dân cả nước mỗi khi có dịp về thăm Hà Nội đều ghé Lăng Bác. Ảnh: NÚI XANH
Hà Nội là tuổi trẻ của mẹ tôi
Sau 1954 bà được cơ quan cử đi học tại Trường chuyên nghiệp thuộc Bộ Tài chính. Mẹ kể, cuối năm 1956, đầu năm 1957, những ngày thứ bảy, Chủ nhật, hàng vạn thanh niên các cơ quan nhà máy, xí nghiệp, trường học trên địa bàn Hà Nội, đến làm nghĩa vụ lao động với tinh thần xây dựng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Công viên Thống nhất; đắp mở rộng con đường Cổ Ngư (sau này Bác Hồ đặt tên cho là đường Thanh Niên). Thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn ru em rồi con cháu tôi câu:
“Trên đê Cố Ngư, nhớ chữ đồng tâm
Hỡi cô đội nón ba tầm
Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang...".
Nhà sán, ao cá Bác Hồ.
Cũng từ những hoạt động thanh niên tình nguyện ấy, ông bà quen nhau khi Ba tôi đang công tác tại trường. Đầu năm 1957, sau khi được cơ quan và gia đình đồng ý, Ba mẹ tôi tổ chức lễ cưới.
Lễ cưới tổ chức tại hội trường Bộ Nông nghiệp khi ấy ở Giảng Võ, chỉ đơn giản là trà lá, bánh kẹo. Quà mừng là những chiếc chậu (thau) tráng men, xoong nồi, ca, bát...
Chủ hôn là bác Tư Chiến, sau 1975 ông về làm Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Đại diện cho họ nhà trai là ông bác họ cũng tập kết ra Bắc thời ấy (những người ấy cũng giống như ba mẹ tôi, họ đều khuất cả rồi).
Đại diện họ nhà gái là hai ông cậu đạp xe từ Nam Định lên và mấy ông anh, bà chị đang sinh sống ở Hà Nội. Sau ngày kết hôn ba mẹ tôi về sống ở khu tập thể của Bộ Nông nghiệp.
Hà Nội trong ký ức tuổi thơ
Hà Nội với tôi ngoài những ký ức của những lần theo ba, theo các chú, các bác lên Hà Nội công tác, gặp đúng lúc máy bay Mỹ ném bom, ngồi dưới hầm trú ẩn nghe rền mặt đất tiếng bom rơi đạn nổ.
Sau khi ký hiệp định Paris 1973 chấm dứt chiến tranh, tôi theo Ba lên Hà Nội khi ông xin về quê chiến đấu, Ba đưa tôi ghé nhà ông chú ở khu tập thể Kim Liên chơi, khi ông chuẩn bị đi trong phái đoàn liên hiệp 4 bên ở trong sân bay Tân Sơn Nhất. Đấy là khoảng thời gian tôi theo đứa con ông chú cũng trạc tuổi mình đi "khám phá" Hà Nội.
Hà Nội thời ấy còn nhỏ lắm. Theo đường tàu điện đến Đuôi cá, phía bên kia phố Khâm Thiên đã là vùng ngoại ô, ra khỏi bến xe Kim Mã đi lên phía Giảng Võ là vô vàn ao hồ, cuối đường Thanh Niên phía Nghi Tàm đã là nhà quê...
Hồ Gươm.
Người nhà quê lên Hà Nội chơi thời bấy giờ chỉ loanh quanh từ bến xe Kim Liên qua công viên Thống nhất lên ga Hàng Cỏ, vòng xuống Hồ Gươm, chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, qua Ba Đình ghé Hồ Tây là hết chỗ để thăm thú. Khác với các thành phố khác, chỉ duy nhất Hà Nội có tàu điện "sớm khuya đi về".
Trong ký ức của nhiều người, tiếng leng keng của thời bấy giờ như một nét đặc trưng rất riêng Hà thành. Mấy đứa trẻ chúng tôi rủ nhau nhảy tàu điện từ chợ Đồng Xuân qua Bờ Hồ, dọc phố Nguyễn Thái Học xuống phố Hàng Bột, qua Ô Chợ Dừa xuống đến Gò Đống Đa...
Rồi từ Bờ Hồ đi hết phố Huế, Bạch Mai tới chợ Mơ. Tàu từ Quốc Tử Giám rẽ sang Nguyễn Thái Học ngang sân vận động Hàng Đẫy, bến xe Kim Mã, Cầu Giấy... Cái tuổi 12, 13 là nghịch lắm, cứ hỉ hả vừa bám đuôi tàu vừa mút kem...
