Lần đầu tiên, cử tri cử quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức đã đi bỏ phiếu về việc sáp nhập 3 quận, lấy tên mới là TP Thủ Đức. Theo đó, quận 2 có gần 76,9% cử tri đồng ý; Quận 9 có hơn 96% cử tri đồng ý; Quận Thủ Đức có 97,68% cử tri đồng ý.
Kết quả lấy ý kiến cử tri sẽ được thông qua HĐND phường, quận và sẽ được trình UBND TP.HCM. Ngày 12/10, HĐND TP.HCM sẽ họp, có nghị quyết về nội dung này.
Đây là mô hình chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Vậy đâu là nguồn cảm hứng để UBND TP.HCM đưa ra đề xuất này?
Có thể nói, mô hình thành phố trong thành phố còn mới tại Việt Nam, nhưng nó đã thành công ở nhiều nước trên thế giới. Ví dụ như thành phố mới La De France của Paris, Gang Nam của Seoul, hay khu Phố Đông thuộc thành phố Thượng Hải - Trung Quốc.
Phố Đông - Thượng Hải: Sự thành công của mô hình "thành phố trong thành phố"
Theo tìm hiểu, khu Phố Đông có sự tương đồng với mô hình TP Thủ Đức mà TP.HCM đang đề xuất. Cách đây 30 năm, Phố Đông vẫn còn là khu đất trống và khu Thủ Thiêm ở quận 2 cũng khá tương tự.
Cách đây 30 năm, khu Phố Đông - Thượng Hải chỉ là bãi đất trống, nhà thấp tầng…, nhưng giờ là những tòa nhà chọc trời, quy tụ những doanh nghiệp hàng đầu tại khu trung tâm tài chính Lục Gia Thủy, nằm bên bờ sông Hoàng Phố.
Ngay từ những ngày đầu, khu Phố Đông được quy hoạch đầy đủ các khu chức năng như: khu sân bay (cảng biển) quốc tế, khu thương mại tài chính, khu chế xuất, công nghiệp, khu công viên khoa học, khu triển lãm kinh tế kỹ thuật cao…
Khu Phố Đông có sự tương đồng với mô hình TP Thủ Đức mà TP.HCM đang đề xuất.
Ông Gao Chengyong, một trong những chuyên gia đã tham gia quy hoạch thực hiện những dự án đầu tư ở khu phố Đông, cho biết, đề án quy hoạch này nhằm tạo nên một thế mạnh tổng hợp cho Phố Đông.
"Đây là sân bay quốc tế Phố Đông. Việc xây dựng sân bay này đã mang đến những điều kiện thuận lợi để phát triển khu Phố Đông. Trong quá trình phát triển khu Phố Đông, việc quy hoạch là rất quan trọng, mọi phương diện đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng, bao gồm việc quy hoạch giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu và sự phát triển dân số về sau này", ông Gao Chengyong, Ủy viên Ủy ban Công nghệ, Cục Phát triển Đô thị Thượng Hải, nhận định.
Đáng chú ý, đề án này được chính quyền Thượng Hải tuân thủ nhất quán suốt gần 30 năm qua. Ngoài ra, với nhiều chính sách thu hút đầu tư đổi mới theo tư duy thị trường, như giao quyền quyết định, tự chịu trách nhiệm cho cấp chính quyền địa phương, đẩy mạnh hợp tác công tư, rút gọn thủ tục chấp thuận đầu tư trong và ngoài nước chỉ còn 7 ngày… đã giúp kinh tế khu vực này phát triển nhanh chóng, đóng góp hơn một nửa ngân sách cho thành phố Thượng Hải với con số hàng trăm tỷ USD/năm, giúp Thượng Hải hiện trở thành là 1 trong 5 trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới hiện nay.
TP Thủ Đức có điểm tương đồng nào với Phố Đông - Thượng Hải về vị trí địa lý và cơ hội phát triển?
Thực tế, chính quyền Thượng Hải không sáp nhập quận để tạo thành khu Phố Đông, mà họ vẫn giữ nguyên tắc điều hành gồm các quận khác nhau và họ quy hoạch tổng thể rất tốt. Họ quy hoạch từ các khu tài chính, thương mại, công nghiệp, cảng biển, sân bay… rất đầy đủ cho sự phát triển đồng bộ của một khu kinh tế mới. Tổng diện tích khu Phố Đông lên tới hơn 1,2 nghìn km2.
TP Thủ Đức của TP.HCM có tổng diện tích 3 quận chỉ bằng khoảng 1/6 phố Đông, với 212 km2, nhưng về quy hoạch cũng khá tiềm năng. Đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho biết, khu đô thị này sẽ chia thành nhiều phân khu khác nhau, lấy kinh tế tri thức, công nghệ cao làm cốt lõi. Ví dụ như: Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, Khu Đại học Quốc Gia phát triển giáo dục bậc cao… và một số khu mới như Khu thể thao Rạch Chiếc, Khu công nghệ sinh thái nông nghiệp Tam Đa…
TP Thủ Đức dự kiến được thành lập dựa trên sáp nhập 3 quận: Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. (Ảnh: Dân trí)
Về vị trí địa lý, hiện chính quyền TP.HCM chọn quận 2, quận 9 và Thủ Đức là khu vực phát triển ý tưởng này. 3 quận này nằm tiếp giáp với cửa ngõ phía Đông, nối ra sân bay Quốc tế Long Thành tương lai, tiếp giáp khu vực cảng Cái Mép ra hướng Bà Rịa - Vũng Tàu.
Từ bài học Phố Đông - Thượng Hải, khu Đông TP.HCM kết nối ra các vùng lân cận, tạo thành một vị trí địa lý rất thuận lợi, lý tưởng phát triển một siêu đô thị với đầy đủ chức năng về hạ tầng, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho TP.HCM mà còn các tỉnh lân cận.
TP.HCM cần cơ chế như thế nào và làm sao để quy hoạch xây dựng?
Phóng viên VTV đã trao đổi với chuyên gia quy hoạch đô thị Ngô Viết Nam Sơn, người từng tham gia vào giai đoạn đầu quy hoạch khu Phố Đông của Thượng Hải và ở Việt Nam là người tham gia quy hoạch khu đô thị Nam Sài Gòn Phú Mỹ Hưng hiện nay.
Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, đây là một chủ trương đúng. TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có thể đạt được những thành tựu kinh tế rất cao nếu có sự chuẩn bị tốt, nhưng việc thực hiện nó không đơn giản, bởi nó đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư rất lớn, đòi hỏi cách quản lý cần có sự thay đổi, cần có cơ chế đặc thù cho khu vực này.
Dự kiến, TP Thủ Đức sẽ đóng góp 30% GRDP cho TP.HCM và chiếm 7% GDP của cả nước. (Ảnh: Dân trí)
Cụ thể, ông Sơn đề xuất 3 bước đi cần thiết hiện nay:
- Phải có bản quy hoạch đô thị tốt, có tầm nhìn xa;
- Từ bản quy hoạch đó, đưa ra một bảng kế hoạch tài chính. Chúng ta cần bao nhiêu kinh phí để làm những hạ tầng cần thiết và chúng ta thu hút vốn như thế nào? Vốn ngân sách ra sao?
- Phải xác định những mục tiêu và yêu cầu trong từng giai đoạn. Ví dụ như trong 5 năm chi ra đề đầu tư là chính và sau đó thời điểm nào bắt đầu đóng góp cho ngân sách trung ương, địa phương…
"TP phía Đông này có thành công hay không không phải xây dựng công trình không là đủ, cũng không phải kêu gọi chủ đầu tư vào làm dự án địa ốc là đủ. Chúng ta không nên làm "da beo" hết toàn thành phố, mà nên làm cụm này xong, hoàn chỉnh rồi mới qua cụm khác. Mỗi cụm hoàn chỉnh cần có đầy đủ khu ở, giải trí, giáo dục cho các thành phần dân cư và nguồn công ăn việc làm", ông Ngô Viết Nam Sơn nhận định.
Dự kiến, TP Thủ Đức sẽ đóng góp 30% GRDP cho TP.HCM và chiếm 7% GDP của cả nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài việc ưu tiên đầu tư hạ tầng, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, thu hút nhân tài, cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư… sẽ là những bước đi cần thiết trong lộ trình hiện thực hóa.
TP.HCM tập trung phát triển khu công nghệ cao, sáng tạo cho TP Thủ Đức
Để làm nền tảng cho mô hình thành phố phía Đông, hiện TP.HCM đã điều chỉnh quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía Đông, lấy kinh tế tri thức, công nghệ cao làm cốt lõi.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, khu đô thị sẽ được chia thành nhiều phân khu khác nhau, mỗi một phân khu thành phố sẽ nghiên cứu các chính sách ưu đãi phù hợp để hút đầu tư, ví dụ như tập trung ngành kinh tế trọng điểm có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiện TP.HCM đã hình thành một ban chỉ đạo xây dựng và phát triển quy hoạch thành phố Đông, Trong đó, TP.HCM nhấn mạnh 2 nhiệm vụ của của TP phía Đông: Một là phát triển kinh tế sáng tạo; Hai là hợp tác phát triển với các tỉnh lân cận trong vùng.
Các chuyên gia cho rằng, lợi thế hiện nay của TP Thủ Đức là quỹ đất để đáp ứng chính sách phát triển đổi mới về hạ tầng giao thông, hậu cần, logistics… Tuy nhiên, chính sách thu hút đầu tư không chỉ có doanh nghiệp FDI mà còn phải khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đang hoạt động hoặc có tiềm năng, góp phần lan tỏa hiệu ứng chia sẻ tiềm lực đầu tư.
Hiện đề xuất này của TP.HCM được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính Phủ nhưng phải chờ sự hướng dẫn từ Bộ Tư Pháp để thực hiện đúng các quy định, trình tự thủ tục liên quan.
VTV.vn - TP Thủ Đức (đô thị phía Đông) được ví như "hạt nhân" để tạo động lực cho đầu tàu kinh tế TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!