Có đợt lên nhà một người bác đồng hương với Ba, lúc ấy ông làm ở Bộ Tư lệnh bộ đội thông tin, nhà ở khu tập thể quân đội số 1 Điện Biên Phủ, tôi được một chú cận vệ dẫn lên trên cột cờ. Theo các bậc thang xoắn bằng đá đi lên, nhìn qua các cửa sổ rồi đi lên đỉnh.
Lần đầu tiên được ngắm Hà Nội trên điểm cao hơn 30m thật thú vị. Chú cận vệ chỉ cho biết kia là quảng trường Ba đình, kia là Đoan Môn, lầu Công chúa phía Cửa Bắc, nhà Bưu điện và Tháp rùa soi bóng Hồ Gươm...
Tàu điện bây giờ chỉ còn được vẽ lên tường và trong ký ức nhiều người.
Trong trí nhớ của một đứa trẻ thời ấy, Hà Nội vừa tráng lệ vừa cổ kính. Hà Nội bi hùng trong những câu hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông đô, đây Hà Nội...”.
Hà Nội vẫn mãi trong tôi
Sau 1975 gia đình tôi về quê Nội trong Nam sinh sống. Trừ những năm trong quân ngũ, tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, còn thì năm nào cũng về quê một, hai lần và lần nào cũng ghé về Hà Nội vẫn có cảm giác xao xuyến khi “chạm bóng cửa ô...”.
Có lần dành hẳn ba ngày cùng bạn bè đi xem hết các bảo tàng. Ở Hà Nội thú vị nhất là sáng sớm ra Thụy Khuê xem các bà các chị chở hoa ra chợ bán, chiều tối ra bãi sông Hồng ngắm hoàng hôn xuống bên cầu Long Biên.
Ca nhạc đường phố tại phố đi bộ Hồ Gươm tối cuối tuần.
Dịp cuối tuần ra Hồ Gươm nghe nhạc đường phố, loanh quanh bên hồ chọn góc chụp vài kiểu ảnh Tháp rủa, cầu Thê Húc...
Mỗi khi có dịp đưa con cháu về quê ngoại tôi đều đưa lên Hà Nội để viếng Lăng Bác, thăm Hoàng Thành, Văn Miếu, ghé Hồ Tây, Tràng Tiền ăn kem...
Hà nội hôm nay không còn 36 phố phường, loanh quanh mấy cửa ô nữa Hà Nội từ hàng nghìn năm trước vùng đất địa linh nhân kiệt được các bậc tiền nhân, tiên đế chọn là nơi định đô lâu dài, đang đổi thay theo hướng hiện đại từ các công trình, quy mô dân số, diện tích đến những sắc thái đô thị.
Phố Phan Đình Phùng nổi tiếng với hàng Sấu cổ thụ.
Những ngôi nhà chọc trời ngày càng nhiều thêm. Hà Nội với sứ mệnh thủ đôm trái tim của một quốc gia, Thăng Long-Hà Nội luôn mang một khát vọng “Rồng bay” từ nền tảng văn hiến ngàn đời.
Hà Nội vẫn còn đó nét đẹp cổ kính từ những ngôi nhà phố cổ chen chúc nhau, cô hàng nước chân chất mộc mạc bên gốc bàng dưới mái ngói rêu phong,… cho đến những cô gái yểu điệu thướt tha trong chiếc áo dài truyền thống.
Mỗi con phố là một làng nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị. Mùa thu Hà Nội rất dễ làm người ta tương tư với hương hoa sữa, mùi cốm mới, hoa sen Hồ Tây.
Trong cái bộn bề xe máy phố phường, dạo quanh phố cổ vẫn bất chợt gặp những cô gái ngoại thành đẩy chiếc xe đạp hoa, chở cả mùa thu qua từng con phố...
Hà Nội với tôi, còn là kỷ niệm với mối tình đầu của người lính trẻ với một cô gái 17 tuổi có đôi mắt đen láy và "tóc em dài như gió mùa thu".
Cô ấy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội... Tôi đã được nghe bao điều về tuổi thơ của cô ở đây. Trong cái tình yêu lớn về Hà Nội vẫn có một góc riêng mình lung linh...
Xuống phố mùa thu.
Tôi đã đi nhiều nơi, sống cũng nhiều chỗ, cùng thời gian cuộc đời có lúc thăng trầm. Nhưng tình yêu của tôi với quê hương là điều bất biến.
Riêng với Hà Nội không phải quê hương, nhưng vẫn là một chốn đi về mỗi khi có dịp. Tôi yêu Hà Nội với một tình yêu có thể khác với mọi người, bởi vì trong Hà Nội có cả một miền ký ức mà sinh thời cha mẹ mình đã đi qua.
Mỗi lần có dịp là tôi đưa con cháu về thăm Hà Nội.